Góc chuyên gia

Chính sách tiền tệ, tài khóa vẫn còn dư địa để kích thích tăng trưởng

Hải Vân 25/07/2023 11:00

“Sự đồng bộ chính sách đặc biệt quan trọng, khi đó nới lỏng chính sách tiền tệ hay giảm lãi suất mới có hiệu quả”, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận xét.

can-van-luc-phat-bieu-2.jpg
TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

* Chính phủ gần đây đã chuyển trạng thái chính sách tiền tệ từ chặt chẽ sang nới lỏng hơn. Ông bình luận thế nào về điều này ?

- Tôi cho rằng, liều lượng nới lỏng như hiện nay là tương đối phù hợp. Nếu dồn dập thay đổi chính sách tiền tệ chưa chắc đã đạt hiệu quả cao, cần phải đồng bộ các chính sách khác mới đảm bảo mức độ thẩm thấu chính sách tốt hơn.

Thủ tướng và Chính phủ đã ra thông điệp rõ ràng là cố gắng giảm mặt bằng giảm lãi suất từ 1,5-2% cho đến cuối năm. Thực tế thời gian qua, ngân hàng cũng đã giảm lãi suất, theo đó lãi suất huy động và cho vay đã giảm bình quân khoảng từ 1-1,2%. Việc tiếp tục phấn đấu để giảm tiếp lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ là phù hợp và khả thi trong thời gian tới.

Liên quan trực tiếp đến chi phí hoạt động của doanh nghiệp là câu chuyện lãi suất, với tín dụng ngân hàng hiện chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nhưng tại thời điểm này, không thể giảm lãi suất quá nhiều, quá mạnh, quá nhanh được. Quan sát trong hai tháng vừa rồi, chúng tôi thấy một số dòng tiền đã bắt đầu dịch chuyển từ kênh tiết kiệm ngân hàng sang kênh chứng khoán.

Như vậy, vẫn phải đảm bảo một mức độ hấp dẫn nhất định để dòng tiền tiếp tục vào ngân hàng, ngân hàng có thanh khoản cho vay, đảm bảo nguồn vốn đi vào kinh doanh thay vì chỉ đầu tư tài chính hay tồn kho bất động sản như thời gian vừa qua.

Thời gian qua ngân hàng cũng đã giảm lãi suất, chúng tôi thống kê được lãi suất huy động đầu vào giảm bình quân khoảng từ 1-1,2%, lãi suất cho vay cũng giảm mức độ tương tự. Với tình hình hiện nay, giảm lãi suất là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

456435345.jpg

* Vấn đề ông quan tâm là cung tiền ra nền kinh tế đang quá chậm ?

- Đúng vậy. Tính đến ngày 30/6/2023, cung tiền (M2) của cả nước mới tăng 2,7%, thấp hơn so với mức 3,8% cùng kỳ năm trước và thấp hơn rất nhiều mức 7% của năm 2019. Ngoài ra, vòng quay tiền cũng đang ở mức thấp. Trong 6 tháng đầu năm, vòng quay tiền của Việt Nam chỉ đạt 0,67 lần, tức là tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022. So với thời kỳ nền kinh tế tăng trưởng tốt, vòng quay đồng tiền trên 1 lần thì rõ ràng vòng quay tiền đang chậm. Tất nhiên từ đây đến cuối năm, hy vọng lượng cung tiền được tung ra nhiều hơn, vòng quay tiền nhanh hơn.

* Ông đang loại trừ khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tác động lên lạm phát ?

- Tại Việt Nam, lạm phát tổng thể cũng như lạm phát lõi đã và đang giảm dần kể từ đầu năm. Lạm phát tổng thể của tháng 1 so với cùng kỳ năm trước ở mức khoảng 4,9%, nhưng đến tháng 6 chỉ còn khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính bình quân 6 tháng là 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản của Việt Nam đã và đang giảm dần dù chậm hơn, từ mức khoảng 5,21% đầu năm xuống 4,74% của tháng 6. Đấy là cơ sở rất quan trọng.

Ngoài ra, mối lo “nhập khẩu lạm phát” từ bên ngoài cũng không đáng ngại do mặt bằng giá cả của thế giới và Việt Nam năm nay về cơ bản tương đối ổn định. Thậm chí, ở một số thị trường còn giảm nhanh hơn dự báo, như ở Mỹ lạm phát tháng 6 so với cùng kỳ năm trước chỉ khoảng 3% từ mức 9% của đỉnh điểm tháng 7-8/2022. Lạm phát của Việt Nam năm nay có lẽ chỉ ở mức khoảng 3,5-4%. Do đó, việc phải làm bây giờ là kích thích tăng trưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính sách tiền tệ, tài khóa vẫn còn dư địa để kích thích tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO