Tài chính, chứng khoán, ngân hàng

Ứ đọng vốn: Lợi nhuận ngân hàng “kém sắc”

Anh Khoa 18/08/2023 09:25

Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng (NH) từ đầu năm đến nay là tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là phát triển tín dụng, khiến không ít nhà băng rơi vào tình trạng bị ứ đọng vốn do huy động vốn đầu vào vẫn tăng tốt nhưng cho vay chậm chạp.

Lợi nhuận “kém sắc”

Lợi nhuận sau thuế của Eximbank trong quý II chỉ đạt 422 tỷ đồng, giảm 39% so với quý trước và giảm hơn 51% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, lãi ròng NH này đạt được trong nửa đầu năm là 1.118 tỷ đồng, tức 30% kế hoạch. Cùng với những “rối loạn thượng tầng” gần đây, kết quả kinh doanh của Eximbank đi xuống đáng kể phản ánh những khó khăn mà NH này đang phải đối mặt.

Không phải chỉ riêng Eximbank, báo cáo tài chính quý II của không ít NH khác công bố mới đây cũng cho thấy sự “kém sắc”. Đơn cử như Liên Việt quý II báo lãi ròng hơn 708 tỷ đồng, giảm 43% so với quý trước và giảm gần 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau 6 tháng, nhà băng này lãi 1.951 tỷ đồng, mới đạt 41% kế hoạch năm. Kết quả kinh doanh đi xuống càng khiến kế hoạch thoái vốn của VNPost thêm thách thức.

Có thể kể đến một số NH khác có lợi nhuận suy yếu như Bản Việt lãi vỏn vẹn 11 tỷ đồng trong quý II, giảm 92% so với cùng kỳ, lũy kế 6 tháng chỉ lãi 31 tỷ, giảm 89% so cùng kỳ. Bắc Á giảm lãi 59% so với quý trước và giảm 31% so với cùng kỳ, chỉ đạt 111 tỷ đồng trong quý II. Đông Nam Á lãi ròng 753 tỷ, giảm gần 12% so với quý trước và giảm hơn 37% so với cùng kỳ, theo đó 6 tháng chỉ mới đạt 36% kế hoạch năm. TPBank lãi 1.293 tỷ, giảm 8,5% so với quý trước và giảm hơn 25% so với cùng kỳ 2022.

Nhóm NH có quy mô lớn hơn cũng không tránh khỏi xu hướng giảm lãi. SHB lãi ròng quý II đạt 2.060 tỷ đồng, giảm hơn 28% so với quý trước và giảm 1,7% so với cùng kỳ. VPBank lãi 3.061 tỷ, tuy tăng 21% so với quý trước nhưng nếu so với cùng kỳ vẫn giảm gần 13%. ACB lãi 3.865 tỷ, giảm 6,5% so với quý trước và 2% so cùng kỳ.Techcombank giảm lãi 0,9% và giảm 23,2% so với cùng kỳ 2022, đạt 4.455 tỷ đồng lãi ròng trong quý II.

Ở nhóm NH có sự tăng trưởng, tốc độ tăng cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Như BIDV lãi 5.452 tỷ đồng rrong quý 2, tăng 4% so với cùng kỳ 2022 nhưng so với quý đầu năm nay lại giảm 0,8%. Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại MBBank, khi báo lãi 4.893 tỷ đồng, tăng 5,8% so cùng kỳ nhưng lại giảm 2,6% so với quý trước. Ngay cả quán quân lợi nhuận Vietcombank dù báo lãi sau thuế quý II đạt 7.423 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ 2022 nhưng so với quý đầu năm lại giảm hơn 17%.

Trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ từ đầu năm đến nay, nhiều ngành nghề, doanh nghiệp phải chống chọi với muôn vàn khó khăn, kéo theo lợi nhuận lao dốc, thậm chí chuyển từ lãi sang lỗ, nhưng nhóm NH vẫn báo lãi, thậm chí một số nhà băng vẫn duy trì được mức lãi hàng nghìn tỷ đồng là một kết quả tích cực. Tuy nhiên, sự tăng trưởng đang chậm lại cũng cho thấy những vấn đề, thách thức mà nhóm này đang phải đối mặt.

