Doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận tín dụng trong nửa cuối năm

Anh Khoa| 12/07/2023 07:00

Sau những tháng đầu năm trì trệ, tín dụng có dấu hiệu tăng tốc trong những ngày cuối tháng 6. Điều này gợi mở tình huống tăng trưởng tín dụng sẽ nhanh hơn trong nửa cuối năm, nhất là khi dư địa cho vay của ngành ngân hàng nói chung và nhiều ngân hàng nói riêng vẫn còn rất lớn.

Doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận tín dụng trong nửa cuối năm
Tín dụng kỳ vọng sớm tăng trưởng tích cực hơn

Có dấu hiệu tăng tốc

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng đến ngày 20/6/2023 so với đầu năm chỉ đạt 3,13%, thấp hơn rất nhiều so với mức 8,51% của cùng kỳ năm 2022. Tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu thiếu đơn hàng, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Tiếp đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 27/6/2023 là 4,03% so với cuối năm 2022 và tăng 9,08% so với cùng kỳ năm ngoái. Về cơ cấu tín dụng, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%. Đáng chú ý là tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 15%. Điều này cho thấy nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư, nên tín dụng còn đang thấp. 

Một dữ liệu mới hơn cũng được chia sẻ từ NHNN, đến ngày 30/6/2023, tăng trưởng tín dụng đạt 4,2%, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo kỳ vọng cả năm 2023 là 14-15%, trong đó dư nợ cho vay khoảng 12,4 triệu tỷ đồng, dư nợ tiền gửi là 12,6 triệu tỷ đồng. Kết quả này cũng chỉ bằng khoảng 1/3 chỉ tiêu tín dụng được NHNN đang giao cho các nhà băng (11%) hồi đầu năm nay.

Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 6, tín dụng đã tăng thêm 1,07%, trong đó riêng ba ngày cuối tháng tăng thêm 0,17%. Nếu xét theo số tuyệt đối, dư nợ tín dụng trong 10 ngày cuối tháng 6 đã tăng gần 127.600 tỷ đồng, tương đương 34% tổng mức tăng từ đầu năm đến ngày 20/6/2023. Nhìn lại các con số để thấy rằng, dường như tín dụng đang bắt đầu có xu hướng tăng tốc, sau giai đoạn trì trệ trong những tháng đầu năm nay. 

Ngoài việc các ngân hàng thường chạy chỉ tiêu vào những ngày cuối quý để đạt KPI đề ra, không loại trừ khả năng nhu cầu vay vốn đang dần khởi sắc sau một loạt chính sách, giải pháp hỗ trợ, kích thích nền kinh tế gần đây. Định hướng chính sách tài khóa mở rộng song hành với chính sách tiền tệ nới lỏng trở lại, dù ngân hàng trung ương nhiều nước vẫn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, sẽ bắt đầu có những tác động rõ nét hơn trong giai đoạn tới. 

Nhiều dự báo cho thấy tín dụng của các ngân hàng sẽ khả quan hơn trong giai đoạn nửa cuối năm nay, dựa trên bối cảnh nền kinh tế sẽ phục hồi tốt hơn, kéo theo nhu cầu vay vốn tăng trở lại. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, đạt khoảng 4,7% GDP cho cả năm nhờ sản xuất, xuất khẩu phục hồi.

Vì sao kỳ vọng nửa cuối năm?

Với lãi suất đã giảm trong những tháng gần đây, đặc biệt là lãi suất cho vay đã giảm thực chất hơn khi nhìn vào cách điều chỉnh lãi suất cơ sở của các ngân hàng, doanh nghiệp đang có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng với chi phí vay hợp lý hơn nhiều so với giai đoạn trước. NHNN cũng đã chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về tín dụng, lãi suất. 

-9824-1688973539.jpg

Trong khi đó, Thủ tướng gần đây cũng yêu cầu chính sách tiền tệ cần linh hoạt hơn, mở rộng hơn, thể hiện chủ yếu thông qua tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay. Liên quan các gói tín dụng ưu đãi, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng thúc đẩy gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội, 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp gỗ và lâm sản, giao NHNN nghiên cứu, triển khai các gói tín dụng để kích cầu tiêu dùng.

Bên cạnh chính sách kích thích từ cơ quan quản lý, về phần mình, các ngân hàng sẽ có động lực cho vay lớn hơn trong thời gian còn lại của năm nay. Rõ ràng khi nền kinh tế khó khăn, các ngân hàng buộc phải thận trọng khi cho vay vì e ngại rủi ro nợ xấu, nhưng nếu triển vọng kinh tế lạc quan, khả năng phát triển của doanh nghiệp tốt hơn, các nhà băng cũng sẽ có giải pháp để cho vay mạnh mẽ hơn, nhất là khi hệ thống đang dồi dào thanh khoản, nhiều ngân hàng thừa vốn.

Với những định hướng ấy, kỳ vọng doanh nghiệp sẽ giải quyết bớt các khó khăn trong thời gian qua, có thêm nguồn vốn tài trợ cho sản xuất, kinh doanh, đáp ứng đơn hàng có thể phục hồi trong thời gian tới. Đối với những doanh nghiệp đang vay vốn, việc lãi suất cho vay giảm và cửa tiếp cận tín dụng rộng hơn cũng giảm bớt áp lực chi phí tài chính.

Trong bối cảnh các kênh tài trợ vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán vẫn gặp nhiều khó khăn, kênh tín dụng ngân hàng càng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, cũng như kích cầu tiêu dùng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Chính phủ gần đây cũng yêu cầu phải có những giải pháp kích cầu tiêu dùng, bên cạnh tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài.

GDP 6 tháng đầu năm nay tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020, trước sự suy yếu của doanh nghiệp và sản xuất trong nền kinh tế, với chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ, việc kích thích tăng trưởng đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu dòng vốn tín dụng cởi mở hơn và nới lỏng hơn, doanh nghiệp có điều kiện để mở rộng đầu tư, sản xuất trở lại, cũng sẽ đóng góp tốt hơn vào tăng trưởng nền kinh tế trong thời gian còn lại của năm nay.

NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhưng vẫn phải đảm bảo theo quy định pháp luật. Vừa qua, NHNN ban hành Thông tư 02 cho phép các ngân hàng cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng, đó cũng là một cách tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn.

Khi nền kinh tế khó khăn, các ngân hàng buộc phải thận trọng khi cho vay vì e ngại rủi ro nợ xấu, nhưng nếu triển vọng kinh tế lạc quan hơn, khả năng phát triển của doanh nghiệp tốt hơn, các nhà băng cũng sẽ có giải pháp cho vay mạnh mẽ hơn, nhất là khi hệ thống đang dồi dào thanh khoản, nhiều ngân hàng thừa vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận tín dụng trong nửa cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO