Chữa bệnh thừa tiền
“Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ”, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp vừa qua.
Bệnh thừa tiền
Ông Đào Minh Tú ví von, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải “chữa bệnh thừa tiền”. Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.
Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng), lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế. Do đó, NHNN khẳng định tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao, không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Trong nửa đầu năm 2023, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều gam màu trầm dưới tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới và những khó khăn nội tại của kinh tế trong nước.
Vấn đề dẫn đến suy giảm tín dụng từ phía nguồn cung khi các tổ chức tín dụng (TCTD) có phần khó khăn hơn khi đưa ra quyết định cho vay đối với các khách hàng vì sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, nhất là khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả trong bối cảnh hiện nay (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu ở mức cao, trong khi thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...).
Bên cạnh đó, những vấn đề khi khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý như việc tiếp cận tín dụng của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; báo cáo tài chính chưa được kiểm toán, thiếu tài sản đảm bảo, thiếu phương án kinh doanh khả thi... vẫn là tồn tại cố hữu.
Các giải pháp chữa bệnh “thừa vốn”
TCTD không thể chỉ tháo gỡ khó khăn trong nguồn cung tín dụng của nền kinh tế mà còn phải đến từ việc kích cầu tín dụng. Để “cung” và “cầu” tín dụng có thể gặp nhau, một hệ thống giải pháp toàn diện, đồng bộ cần được triển khai trong đó cần có sự góp sức của cả người dân, doanh nghiệp và ngân hàng cũng như sự tham gia quản lý của cả NHNN và sự định hướng vĩ mô của Chính phủ.
Đối với hệ thống các TCTD, cần tiếp tục triển khai nghiêm túc thực chất các chỉ đạo của NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay với nền kinh tế, cải cách thủ tục hành chính thời gian phê duyệt khoản vay nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát rủi ro tín dụng ở ngưỡng an toàn cho phép.
Đối với các doanh nghiệp, giải pháp quan trọng nhất để cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng là minh bạch hóa dòng tiền và phương án kinh doanh để củng cố niềm tin và mối quan hệ với các TCTD. Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn nữa trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để tiết giảm chi phí hoạt động, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và tìm kiếm những thị trường mới để giảm thiểu tác động từ sự suy thoái của kinh tế thế giới.
Đối với NHNN, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, chỉ đạo các TCTD cắt giảm các loại phí không cần thiết để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Đối với Chính phủ, cần có những giải pháp căn cơ, toàn diện hơn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định tâm lý để phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Một trong những ưu tiên mà Chính phủ cần thực hiện đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những quy định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các quỹ hỗ trợ, quỹ bảo lãnh cho các khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa để cải thiện tình hình tài chính và nâng cao khả năng đáp ứng chuẩn cho vay của các TCTD.
Đối với lĩnh vực xuất khẩu, Chính phủ cần tập trung phát triển những thị trường mới tiềm năng trên cơ sở những hiệp định thương mại tự do đã ký kết, khi các doanh nghiệp trong nước có thêm đơn hàng thì sẽ phát sinh thêm nhu cầu vay vốn ngân hàng.