Đây là diễn biến mới nhất trong tranh cãi giữa Pháp và các quốc gia EU muốn khối tăng cường các chính sách thúc đẩy năng lượng hạt nhân để cắt giảm khí thải. Trong khi đó, một số nước như Đức và Tây Ban Nha cho rằng việc thúc đẩy năng lượng hạt nhân có thể làm suy giảm những nỗ lực thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Phát biểu sau cuộc họp của các ngoại trưởng EU, đại diện cấp cao EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell cho biết, hiện vẫn còn một số trở ngại nhưng ông hy vọng trong vài ngày tới các nước sẽ chấp thuận văn bản cuối cùng của kết luận về chính sách khí hậu. Văn kiện này sẽ đề ra những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của EU trước thềm Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) vào tháng 11 năm nay.
Các nước EU đã nhất trí phần lớn nội dung của kết luận về chính sách khí hậu, trong đó có các kế hoạch kêu gọi một cam kết toàn cầu nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch trước Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Hiện các nước chủ yếu tranh luận về việc khí hydro sẽ được sản xuất từ năng lượng hạt nhân hay năng lượng tái tạo.
Tranh cãi này đã "phủ bóng đen" lên các cuộc đàm phán về các mục tiêu mới của EU liên quan năng lượng tái tạo, cũng như dự án đường ống dẫn khí hydro trị giá hàng tỷ euro. Một số quan chức EU lo ngại tranh cãi này cũng có thể làm ảnh hưởng tới các chính sách năng lượng xanh khác, và làm trì hoãn việc thông qua các luật cần thiết để đáp ứng mục tiêu khí hậu của khối.
Pháp - quốc gia có 70% điện năng từ năng lượng hạt nhân - cùng với các quốc gia khác như Hungary và Cộng hòa Séc, mong muốn thúc đẩy năng lượng hạt nhân, chẳng hạn như việc thúc đẩy hydro dựa trên hạt nhân được tính vào các mục tiêu năng lượng tái tạo của EU.
Mặt khác, Đức - quốc gia đang loại bỏ dần các lò phản ứng hạt nhân, cùng với Tây Ban Nha, cho rằng không nên đặt năng lượng hạt nhân ngang hàng với các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
EU có kế hoạch nâng mục tiêu cắt giảm khí thải theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, dự kiến trước Hội nghị COP28. Phát biểu tại hội nghị COP27 diễn ra hồi tháng 11/2022 ở thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của EU Frans Timmermans nêu rõ, EU sẵn sàng nâng mục tiêu giảm khí thải, còn gọi là mức đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), phù hợp với Thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
EU đã cam kết mục tiêu giảm lượng khí thải ròng ít nhất 55% tới năm 2030, so với mức của năm 1990 và trung hòa hoàn toàn cho tới năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các chính phủ và các nhà lập pháp EU đang thúc đẩy thảo luận về luật khí hậu, nhiều khả năng sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Trước COP27, EU đã thông qua các thỏa thuận về 3 luật khí hậu, trong đó có lệnh cấm sản xuất và bán xe ôtô mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2035. Nếu các luật khí hậu được thực thi, EU có thể giảm 57% lượng khí thải, so với mức mục tiêu 55% đề ra.
Tại COP26 diễn ra ở Glasgow (Anh) vào năm 2021, gần 200 quốc gia đã cam kết nâng các mục tiêu khí hậu của mình trong năm 2022. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có khoảng 30 nước thực hiện cam kết.