Cần tạo cơ chế, động lực cho DN hoạt động và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu |
Theo các chuyên gia, hiện các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư, phát triển công nghệ và vì thế cũng khó tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới. Hiện cả nước có khoảng 5.000 DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng chỉ có khoảng 25 - 30% DN tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chia sẻ tại một hội thảo "Phát triển liên kết giữa DN Việt Nam với các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo" do Bộ Công thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Trí - Tổng giám đốc Công ty cơ khí Lập Phúc khẳng định, các DN Việt rất khó để chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chẳng hạn, với đối tác Mỹ, bên cạnh các yêu cầu khắt khe về nhà máy sản xuất, thiết bị đạt chuẩn… họ còn đặt ra yêu cầu giá sản phẩm phải cạnh tranh, phải rẻ hơn Trung Quốc. Để đáp ứng yêu cầu đối tác, công ty phải mua máy móc đã qua sử dụng từ Nhật Bản về rồi cải tiến lại. Nhưng dù nhập máy móc cũ nhưng vì thuế nhập khẩu cao nên không thể cạnh tranh với máy Đài Loan. Để sản xuất các thiết bị cho các tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó có hãng xe điện Tesla, công ty phải nỗ lực tìm kiếm những giải pháp tối ưu từ trong việc đầu tư máy móc của Nhật Bản, xây dựng nhà máy đạt chuẩn cho đến việc đào tạo nhân sự…
Trong đó, vấn đề giá và quản trị, các DN Việt Nam không thể cạnh tranh với các DN Trung Quốc, Thái Lan. Với nguồn tài chính và quản trị còn kém, DN trong nước khó đầu tư nâng cao năng lực, khó có thể tăng quy mô sản xuất hoặc thăng cấp từ nhà cung ứng cấp 2 lên cấp 1. Đây là những lý do khiến việc liên kết của DN trong nước với khối FDI vẫn còn khiêm tốn.
Mới có khoảng 25-30% DN ngành công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu |
Theo TS. Trương Chí Bình - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, DN trong nước hoàn toàn đủ khả năng nhưng do chi phí sản xuất của DN trong nước cao, không cạnh tranh được với các DN nước ngoài cùng lĩnh vực. Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban kế hoạch kinh doanh và đối ngoại Công ty Toyota Việt Nam dẫn chứng, công ty từng đặt nắp bình xăng cho xe ô tô với một DN trong nước nhưng phải thay đổi vì giá. Trong khi giá nhập khẩu chỉ 1,5 USD/cái thì báo giá của DN ở Việt Nam là 3,5 USD/cái. Sau khi đã làm nhiều cách để hạ giá thành, DN Việt Nam cũng chỉ có thể hạ giá xuống 2,5 USD/cái, vẫn cao hơn nhập khẩu. Tương tự, các linh kiện khác trong nước đều cao hơn so với linh kiện nhập khẩu. Một chiếc ô tô với cấu thành từ mấy ngàn linh kiện thì giá xe sẽ đội lên đến mấy ngàn USD nếu dùng linh kiện nội địa.
Để các DN ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết với các nhà sản xuất là phải cắt giảm được chi phí sản xuất. Cụ thể, các DN cần được tiếp cận tín dụng tốt hơn thông qua hình thức vay ưu đãi, bảo lãnh không thế chấp... Song song đó là cải thiện khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, các thủ tục xây dựng nhà máy.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng, cần tăng quy mô DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm DN, hệ sinh thái để sản xuất cụm linh kiện hoàn chỉnh. Các cơ quan Nhà nước cần hỗ trợ năng lực thương mại và giúp kết nối DN nội địa với nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia.
Nhà nước cần thiết nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia. Trong đó, phải phát triển thị trường cho các sản phẩm công nghiệp bao gồm cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Chính phủ phải bổ sung thêm cơ chế ưu đãi, hỗ trợ hợp lý về tài chính, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ, quản trị sản xuất... cho các DN ngành công nghiệp hỗ trợ có điều kiện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.