Ứ đọng vốn và rủi ro nợ xấu

Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lợi nhuận của các NH từ đầu năm đến nay là tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là phát triển tín dụng, khiến không ít nhà băng rơi vào tình trạng bị ứ đọng vốn do huy động vốn đầu vào vẫn tăng tốt nhưng cho vay chậm chạp. Số liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng toàn ngành so với đầu năm nay chỉ đạt 4,7%, chưa đến một nửa mức tăng 9,44% của 6 tháng cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, một số tổ chức có mức tăng trưởng rất thấp, như Eximbank có dư nợ cho vay khách hàng chỉ tăng 1% trong nửa đầu năm, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 4% và phát hành giấy tờ có giá tăng 6%. Tương tự, dư nợ cho vay của VIB cũng chỉ tăng 1%, trong khi tiền gửi khách hàng đạt 3%, SeaBank tăng dư nợ 5,15%, cũng thấp hơn mức tăng tổng huy động vốn từ khách hàng 5,64%.

Tại SHB, tăng trưởng dư nợ đến cuối tháng 6 đạt 5,8% so với đầu năm, nhưng nếu so với cuối quý I thì gần như đứng yên ở mức quanh 400.000 tỷ đồng, ngược lại tiền gửi khách hàng tăng 13,3% so với đầu năm, trong đó riêng quý 2 tăng gần 4,9%. Hay như Vietcombank, dù có lãi suất cho vay rất cạnh tranh và đã chủ động có nhiều đợt giảm lãi suất vay cho cả khách hàng mới và hiện hữu, nhưng dư nợ cho vay của nhà băng này cũng chỉ tăng 3% trong nửa đầu năm nay, chưa đến một nửa mức tăng trưởng huy động vốn là 7%.

Từ quý IV năm ngoái cho đến quý I năm nay, các tổ chức tín dụng bị cuốn vào vòng xoáy đua lãi suất tiền gửi để cạnh tranh huy động vốn, nhưng cho vay ra lại không được như kỳ vọng. Do đó dư nợ cho vay/huy động vốn từ khách hàng của nhiều NH có xu hướng giảm trở lại.

Chẳng những vậy, lãi suất cho vay luôn bị kiềm chế theo định hướng của NHNN, khiến các NH phải đối mặt với biên lãi ròng bị thu hẹp. Dĩ nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng đang chìm trong khó khăn, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng, các tổ chức tín dụng cũng phải có những chia sẻ nhất định qua việc chấp nhận thu hẹp biên độ lãi suất đầu ra, đầu vào. Gần đây, Chính phủ lại tiếp tục yêu cầu ngành NH phải tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay, đặc biệt trong bối cảnh vốn vẫn đang dư thừa, khiến lợi nhuận của nhóm NH sẽ tiếp tục đối mặt thách thức.

Điều quan trọng hơn là với cầu tiêu dùng suy yếu, triển vọng kinh tế vẫn khá ảm đạm, doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà mở rộng đầu tư và sản xuất, kinh doanh, do đó các NH dù muốn đẩy mạnh cho vay cũng không phải dễ. Trong khi đó, những doanh nghiệp khát vốn lại không đủ điều kiện để tiếp cận tín dụng từ các NH.

Nợ xấu gia tăng trong 6 tháng đầu năm nay tại nhiều NH cũng làm suy yếu lợi nhuận, khi các nhà băng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nhiều hơn. Hiện có một số NH đã để tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3%. Xu hướng nợ xấu gia tăng sẽ còn tiếp tục, dù các NH đã tích cực cơ cấu lại nợ cho các khách hàng gặp khó khăn.

Song song đó, nguồn thu nhập ngoài lãi của nhiều NH cũng sụt giảm so với giai đoạn trước, do các kênh mang lại nguồn thu nhập lớn như tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hay bán chéo sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng tiết kiệm, khách hàng vay vốn đã bị kiểm soát chặt chẽ hơn.

Các tổ chức tín dụng bị cuốn vào vòng xoáy đua lãi suất tiền gửi để cạnh tranh huy động vốn, theo đó đã hấp thụ một lượng vốn đầu vào khá lớn nhưng cho vay ra lại không được như kỳ vọng, thể hiện qua tỷ lệ dư nợ cho vay/huy động vốn của nhiều nhà băng có xu hướng giảm trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ứ đọng vốn: Lợi nhuận ngân hàng “kém sắc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO