Theo đó, với vai trò là cơ quan đầu mối điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nhằm triển khai hiệu quả cao các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạo trong thời gian tới, bảo đảm công tác điều hành xuất khẩu gạo hiệu quả, góp phần ổn định nền kinh tế và nâng cao đời sống người nông dân.
Theo số liệu của cơ quan Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2022 của Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn với kim ngạch 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về trị giá so năm 2021; giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn, giảm 7,7% so mức bình quân năm 2021. Trong đó, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 4,96 triệu tấn, chiếm gần 71% trong tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng 15,5% so năm 2021; châu Phi là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, đạt gần 1,25 triệu tấn, chiếm 17,8% tổng lượng xuất khẩu, tăng 0,2% so năm 2021.
Tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 2,45% tổng lượng xuất khẩu) nhưng thị trường châu Âu đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ, lên tới 90,7% so năm 2021, đạt 172,2 nghìn tấn (chủ yếu là các sản phẩm gạo thơm chất lượng cao).
Trong tháng 1/2023 xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 359.310 tấn, mang lại 186,6 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân là 519,3 USD/tấn; giảm 29% về số lượng, giảm 24,2% trị giá nhưng tăng 6,8% về giá so cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), dù đã triển khai chương trình xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xúc tiến, quảng bá của doanh nghiệp; vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm túc chấp hành quy định báo cáo về số liệu tồn kho, tình hình xuất khẩu gạo, làm thiếu cơ sở đánh giá, định hướng và điều hành xuất khẩu gạo.
Dự báo trong năm 2023, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, trong khi giá thành xuất khẩu chưa tăng tương ứng sẽ gây khó khăn về vốn cho doanh nghiệp; xu hướng các nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu; chi phí logistics gia tăng… sẽ là các thách thức cho hạt gạo Việt.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hạn mức được vay vốn đối với mặt hàng lúa gạo trong năm 2022 còn thấp. Đặc biệt là giai đoạn thu hoạch, doanh nghiệp không có vốn thu mua và dự trữ nên lợi nhuận của thương nhân và người trồng lúa bị ảnh hưởng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị chậm trong việc hoàn thuế, có khi vài năm mới hoàn thuế được.
Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,5 triệu tấn đến 7 triệu tấn. Số lượng không nhiều do không có tồn kho gối đầu và nguồn cung giảm vì nhiều địa phương chuyển sang trồng các loại cây khác (theo định hướng Chiến lược Thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030). Tuy nhiên, chất lượng gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục được nâng lên, do đó giá trị đạt được kỳ vọng không giảm.
Theo ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thu mua gạo.
Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét và sớm đề xuất với các ngân hàng thương mại về khả năng cho vay không tài sản bảo đảm, áp dụng trong khoảng thời gian cao điểm thu hoạch mùa vụ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nâng tỷ lệ tín dụng dành cho doanh nghiệp kinh doanh gạo. Trong bối cảnh thiếu nguồn vốn, ngành thuế nên hoàn thuế sớm cho doanh nghiệp.