Để phát triển bền vững mô hình kinh tế tuần hoàn

Hồng Nga| 11/04/2023 06:00

Phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu và là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, cần hoàn thiện khung pháp lý song song với các chính sách hỗ trợ DN thì mới theo kịp xu thế này.

Để phát triển bền vững mô hình kinh tế tuần hoàn

Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, ô nhiễm nước có thể gây thiệt hại cho Việt Nam đến 3,5% GDP vào năm 2035. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Dự báo, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể gây thiệt hại lên tới 11% GDP của Việt Nam vào năm 2030. Vì vậy, để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và cam kết quốc tế về giảm khí thải nhà kính mà Việt Nam đã ký kết, hướng tiếp cận chuyển đổi mô hình từ "kinh tế tuyến tính" sang "kinh tế tuần hoàn" được xem là một ưu tiên.

Xu thế tất yếu

Chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính (kinh tế truyền thống) sang kinh tế tuần hoàn đang là xu thế chung của thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Kinh tế tuần hoàn không chỉ được đề cập trong chủ trương, Việt Nam còn thể chế hóa quy định về kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kinh tế tuần hoàn được xác định "là mô hình kinh tế trong đó thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường". 

Link bài viết

Giai đoạn 2021-2030, Việt Nam triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên ba trụ cột: thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu, giảm rác, giảm phát thải, khôi phục hệ sinh thái. Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Phát triển kinh tế tuần hoàn đã mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho một số DN. Đơn cử như Heineken Việt Nam, từ nhiều năm nay đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn bằng cách cung cấp phụ phẩm, phế phẩm sau khi nấu bia cho các nhà chế biến thức ăn chăn nuôi. Hay nhà máy Heineken mua lại vỏ chai bia sau khi bán ở nhà hàng, quán ăn để tái sử dụng 20-30 lần, sau đó bán cho nhà sản xuất thủy tinh. Heineken Việt Nam đang hướng đến phát thải ròng bằng 0 qua việc sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong sản xuất, 100% nước được bù hoàn và không còn chất thải chôn lấp.

Hay như Công ty Nhựa tái chế Duy Tân đã xuất khẩu 4.000 tấn hạt nhựa tái chế sang thị trường Mỹ. Điều đặc biệt là nguyên liệu làm nên 4.000 tấn hạt nhựa này được công ty thu gom từ rác thải nhựa. Ngoài thị trường Mỹ, sản phẩm của Duy Tân đã được xuất khẩu sang 12 nước trên thế giới.  

DN vẫn gặp khó

Theo khảo sát do Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện, có 85,1% DN trong nhóm 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) cam kết hoặc có kế hoạch cam kết thực thi các tiêu chuẩn về môi trường - xã hội - quản trị (ESG). 

Quan tâm là vậy, tuy nhiên việc sử dụng năng lượng xanh và tiết kiệm là không dễ đối với hầu hết DN. Chẳng hạn, nhiều chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho khoảng 3.300 DN nhựa đã được triển khai, nhưng mới có 38% DN đạt định mức tiêu hao năng lượng, 22% DN có kế hoạch cải thiện hiệu suất tiêu hao năng lượng. 

Một trong những thách thức trong việc giảm phát thải carbon đối với ngành nhựa chính là số lượng DN có quy mô vừa và nhỏ, chiếm đến hơn 90% nên đầu tư để sử dụng năng lượng xanh là rất khó vì thiếu vốn. 

Ngay như các DN trong FAST500 cũng gặp nhiều trở ngại trên hành trình theo đuổi các tiêu chuẩn ESG. Trong đó có đến 83,3% DN thừa nhận chưa có đầy đủ thông tin khi cam kết thực hành ESG. Nếu không nắm bắt đủ dữ liệu và thông tin chi tiết, DN gặp khó trong việc ưu tiên các vấn đề về ESG, trong việc tương tác với các bên liên quan để xây dựng niềm tin và tránh rủi ro. 

Hoàn thiện pháp lý và chính sách hỗ trợ 

Từ năm 2023 trở đi, một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Liên minh châu Âu (EU) áp thuế phát thải khí carbon theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Tham gia thị trường EU, DN bắt buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn này. Một số DN ngành dệt may, da giày đang hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức rất lớn với các DN quy mô nhỏ và vừa vì nguồn tài chính hạn hẹp. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho DN từ Chính phủ, các tổ chức tài chính...

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg về phê duyệt đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với mục tiêu góp phần giảm cường độ phát thải khí nhà kính ít nhất 15% vào năm 2030, hướng tới giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đồng thời, tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế. 

Một vấn đề quan trọng nữa là hiện nay, pháp luật về kinh tế tuần hoàn còn phân tán, rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thiếu tính hệ thống. Hiện chưa có sự đồng bộ giữa pháp luật về môi trường với đất đai, lao động, đầu tư, thuế... Các quy định chưa được cụ thể hóa và đầy đủ, do vậy vẫn chưa có hành lang pháp lý đồng bộ cho phát triển mô hình kinh tế này. Để phát triển kinh tế tuần hoàn, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, cần tiếp tục nhận diện những vấn đề đặt ra trong quy định pháp luật. 

Theo TS. Lê Xuân Sang - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện nay khung pháp lý và chính sách, nguồn lực tài chính chủ yếu và trực diện cho các chương trình bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu chưa hoàn chỉnh, vì thế Chính phủ cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách thuế, phí, xác định mức thuế suất phù hợp đối với các loại hàng hóa thuộc diện được ưu đãi để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để phát triển bền vững mô hình kinh tế tuần hoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO