Tài chính, chứng khoán, ngân hàng

Khơi thông vốn cho doanh nghiệp không chỉ là “điểm nghẽn” tín dụng

Lan Ngọc 25/08/2023 18:22

Khơi thông vốn cho doanh nghiệp có điều kiện hồi phục phát triển, góp phần hồi phục tăng trưởng nền kinh tế không chỉ là xử lý “điểm nghẽn” về lãi suất và khả năng tiếp cận tín dụng, mà còn cần khơi thông cả các rào cản về tài chính khác.

vnp_detmay2.jpg

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong bối nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, từ đầu năm 2023, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn để hỗ trợ kinh tế phục hồi.

Các cơ chế, chính sách điển hình về tín dụng đã triển khai từ đầu năm 2023 đến nay có thể kể đến như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân trên thị trường đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra là 10.000 tỷ đồng) với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức bình quân cùng kỳ hạn.

NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho các ngành nông nghiệp chủ lực như lúa gạo, cà phê... Đồng thời, cho phép các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên 3 nhóm nợ (theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN), điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu để giúp khách hàng có điều kiện tiếp cận được các khoản vay mới phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng…

Trong điều hành lãi suất, từ đầu năm 2023 tới nay NHNN đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất, trong đó giảm lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn dưới 6 tháng, trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh…

Tuy nhiên, qua 7 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, chỉ đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,4%). Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 NHNN đã đề ra lên tới 14-15%. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng từ khu vực doanh nghiệp đã và đang suy giảm khá mạnh. Đây là một vấn đề cần phải được đặc biệt quan tâm, nhanh chóng có các giải pháp, chính sách hỗ trợ để tháo gỡ, thúc đẩy hồi phục cho doanh nghiệp.

tin-dung-ngan-hang.jpg

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho các doanh nghiệp bị suy giảm khả năng hồi phục, theo TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đó là không đơn giản do doanh nghiệp chỉ thiếu vốn và khó tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng, mà doanh nghiệp còn phải chịu thêm cả những gánh nặng chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí lãi suất tăng, chi phí đóng bảo hiểm xã hội cao (mức đóng bảo hiểm xã hội lên tới 32% tiền lương của người lao động, trong đó doanh nghiệp phải đóng 21,5%), chi phí công đoàn bất hợp lý.

Trong khi đó, một số gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp thuộc “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế” dù đã được triển khai nhưng còn kém hiệu quả. Chẳng hạn, gói hỗ trợ lãi suất 2% có quy mô lên đến 40.000 tỷ đồng, nhưng số tiền hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay từ gói này rất thấp, đến nay mới chỉ đạt khoảng xấp xỉ chưa đến 1% tổng nguồn lực được bố trí.

Hay gói hỗ trợ giãn, hoãn thuế, giảm thuế VAT cho doanh nghiệp thì có thời hạn ngắn. Chậm hoàn thuế VAT cũng đã làm tổn hại tới dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các kênh huy động vốn khác như thị trường chứng khoán bị suy giảm, trái phiếu doanh nghiệp ngưng trệ. Các doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn từ các quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ (theo khảo sát của VCCI, chỉ có 7,34% số doanh nghiệp được hỏi đã tiếp cận được tín dụng từ quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Doanh nghiệp khó khăn về tài chính đã dẫn tới suy giảm khả năng hồi phục, khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng suy giảm theo. Phục hồi và phát triển doanh nghiệp để tăng khả năng hấp thụ vốn nền kinh tế, hồi phục tăng trưởng không chỉ là khơi thông “điểm nghẽn” về lãi suất, về tiếp cận tín dụng, mà cần khơi thông cả các rào cản về tài chính khác từ nhiều phía cho doanh nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, hoạt động cung tín dụng cần phải tiếp tục hạ lãi suất để giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn, tiếp tục cho phép các ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, phục hồi các kênh huy động vốn khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hạ thấp các điều kiện tiếp cận vốn từ các quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cần triển khai hiệu quả hơn các gói hỗ trợ tài chính về giảm, hoãn, giãn thuế, đẩy nhanh hoàn thuế đúng hạn cho doanh nghiệp, giảm khoản phí công đoàn. Đẩy mạnh cải cách thể chế, môi trường kinh doanh theo hướng giảm chi phí tuân thủ, tuyệt đối không ban hành các quy định tạo thêm những gánh nặng chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Cần tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ người lao động như hỗ trợ về tiền thuê nhà, cho vay ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ giảm thuế VAT 2%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khơi thông vốn cho doanh nghiệp không chỉ là “điểm nghẽn” tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO