Tài chính, chứng khoán, ngân hàng

Giảm lãi suất cuối năm: Dư địa có còn?

Anh Khoa 27/10/2023 11:00

Nhiều dự báo cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất điều hành trong quý IV/2023. Tuy nhiên, những cơ sở hỗ trợ cho khả năng giảm lãi suất đang ngày càng trở nên ít dần.

pritzkertax-1080x675-jpeg-6889-1627380558.jpg

Dư địa hạn hẹp

Trong những tháng qua, các ngân hàng đã liên tục giảm lãi suất tiền gửi, tạo điều kiện giúp lãi suất cho vay đi xuống, dù tốc độ có chậm hơn. Với lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, hiện nhiều ngân hàng niêm yết cách xa mức trần 4,5% theo quy định của NHNN. Xu hướng này làm dấy lên những kỳ vọng lãi suất điều hành, cụ thể là trần lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm trong quý IV/2023.

Đáng lưu ý là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Dù NHNN từ cuối tháng 9 đến nay liên tục phát hành tín phiếu và hút ròng thanh khoản tiền đồng, nhằm giảm bớt tình trạng dư thừa vốn trong hệ thống và hạn chế đầu cơ ngoại tệ, tuy nhiên lãi suất trên thị trường 2 chỉ bật tăng trong thời gian ngắn ngủi rồi sau đó tiếp tục giảm về mức thấp.

Trước diễn biến này, dự báo lãi suất giảm thêm không phải là thiếu cơ sở. Như Ngân hàng UOB trước đây đã cho rằng, vẫn thấy triển vọng cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản (xuống 3,5%) nhưng thời gian thực hiện có thể được chuyển sang quý IV và quyết định này có thể vẫn cần cân nhắc khi NHNN sẽ xem xét cân đối cả rủi ro tăng trưởng và lạm phát.

Ở một góc nhìn khác, một số chuyên gia tài chính quốc tế đánh giá việc nới lỏng chính sách tiền tệ đóng vai trò rất quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế trong nửa đầu năm nay, nhưng hiện không còn nhiều dư địa để tiếp tục việc này.

Trong khi đó, với việc giá dầu và các mặt hàng năng lượng, thực phẩm tăng mạnh gần đây do ảnh hưởng xung đột quân sự giữa Israel và Hamas, giới phân tích lo ngại áp lực sẽ sớm trở lại trong thời gian tới. Điều này sẽ khiến các ngân hàng trung ương gặp khó khăn trong việc giảm lãi suất, theo đó NHNN Việt Nam có lẽ cũng khó tránh khỏi tác động chung.

Còn yếu tố nào khác?

Ngoài lạm phát, áp lực tỷ giá USD/VND vẫn hiện hữu cũng sẽ khiến mục tiêu giảm thêm lãi suất trở nên thách thức hơn. Chênh lệch lãi suất VND và USD mở rộng quá mức trong những tháng qua đã thúc đẩy đầu cơ ngoại tệ, đến mức NHNN phải hút bớt tiền đồng nhằm kéo lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng. Về cơ bản, khi tiền đồng mất giá quá mạnh so với USD, NHNN sẽ tìm cách giữ giá đồng nội tệ bằng cách giữ lãi suất tiền đồng ở mức đủ hấp dẫn.

Dù nguồn cung USD thời gian qua khá dồi dào từ thặng dư thương mại hàng hóa, kiều hối, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và một số khoản cam kết rót vốn lớn, nhưng tỷ giá vẫn không ngừng đi lên. Về cuối năm, nhu cầu nhập khẩu tăng cao có thể là yếu tố khiến cho xu hướng găm giữ ngoại tệ xuất hiện trong giới kinh doanh để chuẩn bị nguồn ngoại tệ. Theo đó, những yếu tố tỷ giá bắt đầu trở thành đề tài đáng chú ý và nếu tỷ giá tăng thì kỳ vọng giảm lãi suất trong giai đoạn tới cũng có thể bị ảnh hưởng, bởi việc điều tiết cân bằng cả hai yếu tố này luôn là bài toán khó.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng, việc nới lỏng chính sách tiền tệ đóng vai trò rất quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế trong nửa đầu năm nay, nhưng hiện không còn nhiều dư địa để tiếp tục việc này. Lãi suất liên ngân hàng của Việt Nam hiện gần bằng 0%, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển. Nếu tiếp tục hạ lãi suất điều hành sẽ gây ra tác động đáng kể với tỷ giá.

Một yếu tố ảnh hưởng khác là cho vay của các ngân hàng giai đoạn cuối năm cũng có thể tăng tốc, do đó mức độ thanh khoản sẽ chịu áp lực nhiều hơn, ảnh hưởng đến động lực giảm lãi suất. Tín hiệu tín dụng tăng tốc đã bắt đầu thể hiện trong tuần cuối tháng 9 vừa qua, khi gần 120.000 tỷ đồng (tương đương 1% tổng dư nợ) được bơm ra nền kinh tế, theo thông tin cập nhật từ NHNN.

Bên cạnh đó, cầu vốn cho lượng trái phiếu đáo hạn cuối năm cũng sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu giảm lãi suất. Tính đến ngày 3/10/2023, đã có hơn 50 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Theo số liệu của VnDirect, tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 95.200 tỷ đồng. Dù vậy, VNDirect ước tính, trong quý IV vẫn sẽ có khoảng hơn 53.757 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.

Xu hướng lạm phát nhích tăng liên tục gần đây là một cảnh báo không mấy tích cực cho nền kinh tế. Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, do ảnh hưởng của việc tăng học phí theo lộ trình tại một số địa phương cùng với diễn biến giá gạo, xăng dầu, gas tăng theo giá thế giới, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2023 đã tăng 1,08% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng vừa qua, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) đã tăng 4,49%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm lãi suất cuối năm: Dư địa có còn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO