Văn hóa nghệ thuật

Thiếu những bộ phim kết hợp ẩm thực, tiếc thay!

Đan Khanh 27/03/2024 11:57

Bộ phim Muôn vị nhân gian (tựa tiếng Pháp: The Pot-au-Feu) vừa mang lại cho đạo diễn Trần Anh Hùng giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2023, đang được công chiếu ở Việt Nam, từ ngày 22/3/2024.

Muôn vị nhân gian do Trần Anh Hùng đạo diễn và biên kịch, lấy cảm hứng từ tiểu thuyết The Passionate Epicure (1924) của Marcel Rouffe, một nhà văn chuyên viết về ẩm thực. Lấy bối cảnh tại một vùng quê nước Pháp năm 1885, phim kể về chuyện tình lãng mạn của chuyên gia ẩm thực xuất chúng Dodin Bouffant (Benoit Magime đóng) và nữ đầu bếp Eugénie (Juliette Binoche đóng). Mối tình này được họ ấp ủ từ gian bếp thân thương - nơi hai người cùng đam mê sáng tạo những món ăn tinh tế và lộng lẫy trong suốt 20 năm. Liệu rằng, lời ngỏ về một đám cưới của Dodin có được Eugénie chấp nhận, khi người phụ nữ ấy yêu tự do và chưa sẵn sàng kết hôn? Phim có sự tham gia của hai nghệ sĩ Pháp gạo cội: Juliette Binoche - đoạt giải Oscar với phim The English Patient (Bệnh nhân người Anh, 1996), và Benoît Magime - đoạt giải Cesar với phim Pacification (2022).

4-dao-dien-tran-anh-hung-truoc-mot-canh-quay-muon-vi-nhan-gian.jpg
Đạo diễn Trần Anh Hùng trước một cảnh quay Muôn vị nhân gian

Phong cách đặc trưng không cốt truyện kịch tính, không cao trào, giật gân với nhịp phim chậm rãi và những cảnh quay đẹp mắt, âm nhạc nhẹ nhàng của Trần Anh Hùng tiếp tục được thể hiện trong Muôn vị nhân gian. Trong không gian đầy trải nghiệm và cảm xúc đa dạng, song song với mối tình đầy ý nhị là những món ăn cầu kỳ, những cảm nhận tinh tế qua ẩm thực, những cuộc thảo luận trí tuệ về việc kết hợp rượu vang, nước sốt Bourguignonne hoàn hảo và di sản ẩm thực của vua đầu bếp Auguste Escoffier (1846-1934)... Hai diễn viên Juliette Binoche và Benoît Magime hóa thân vào nhân vật nhẹ nhàng và rất ăn ý. Ở trong căn bếp, Dodin và Eugénie luôn tất bật sáng tạo và nấu nướng, nhưng khi họ ở bên nhau, mọi thứ trở nên êm đềm, dịu dàng. Những cuộc trò chuyện giữa Dodin và Eugénie còn để lại cho khán giả nhiều suy ngẫm về tình yêu, cuộc đời.

Nhà quay phim Jonathan Ricquebourg của Muôn vị nhân gian góp công lớn trong việc sẽ khiến khán giả mê mẩn với rất nhiều hình ảnh đẹp mắt. Mỗi hình ảnh về món ăn trong phim được quay cận cảnh, từng món được trình bày nghệ thuật và tinh tế. Phong cách món ăn được thực hiện bởi Giám đốc ẩm thực Pierre Gagnaire 74 tuổi - người được vinh danh 14 sao Michelin, và Tạp chí Le Chef bình chọn là top 10 đầu bếp giỏi nhất thế giới... Phóng viên Jordan Mintzer của tờ Hollywood Reporter (Mỹ) đã ví bộ phim như một bức tranh tuyệt đẹp mà người ta có thể “bỏ vào bụng”. Ông viết: “Phim đã khắc họa cảm giác ngon lành từ các món ăn, giống như một bức tranh ăn được, kết hợp kỳ quan ẩm thực với câu chuyện tình như cổ tích đầy xúc động của tuổi trung niên”.

Từ thành công của Trần Anh Hùng, có thể thấy rằng ẩm thực là một chủ đề hấp dẫn và truyền cảm hứng mạnh mẽ trong điện ảnh. Thông qua điện ảnh, khán giả có thể tìm hiểu về lịch sử và cách chế biến các món ăn truyền thống, từ đó hiểu hơn về văn hóa, những giá trị đạo đức và nhân văn của một quốc gia.

Trước phim Muôn vị nhân gian, qua Mùi đu đủ xanhMùa hè chiều thẳng đứng, khán giả Việt Nam và thế giới đã nhìn thấy sự kết hợp tuyệt vời giữa điện ảnh và ẩm thực của Trần Anh Hùng, định hình nên dấu ấn cá nhân cho đạo diễn. Ba mươi năm trước, Mùi đu đủ xanh đã đoạt giải Camera vàng tại LHP Cannes 1993. Bộ phim có cốt truyện đơn giản, xoay quanh câu chuyện của cô bé tên Mùi, từ khi phải đi ở trong một gia đình buôn vải của Sài Gòn những năm 1950 của thế kỷ trước đến khi thành thiếu nữ và say đắm trong tình yêu với một nghệ sĩ dương cầm... Trong phim, hai lần quả đu đủ được cắt trên cây xuống, nhựa còn rỏ trắng đục, sau đó được gọt bỏ vỏ, băm và thái nhỏ để làm món nộm đu đủ. Từng cảnh quay được tái hiện đúng tinh thần văn hóa gốc của món ăn thuần Việt này.

Bộ phim Mùa hè chiều thẳng đứng (2000) xoay quanh một gia đình Hà Nội gồm bốn chị em, những ẩn ức trong tình yêu, đời sống vợ chồng được đan xen bằng các khung hình giàu thẩm mỹ về cảnh thiên nhiên, ẩm thực địa phương. Trong một cảnh ba chị em gái quây quần nấu cỗ để giỗ bố, cô em út được giao việc đồ xôi gấc. Cô từ từ đặt quả gấc lên thớt gỗ, rồi tách dần từng múi gấc căng mọng ra... Ở một cảnh khác, ba chị em chăm chú quan sát con gà luộc da vàng óng đặt trên chiếc đĩa sứ... Quây quần trong ngày giỗ, cùng nhau chăm chút từng món ăn trên mâm cỗ cúng không chỉ thể hiện chữ hiếu, mà còn là sự bao bọc, gắn bó của ruột thịt, dù mỗi chị em gái đều đã có gia đình riêng với những nỗi niềm phải đối mặt.

Với những cảnh bếp núc truyền tải nét đẹp văn hóa trong phim Mùi đu đủ xanh, Mùa hè chiều thẳng đứng, từ lâu quảng bá ẩm thực Việt thông qua phim ảnh đã được Trần Anh Hùng gợi mở. Tiếc thay, cho đến nay điện ảnh Việt Nam còn rất hiếm phim đưa nghệ thuật ẩm thực lên màn ảnh. Trở lại với Muôn vị nhân gian, Trần Anh Hùng từng nói rằng, chọn cái tên The Pot-au-Feu (tiếng Pháp) cho phim, thấy nó như tạo ra một nụ cười nhè nhẹ, vì chữ “Feu” khi phát âm vang lên tên một món ăn rất Việt Nam: món phở, dù trong phim không nhắc đến Việt Nam. Pot-au-Feu là một món ăn truyền thống Pháp có nguồn gốc từ thế kỷ XVII (có nguyên liệu thường là thịt bò, xương và rau củ như cà rốt, khoai tây, hành tây, nấm, cần tây... hầm chung trong một nồi lớn với nước, gia vị như lá nguyệt quế, hạt tiêu và muối, đòi hỏi khâu chế biến rất kỳ công) không chỉ mang hương vị đặc trưng, mà còn đại diện cho sự đoàn kết trong gia đình khi cùng thưởng thức bữa ăn sum họp vào cuối tuần.

Đạo diễn Trần Anh Hùng cũng chia sẻ rằng, nếu công việc làm phim ở Việt Nam không gặp quá nhiều cản trở khó khăn, sẽ bắt đầu dựng phim từ cuốn sách Thương nhớ mười hai (khắc họa những nét đặc sắc nhất của thiên nhiên, con người, phong tục, đời sống, ẩm thực… của Hà Nội và miền Bắc được viết từ năm 1960- 1971) của nhà văn Vũ Bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thiếu những bộ phim kết hợp ẩm thực, tiếc thay!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO