Nêu thực tế doanh nghiệp rất muốn vay, nhưng không vay được, trong khi đó, nhu cầu cho vay có, ngân hàng rất muốn cho vay, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, vướng ở cơ chế chính sách. Ngân hàng thương mại cho vay không đúng cơ chế, bung ra rồi phạm luật thì “ngân hàng cũng chết”.
Thừa nhận trình độ của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu toàn diện, hạ các điều kiện tiếp cận vốn xuống. Hiện nay, Nhà nước bù lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, nhưng thực tế doanh nghiệp không muốn vay, ngân hàng thương mại không cho vay được và “cũng không thiết tha” làm việc này. Cả doanh nghiệp đều ngại vấn đề thanh tra, kiểm tra… Để hấp thụ được vốn, phải giảm rất nhiều các vấn đề liên quan đến thanh tra, kiểm tra, phải tạo điều kiện cho cả người vay và người cho vay.
Lãi suất rất quan trọng nhưng chỉ là một vấn đề, thậm chí doanh nghiệp cần cơ chế chính sách hơn cần lãi suất, với điều kiện như hiện nay, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 97%) sẽ rất khó tiếp cận vốn, các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sâu và có giải pháp hiệu quả, hợp lý cho vấn đề này. Quan trọng nhất phải có cơ chế chính sách hài hòa.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi cho biết, đại đa số doanh nghiệp bất động sản rất hạn hẹp về tài chính, vốn sở hữu thấp, chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng. Các yếu tố đó dẫn đến khó tiếp cận vốn để thực hiện các dự án. Hầu hết doanh nghiệp đề nghị mức lãi suất ở các phân khúc khác là từ 8,5-9%/năm; phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, cải tạo chung cư cũ ở mức 6,5-7%/năm. Tuy nhiên, lãi suất chỉ là một phần. Nếu tháo gỡ được quy trình thủ tục đầu tư, rút gọn được khâu trung gian, thời gian giải quyết, doanh nghiệp có thể tiết kiệm tới 12-15%.
Trong số các giải pháp liên quan đến bất động sản, vấn đề đầu tiên là hoàn thiện môi trường pháp lý. Hiện có 3 luật đang trong lộ trình sửa đổi là Luật Đất đai, Luật Bất động sản và Luật Nhà ở. Ba luật này có những vấn đề chồng chéo, cần xử lý bảo đảm đồng bộ. Trong thời gian chưa ban hành luật sửa đổi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng đã có thông tư hướng dẫn, “hé ra những tín hiệu tích cực cho lĩnh vực bất động sản”. Tuy nhiên về lâu dài, cần hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển nguồn cung phù hợp với nhu cầu thực tế, phát triển thị trường vốn lành mạnh, tăng cường công nghệ để quản lý, giám sát các kênh huy động vốn của ngành bất động sản…
Bản thân các doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh, quản trị, cơ cấu lại sản phẩm (tồn đọng chủ yếu ở phân khúc cao cấp), đi vào phân khúc có nhu cầu thực, tránh đầu cơ, tính toán lại giá thành, hạ giá bán phù hợp với thị trường,…
Từ phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Phó tổng thư ký Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, nền kinh tế chúng ta xuất khẩu 75% do FDI mang lại, còn lại là doanh nghiệp Việt. Nhưng với VASEP, 95% xuất khẩu là do doanh nghiệp trong nước mang lại. Trước đây VASEP dự báo hết tháng 6 kinh tế thế giới có sự phục hồi, nhưng khả năng điều này có thể kéo tới cuối năm.
Doanh nghiệp “cần trụ qua giai đoạn này” đợi tới cuối năm xuất hàng, nếu không có giải pháp đột phá về vốn, tín dụng, thời gian tới không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu bị yếu đi, mà khâu nguyên liệu (nuôi trồng) cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nguy cơ “bỏ ao” là hiện hữu. Tới cuối năm, khi kinh tế thế giới phục hồi, chúng ta không có hàng để xuất, dẫn tới mất hết thị phần.
Đại diện VASEP kiến nghị một số nội dung liên quan đến hạ lãi suất cho vay bằng USD xuống dưới 4%; tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%; giãn nợ phải trả từ 3-6 tháng giúp doanh nghiệp trụ lại tới lúc thị trường phục hồi; điều chỉnh các khoản phí liên quan đến giao dịch ngân hàng…
Đại diện Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV thông tin, số liệu khảo sát tình hình doanh nghiệp cho thấy, khoảng phục hồi của doanh nghiệp là rất dài so với chu trình vận hành thông thường, doanh nghiệp vẫn đối diện nhiều khó khăn trước mắt. Từ nay tới cuối năm 2023, hơn 70% dự kiến giảm quy mô lao động, hơn 80% giảm quy mô doanh thu.
Điều kiện cho vay “ở điều kiện bình thường có thể không gây khó cho doanh nghiệp nhưng sẽ không phù hợp với bối cảnh bất thường hiện nay”, doanh nghiệp xuất khẩu khả năng tới cuối năm thị trường mới có chút khởi sắc, nếu cho vay dựa vào đơn hàng như mọi khi là không khả thi. Doanh nghiệp nông nghiệp cần vốn lớn những lúc thu, mua hàng, nhưng khả năng vay số tiền lớn cũng không khả thi vì thiếu tài sản thế chấp. Thị trường bất động sản thương mại còn khó khăn, có thể thúc đẩy nhà ở xã hội để mang lại “sinh khí” cho ngành bất động sản - xây dựng, nhưng toàn bộ điều kiện hiện nay rất bất khả thi (về lãi vay và khả năng chi trả, về điều kiện gửi tiền trong ngân hàng để được lãi vay thấp).
Đại diện Ban IV đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần nhìn vào từng nhóm vấn đề để nghiên cứu cơ cấu lại điều kiện vay, lãi vay cho phù hợp bối cảnh bất thường như thông điệp từ Chính phủ. Vì nếu “doanh nghiệp không trụ được, không sống được thì các ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề và cũng không thể sống”. Cần tìm điểm cân bằng giữa các bên.