Ngoại thêm vốn, mở rộng hệ thống
Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan - Central Retail Corporation (CRC) cuối tháng 2/2023 công bố kế hoạch nâng tổng giá trị đầu tư lên 50 tỷ bath (1,45 tỷ USD) trong giai đoạn 2023-2027 để tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600 và có mặt tại 57/63 tỉnh, thành của Việt Nam. Hiện Central Retail Việt Nam có hơn 340 cửa hàng tại 40 tỉnh, thành với tăng trưởng doanh thu nhảy vọt từ 300 triệu baht (8,7 triệu USD) vào năm 2014 lên 38,592 triệu baht (1,12 tỷ USD) vào năm 2021. Đại gia này đặt tham vọng trở thành nhà bán lẻ đa kênh số một ngành thực phẩm và số hai mảng trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2027.
Kinh tế tăng trưởng tốt là một trong những lý do để CRC rót vốn vào Việt Nam. Theo ông Olivier Langlet - Giám đốc Central Retail Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh với mức GDP được dự báo là 6,7% trong năm 2023 và 7,2% vào năm 2024, trong khi GDP Thái Lan chỉ tăng 3,5%/năm. "Chúng tôi đầu tư để nắm bắt cơ hội cũng như mở rộng và củng cố vị thế kinh doanh trong lĩnh vực đại siêu thị tại Việt Nam. Năm 2023, chúng tôi đầu tư 6 tỷ baht để phát triển kinh doanh, củng cố vị trí và chiếm thị phần các lĩnh vực kinh doanh trên toàn quốc. Nhiều siêu thị, cửa hàng sẽ được mở thêm trong năm nay, song song với đó là phát triển nền tảng khách hàng thân thiết nhằm tăng hiệu quả và tiếp cận thông tin chi tiết về người tiêu dùng để cung cấp sản phẩm và dịch vụ phù hợp", ông Olivier Langlet cho biết.
Central Retail không phải là công ty duy nhất đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Việt Nam. Không công bố số vốn rót vào Việt Nam giai đoạn này, nhưng Tập đoàn Aeon Nhật Bản cho biết đã có kế hoạch tăng gấp ba lần trung tâm thương mại vào năm 2025. Theo nhà đầu tư này, Việt Nam có nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI đầu tư kinh doanh, vì thế Aeon đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới để tăng điểm tiếp xúc với khách hàng, đẩy mạnh thương mại điện tử nhằm phục vụ xu hướng mua sắm trực tuyến đang tăng mạnh. Cụ thể, từ nay đến năm 2025, Aeon sẽ mở thêm 16 trung tâm, trong đó có 3-4 trung tâm tại Hà Nội. Trong năm nay, Aeon mở thêm một số trung tâm mua sắm tại các tỉnh, thành, phát triển bán hàng đa kênh, giữ giá cả và gia tăng hàng Việt trong siêu thị.
Hiện cả nước có khoảng 1.100 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi, trong đó các nhà bán lẻ nội địa chiếm khoảng 70-80% số điểm bán.
Không ồ ạt mở chuỗi như hai nhà bán lẻ trên, MM Mega Market Việt Nam mở rộng mạng lưới kho cung ứng và mới đây đã khai trương kho cung ứng thứ 5 tại Sa Pa. Ông Bruno Jousselin - Tổng giám đốc Điều hành MM Mega Market Việt Nam cho biết, vài năm trở lại đây, công ty liên tục mở rộng các trạm trung chuyển hàng hóa, các kho cung ứng thực phẩm từ Nam ra Bắc. Chiến lược này nhằm tăng chất lượng sản phẩm, đa dạng nguồn cung ứng cho khách hàng và mở rộng mảng xuất khẩu hàng hóa ra khu vực.
Theo nhiều dự báo, nguồn vốn ngoại chắc chắn sẽ còn đổ nhiều vào lĩnh vực bán lẻ. Thông tin của công ty dịch vụ bất động sản thương mại toàn cầu Cushman & Wakefield (Mỹ), dự kiến trong năm 2023 sẽ có 4 trung tâm thương mại với tổng diện tích hơn 116.000m2 sẽ "chào sân" ngành bán lẻ. Còn theo chia sẻ của nhóm công tác đầu tư và thương mại (Bộ Công Thương) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2023 mới đây, hiện có hơn 100 hồ sơ đang tồn đọng ở Bộ Công Thương liên quan đến cấp phép bán lẻ.
Nội chạy đà tăng tốc
AC Nielsen xếp Việt Nam là một trong 5 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Và hiện top 10 thương hiệu bán lẻ lớn đang "nhòm ngó" thị trường Việt Nam. Một điểm hấp dẫn nữa đối với nhà bán lẻ toàn cầu là vào năm 2024, Việt Nam sẽ bỏ việc kiểm tra năng lực kinh tế đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập cửa hàng bán lẻ.
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bất chấp những bất ổn, kỳ vọng GDP năm nay đạt mức 6,7%, đưa Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Cùng với đó, sự phát triển của các kênh phân phối bán hàng hiện đại và lượng du khách quốc tế ngày càng tăng là những tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư.
Trong dài hạn, thị trường bán lẻ được thúc đẩy bởi các yếu tố khác như một nước có dân số 100 triệu người, xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh nhất thập niên. Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP cả nước.
Việc các nhà bán lẻ nước ngoài liên tục rót vốn buộc các doanh nghiệp trong nước phải chạy đà tăng tốc. Không mạnh về tài chính nhưng các doanh nghiệp trong nước cũng lên kế hoạch mở rộng mạng lưới, đầu tư công nghệ, liên kết với các nhà sản xuất để có hàng hóa tốt, giá phải chăng.
Theo chia sẻ của đại diện WinCommerce, năm 2023, bên cạnh việc duy trì 3.400 siêu thị và cửa hàng tiện ích tại 62 tỉnh, thành, công ty sẽ tiếp tục tiếp tục mở hơn 1.000 cửa hàng và kỳ vọng tăng 25% doanh thu. Thay vì mở rộng mô hình siêu thị, đại siêu thị, WinCommerce sẽ tập trung vào mô hình cửa hàng đa tiện ích, siêu thị mini ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn.
Tương tự, Saigon Co.op đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ để đạt tối thiểu 2.000 điểm bán vào năm 2025. Doanh nghiệp này hiện giữ vị trí số một về kênh siêu thị và đang củng cố, thúc đẩy thương mại điện tử, trong đó tích hợp trải nghiệm khách hàng tốt hơn thông qua công nghệ AI, qua đó kết nối giữa người dùng và nhà cung cấp hiệu quả hơn.
"Trong năm nay, chúng tôi triển khai 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm cải tổ sâu chiến lược hàng hóa - chiến lược giá, nâng cao lợi thế cạnh tranh, số hóa trong quản lý, quản trị, đẩy mạnh và đa dạng hóa thương mại điện tử, nâng hiệu quả các mô hình bán lẻ, phát triển logistics với mục tiêu tăng trưởng 4% doanh thu so với năm 2022", ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết.
Mục tiêu là vậy nhưng để đạt được không phải là dễ dàng. Bên cạnh đầu tư vào công nghệ, dịch vụ khách hàng... doanh nghiệp cần phải liên kết với nhà sản xuất để có nguồn hàng chất lượng đảm bảo với giá hợp lý. Và để giữ vị thế "sân nhà", ngoài sự tự lực của doanh nghiệp, cần phải đầu tư cho ngành bán lẻ trong nước mạnh lên thông qua các quy định phù hợp. Trong đó, cần tạo cho doanh nghiệp nội cơ hội tiếp cận nguồn vốn và mặt bằng kinh doanh cũng như tạo sự minh bạch, bình đẳng về môi trường kinh doanh...