Điện ảnh Việt cần gì?
Để phát triển như một ngành công nghiệp, điện ảnh Việt Nam cần tuân theo các quy luật kinh tế và có chính sách phù hợp với thực tiễn thị trường...
Việt Nam đang có khoảng 500 doanh nghiệp (hãng phim) được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim. Có phim mới ra rạp mấy năm gần đây tập trung ở những hãng phim như Galaxy M&E, BHD, Thu Trang Entertainment, ABC Pictures, CJ HK Entertainment, HK Film, Chánh Phương Film, Anh Tễu Studio, Mar6 Studios, Lý Hải Production, 89s Group, November Films, ProductionQ, V Pictures, Mega GS...
Hiện tại, kinh phí đầu tư cho một phim Việt đã lên mức 1,5-3 triệu USD, so với bình quân 1 triệu USD của năm 2015. Lạm phát và nhu cầu nâng cao chất lượng phim dẫn đến việc tăng kinh phí đầu tư. Kinh phí đầu tư cao đồng nghĩa áp lực thu hồi vốn đè nặng lên vai nhà sản xuất.
Bên cạnh những phim mới được khởi quay, năm 2023 này đã có một số phim phải hủy bỏ hoặc tạm dừng vô thời hạn, bởi liên quan đến kinh phí đầu tư trong tình cảnh kinh tế ảm đạm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ có 10 phim Việt ra rạp, gồm 8 phim điện ảnh và 2 phim tài liệu (theo thống kê của Box Office Vietnam). Đây là con số thấp kỷ lục trong 5 năm qua, khi 6 tháng đầu năm 2022 có hơn 24 phim Việt ra rạp.
Mặc dù những phim như Nhà bà Nữ, Chị chị em em 2, Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, Con Nhót mót chồng, Siêu lừa gặp siêu lầy... mỗi phim mang về doanh thu hàng chục hoặc hàng trăm tỷ đồng, nhưng phim Việt đã “biến mất” ngoài rạp suốt hai tháng 5 và 6 vừa qua. Hiện tại mới lại có Fanti đang công chiếu từ ngày 28/7, Bên trong vỏ kén vàng sẽ công chiếu ngày 21/8. Tiếp đó, Kẻ ẩn danh có thể sẽ ra rạp ngày 25/8, Live: Phát trực tiếp ra rạp ngày 15/9.
Nguyên nhân “đóng băng” Hè 2023 trong khi có khá nhiều phim Việt đã làm xong là do các nhà sản xuất e ngại phải đối đầu với “bom tấn” ngoại và kinh tế đang khó khăn khiến khán giả thắt chặt chi tiêu, đồng thời lựa chọn phim kỹ hơn để xem.
Phim ra rạp, nếu không có doanh thu tốt sẽ khiến việc gọi kinh phí sản xuất khó khăn hơn, khi hiện nay việc “bỏ vốn” đầu tư cũng được cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Kỳ vọng về doanh thu và chất lượng nghệ thuật đang đặt vào các phim như Người vợ cuối cùng, Đất rừng phương Nam dự kiến ra rạp tháng 10 và tháng 11 tới.
Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi phát triển công nghiệp điện ảnh. Từ chỗ điện ảnh chỉ được xem là một ngành nghệ thuật, Luật Điện ảnh đã xác định điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế.
Một mục tiêu trong thực hiện chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2030 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tập trung là phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước phấn đấu xây dựng ngành điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế.
Theo đó, một ngành công nghiệp điện ảnh cần phải có đội ngũ chuyên môn giỏi nghề và quy trình sản xuất phải chuyên nghiệp, hiện đại. Nếu là một ngành kinh tế thì điện ảnh chính là một lĩnh vực đầu tư kinh doanh, phải tuân theo các quy luật kinh tế thị trường là tự nuôi sống mình bằng cách kinh doanh bền vững, có sự tăng trưởng cao. Khi có lợi nhuận thì ngành điện ảnh sẽ thu hút được các nhà đầu tư bỏ vốn sản xuất phim.
Một vấn đề rất quan trọng là phải có được những bộ phim chất lượng tốt, phong phú về đề tài, phù hợp nhu cầu khán giả, thu hút khán giả mọi lứa tuổi. Như thế khi ra rạp, phim Việt mới đủ sức cạnh tranh trong việc xếp lịch chiếu, tăng suất chiếu. Phim Việt cũng cần có chiến lược PR bài bản, nhà sản xuất phải kết hợp với các cụm rạp để có chính sách hỗ trợ cần thiết. Mặt khác, nên khuyến khích nhà sản xuất phát hành phim Việt ra nước ngoài, vừa tăng doanh thu vừa đưa điện ảnh Việt đến với đông khán giả hơn.
Quan trọng nữa là cần có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước phù hợp với thực tiễn thị trường, như đẩy mạnh hợp tác với tư nhân, tăng cường nguồn lực xã hội hóa trong việc đào tạo nhân lực, mua sắm trang thiết bị, mở rộng hệ thống rạp, có chính sách ưu đãi về thuế, phí trong sử dụng đất xây dựng cụm rạp, trường quay, trường đào tạo nhân lực. Tóm lại, cần có các giải pháp mang tính đột phá nhằm phát triển công nghiệp điện ảnh vừa có giá trị nghệ thuật, vừa có khả năng mang lại lợi nhuận.