Doanh nghiệp bảo hiểm muốn tồn tại phải chấn chỉnh lại

Hồng Nga| 24/04/2023 02:00

Những lùm xùm vừa qua được xem là khủng hoảng lớn nhất lịch sử ngành bảo hiểm kể từ năm 1996 đến nay. Các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đối diện với doanh thu phí bảo hiểm giảm, hợp đồng khai thác mới ngưng trệ…

Doanh nghiệp bảo hiểm muốn tồn tại phải chấn chỉnh lại

Khủng hoảng lớn nhất lịch sử ngành bảo hiểm

Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), 3 tháng đầu năm 2023, thị trường BHNT chỉ có thêm 578.989 hợp đồng khai thác mới, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sản phẩm liên kết chung chiếm 41,2%, giảm 13,% so với cùng kỳ; sản phẩm liên kết đơn vị chiếm 18,1%, giảm 31,9%; sản phẩm tử kỳ chiếm 32,5%, tăng 0,3%… Tổng doanh thu phí BHNT toàn thị trường đạt 37.849 tỷ đồng, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản phẩm liên kết chung chiếm 55%, sản phẩm liên kết đơn vị chiếm 16,1%, sản phẩm hỗn hợp chiếm 15,6%, sản phẩm phụ là 10,8%…

Đại diện Dai-ichi Life cho biết, những tháng đầu năm, thị trường bảo hiểm bị ảnh hưởng nhiều từ kinh tế. Đặc biệt, những lùm xùm vừa qua càng khiến thị trường thêm khủng hoảng. Tại Dai-ichi, doanh thu phí bảo hiểm giảm, số lượng hợp đồng khai thác mới giảm, thậm chí, còn có khách hàng đến hủy hợp đồng. 

Link bài viết

Chia sẻ với báo giới ngày 24/4/2023, ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký IAV cho biết, nguyên nhân giảm là các hợp đồng bảo hiểm đáo hạn, chấm dứt và vì những lùm xùm thời gian qua. Theo ông, đây là khủng hoảng lớn nhất ngành BHNT về mặt niềm tin, kể từ khi thị trường được hình thành năm 1996. 

Với kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), đây là kênh mang nguồn thu lớn cho DN và cả ngân hàng. Năm 2022, có 995.400 hợp đồng BHNT được phân phối qua kênh bancassurance, chiếm 46% doanh số khai thác mới. Lũy kế đến hết năm 2022, có hơn 2,92 triệu hợp đồng BHNT được bán theo hình thức này, với tổng phí 44.959 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng doanh số. Tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm liên kết những năm gần đây khá cao, chẳng hạn như năm 2021 tăng tới xấp xỉ 40%. 

Theo ông Dũng, sự tăng trưởng nóng của sản phẩm này là một phần nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng bảo hiểm hiện nay. "Ngân hàng có thể không bán bảo hiểm nữa thì khách hàng của họ vẫn còn đó. Còn công ty bảo hiểm có thể sẽ không bán được nữa", ông Dũng nói.

Cần lành mạnh thị trường

Trong 2-3 năm nay, nhiều người dân bức xúc với chất lượng tư vấn của DN BHNT, đặc biệt đối với kênh phân phối qua ngân hàng. Nhiều người dân cho biết bị ngân hàng ép mua bảo hiểm kèm khoản vay, thập chí nhiều khách hàng còn phản ánh bị "lừa" từ gửi tiết kiệm sang mua BHNT.

Theo số liệu từ IAV, trong năm 2022, có hơn 3.100 đại lý vi phạm. Tính chung trong 3 năm (2020-2022) có hơn 9.000 đại lý vi, bị cấm hành nghề trong 3 năm. Những vi phạm thường là cùng lúc làm đại lý cho 2 công ty bảo hiểm, chiếm dụng phí, tuyên truyền quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, dịch vụ…

-7559-1682348962.png

Để đảm bảo quyền lợi khách hàng, phải có sự “chung tay” của Nhà nước, DN và cả khách hàng. Về phía Nhà nước, Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực trong năm nay, trong đó yêu cầu về việc bảo vệ quyền lợi khách hàng nâng cao hơn như phải giải thích rõ cho khách hàng những quyền lợi cụ thể, quá trình tư vấn của đại lý phải được DN ghi âm và lưu giữ trong vòng 5 năm, tiêu chuẩn về đại lý bảo hiểm… Với đại lý, luật cũng quy định rõ ràng về tiêu chuẩn, trong đó các tổ chức tín dụng muốn bán bảo hiểm cần đáp ứng số lượng nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề đồng thời phải có quầy riêng, tránh gây nhầm lẫn với các sản phẩm khác của ngân hàng…

Những lùm xùm vừa qua khiến DN bảo hiểm bị ảnh hưởng nặng nề nên theo ông Dũng, nếu DN không chấn chỉnh sẽ rất khó tồn tại và phát triển. Cụ thể, DN phải đảm bảo quy trình, nghiệp vụ và tăng cường đào tạo đại lý, tăng cường tương tác giữa bảo hiểm với khách hàng… Riêng với bancassurance, DN bảo hiểm phải làm việc với các ngân hàng để tăng cường việc đào tạo nhân sự. Ngoài ra, hai bên cần kết hợp và xác định các quy định về xử phạt khi có sai phạm từ phía nhân viên ngân hàng, trong hợp đồng ký kết phải có các cơ chế giám sát.

Ở góc độ của người đồng hành DN và người tiêu dùng, IAV đã làm việc với DN bảo hiểm và thống nhất nhiều giải pháp để lành mạnh thị trường. DN cũng cam kết rà soát hoạt động đào tạo, cải thiện quy trình tư vấn bán hàng, tăng quy trình kiểm soát nội bộ để hạn chế tranh chấp, khiếu nại, hỗ trợ xử lý khiếu nại của khách hàng nhanh chóng và minh bạch. Cùng với đó là các hoạt động tuyên truyền để khách hiểu rõ hơn, cải thiện chất lượng, hình thức tiếp cận để giúp bảo hiểm trở nên đơn giản, dễ hiểu hơn với người dân...

“Nhưng trong khi chờ luật đi vào thực tiễn, khách hàng vẫn phải bảo vệ quyền lợi của chính mình bằng việc nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký và ghi âm lại quá trình được đại lý tư vấn”, ông Dũng khuyên.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện có khoảng 730.000 đại lý chính thức, gồm cả tổ chức và cá nhân. Thị trường đang dịch chuyển theo xu hướng tuyển dụng đại lý có trình độ thay vì tuyển dụng bằng quan hệ như trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp bảo hiểm muốn tồn tại phải chấn chỉnh lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO