Cho đi ở chốn này để nhận lại ở nơi khác

ANH KHOA| 02/04/2015 02:49

Ngoài 50, Thành Lộc vẫn là cái tên đình đám của sân khấu kịch với đủ mọi lứa tuổi khán giả ái mộ, từ người đáng tuổi cha mẹ, người bằng vai phải lứa cho đến học sinh, sinh viên.

Cho đi ở chốn này để nhận lại ở nơi khác

"Có lần, vừa bước ra khỏi hậu đài, một nữ khán giả đã đợi sẵn, lao đến chỉ thẳng vào mặt tôi: "Lúc nãy nếu không kìm lòng, tôi đã leo lên sân khấu tát thẳng vào mặt anh! Ở đâu ra cái thứ đàn ông khốn nạn như vậy?". Sau phút choáng váng, Thành Lộc không giận vị khán giả nọ, vì anh biết mình đã hóa thân vào vai diễn tốt, khán giả đồng cảm, đến mức đời và sân khấu lẫn vào nhau không còn phân biệt được. Đó là một trong số những câu chuyện để đời mà Thành Lộc nhớ mãi trong suốt nghiệp diễn và anh đã kể lại trong cuốn tự truyện "Tâm Thành và Lộc Đời".

Đọc E-paper

Ở tuổi ngoài 50, Thành Lộc chưa đến quãng "xưa nay hiếm" để đặt bút hồi tưởng lại cuộc đời, tổng kết, đánh giá những thăng trầm đã trải qua. "Nhưng đến lúc cần phải viết để mong ai đó đọc sẽ tìm thấy sự lý giải nào đó trong cuộc sống khi họ gặp phải điều tương tự. Viết để các em trẻ thấy con đường của mình không đầy hoa hồng, mà đầy gian nan, khổ ải", anh nói thế.

Ít nghệ sĩ Việt nào được như Thành Lộc. Ngoài 50, anh vẫn là cái tên đình đám của sân khấu kịch với đủ mọi lứa tuổi khán giả ái mộ, từ người đáng tuổi cha mẹ, người bằng vai phải lứa cho đến học sinh, sinh viên.

Hỏi bằng cách nào để đạt được điều đó, anh bảo: "Tôi chọn cho mình slogan: Hãy cho đi ở chốn này thì sẽ nhận lại ở nơi khác. Cứ cho đi bằng hết tâm huyết của mình trên sân khấu, như con tằm rút ruột nhả hết tơ để dệt nên cái kén, rồi sẽ được nhận lại".

Hình như những gai góc của cuộc sống đã theo Thành Lộc vào từng vai diễn, giúp anh làm chủ sân khấu. Chẳng thế mà anh thích vai Ignacio, một chàng trai được gửi vào một ngôi trường của những người mù bẩm sinh.

Ignacio đã gieo vào đầu họ cuộc sống của những người sáng mắt mà anh từng sống, giúp họ nhận ra thế giới bóng tối của họ, những người mù bẩm sinh và chưa hề có ý thức về sự nhìn thấy, không hề là duy nhất. Ignacio làm xáo trộn những phương thức giáo dục, giáo trình giảng dạy..., và bị giết vì mang mầm mống của kẻ "nổi loạn" đã gieo rắc một tư tưởng khác.

Anh nói vai diễn giống mình ở sự nổi loạn, thích khám phá những cái mới và hay "chọc cho thiên hạ ghét". Có một điều rất lạ, đi đến đâu Thành Lộc cũng được khán giả yêu thích vì những vai hài, nhưng những vai diễn anh thích, làm nên tên tuổi anh, giành giải thưởng này nọ đều là vai bi.

Bao thế hệ khán giả gọi Thành Lộc là "Phù thủy sân khấu", anh thích cái tên ấy. Nhưng "phù thủy" cũng là một con người với đầy đủ trạng thái tâm lý. Huống chi, anh gặp phải không ít dư luận hậu trường râm ran về cách hành xử với đồng nghiệp đúng nghĩa "phù thủy".

Ngay trong phần mở đầu anh đã viết rằng, không phải cứ gọi là hồi ký thì cái gì cũng được kể lại, có những chuyện mà người trong cuộc chỉ muốn giữ lại cho riêng mình.

"Nhân vô thập toàn, tôi cũng có rất nhiều tật xấu. Như vậy mới là con người và cuộc sống. Không có một thứ nghệ thuật hoàn hảo, tôi không tin có ai hoàn hảo. Hồi xưa, tôi ở Đoàn kịch Trẻ thành phố, một thời gian thấy không còn phù hợp, tôi quyết định về 5B Võ Văn Tần. Mười năm, lại thấy không phù hợp nữa, tôi lại đi... Ra đi, ở khía cạnh nào đó cũng có cái tốt. Nếu ở một sân khấu mà quanh đi quẩn lại vẫn chỉ toàn những gương mặt nghệ sĩ gạo cội chiếm lĩnh hết các vai, các mảng, thì lấy chỗ đâu cho các em nghệ sĩ trẻ vươn lên?".

Đó là cách Thành Lộc lý giải những râm ran về thứ "quyền lực đen" của anh dưới ánh đèn sân khấu. Dù muốn hay không, những tác động bên ngoài ít nhiều làm cho Thành Lộc lắm lúc chán nản muốn bỏ sân khấu. Không phải một mà nhiều lần nghĩ vậy.

Cho dù anh ghét những ai nói "nghề này bạc bẽo lắm" thì cũng có những lúc yếu lòng đã... nghĩ như vậy. Cái gì cũng có thể ra đi nhưng duy nhất tình yêu của khán giả ở lại, và đó cũng chính là thứ đã níu anh ở lại với sân khấu.

Anh bảo: "Mối quan hệ nghệ sĩ - khán giả là sự tương hỗ qua lại, để khán giả không bỏ mình thì nghệ sĩ phải nỗ lực làm việc cho tử tế. Những vai diễn của nghệ sĩ giúp khán giả lý giải được điều gì đó mà họ bế tắc trong cuộc sống, ngược lại nghệ sĩ không thể không có khán giả đằng sau. Để giữ cho mình sự nghiêm cẩn với nghề, biết bỏ ngoài tai những sân si, dò xét của người đời cần một thời gian rất dài mới ngộ ra được".

Thành Lộc nói rằng bàn tay mình rất ngắn. Thường những người tay ngắn thì sống thực tế, ít mơ mộng hão huyền. Giả như có một phút giây lãng mạn nào đó trỗi dậy đem đến một điều ước. Thành Lộc tin có ma quỷ, vì thế nếu được ước, anh sẽ ước thành ma quỷ chứ không thích đầu thai làm người.

Con ma đó sẽ sống vất vưởng và đi khắp nơi để phù hộ cho những ai có tài mà... bị đì. Nghe giọng cười khi nói hết câu ước đó, người ta nghe thấy cả một nỗi niềm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cho đi ở chốn này để nhận lại ở nơi khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO