Flurona - Cơn ác mộng nhiễm cùng lúc cả cúm mùa và Covid-19?

Bảo Quân| 07/01/2022 01:00

Vào thời điểm thế giới đang chuẩn bị cho bước ngoặt mới của đại dịch, các trường hợp nhiễm cùng lúc cả cúm mùa và Covid-19, còn gọi là Flurona, khiến nhiều người lo lắng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không có gì ngạc nhiên khi các trường hợp nhiễm cùng lúc cả cúm mùa và Covid-19 xuất hiện, trong bối cảnh biến chủng Omicron lây lan mạnh mẽ như hiện nay. Trên thực tế, theo CNA, từ đầu năm 2020, đã có báo cáo về Flurona và đến nay, một số quốc gia trên thế giới đã ghi nhận các trường hợp này.

Theo các chuyên gia, các ca mắc Flurona có khả năng sẽ tăng lên khi biến chủng Omicron dễ lây lan ngày càng trở nên phổ biến, kết hợp với việc các quốc gia nới lỏng biện pháp phòng dịch so với 1 năm trước khiến bệnh cúm bùng phát trở lại sau khi tạm biến mất vào năm ngoái.

Virus cúm và SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đều lây truyền qua đường hô hấp.

Virus cúm và SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đều lây truyền qua đường hô hấp.

Vì sao Flurona đến giờ mới được chú ý?

Khi Covid-19 bùng phát khiến hàng triệu người tử vong, bệnh cúm mùa diễn ra hằng năm tạm bị lãng quên. Tuy nhiên, sau 2 năm, khi thế giới đã dần quen thuộc với SARS-CoV-2 và đang chuẩn bị cho bước ngoặt mới của đại dịch, viễn cảnh vừa mắc cúm mùa, vừa mắc Covid-19 khiến nhiều người lo lắng khi cúm mùa quay trở lại tại nhiều quốc gia.

Cách đây 1 năm, nhờ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, lệnh phong toả và việc người dân thế giới quan tâm hơn đến vệ sinh cá nhân mà cúm mùa "tạm lui đi". Trên thực tế, ở nhiều nơi, mùa cúm năm ngoái là mùa ít nghiêm trọng nhất trong hơn 10 năm qua. Tại Mỹ, số ca nhập viện do cúm mùa năm 2021 ở mức thấp nhất kể từ năm 2005.

Do đó, khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng và nhiều quốc gia trở lại với cuộc sống bình thường mới, cúm mùa cũng quay lại. Ngoài ra, hệ thống miễn dịch của con người cũng ít được phòng bị để chống lại cúm mùa hơn sau khi ít tiếp xúc với nó vào năm ngoái.

Link bài viết

Flurona có đáng lo ngại?

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, nên cảnh giác song không nên lo ngại quá mức trước sự xuất hiện của FluronaGiáo sư David Edwards - nhà khoa học tại Đại học Harvard, giải thích: "Nếu đã mắc Covid-19, bạn nên bảo vệ bản thân để tránh nhiễm virus cúm, vì lây nhiễm kép sẽ tấn công mạnh hơn vào hệ miễn dịch".

Tuy nhiên, ông Edwards cho rằng khả năng điều đó xảy ra là không cao. Khả năng nhiễm 1 trong 2 loại virus vào cùng thời điểm là rất thấp đối với hầu hết mọi người. "Xác suất cả 2 loại virus tấn công con người cùng lúc giống như xác suất bị 2 người cướp trong cùng 1 ngày. Trường hợp này có thể xảy ra, nhưng không cao như mọi người nghĩ", Edwards nói.

Đồng thời, cần biết rằng ca Flurona gây chú ý gần đây tại Israel là người chưa tiêm vaccine. Theo thông tin từ Bệnh viện Beilinson (Israel) - nơi bệnh nhân mắc Flurona điều trị, đây là 1 phụ nữ đang mang thai ngoài 30 tuổi và chưa tiêm vaccine. Cuối tháng 12/2021, người này đã xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt.

"Đây là sản phụ đầu tiên được chẩn đoán nhiễm cùng lúc virus cúm mùa và SARS-CoV-2 tại Beilinson. Chúng tôi đã điều trị cho bệnh nhân bằng cách kết hợp thuốc nhắm vào cả 2 loại virus. Ngày càng nhiều sản phụ mắc cúm mùa, bên cạnh đó là các trường hợp nhiễm virus corona, chủ yếu xảy ra ở phụ nữ chưa tiêm vaccine Covid-19 và cúm", ông Arnon Wiznitzer - Giám đốc bộ phận chăm sóc sức khỏe phụ nữ tại Bệnh viện Beilinson nói.

Theo Giám đốc Trường Y tế Công cộng tại Đại học Ben-Gurion (Israel) Davidovitch, hiện chưa có đủ dữ liệu để khẳng định tỷ lệ nhập viện đối với những người bị mắc cả cúm mùa và Covid-19 cao hay thấp hơn so với những người chỉ nhiễm 1 trong 2 loại virus.

[Caption]

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Ma'ale Adumim, Israel. Ảnh: Times of Israel

Trong một phân tích tổng hợp các nghiên cứu khác nhau vào tháng 5/2021, các nhà nghiên cứu từ Đại học Wisconsin (Mỹ) đã phát hiện 19% những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 đồng thời có kết quả dương tính với một mầm bệnh khác (gọi là "đồng nhiễm trùng"), có thể là virus, vi khuẩn hoặc nấm.

Họ cũng phát hiện ra rằng 24% bệnh nhân được chẩn đoán mắc Covid-19 sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với một loại mầm bệnh khác (gọi là "bội nhiễm"). Đối với cả 2 loại tình trạng trên, kết quả có liên quan đến "tiên lượng bệnh nặng, bao gồm cả tỷ lệ tử vong tăng". Qua đó, nghiên cứu khẳng định sự cần thiết phải kiểm tra các bệnh ngoài Covid-19 để mọi người có thể được điều trị đúng cách.

Link bài viết

Phòng ngừa thế nào?

Khi mắc Covid-19 và bệnh cúm, virus đều gây biến chứng nặng ở những người có nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai. Tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của Covid-19 cao hơn cúm mùa. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cúm mùa và Covid-19 đều là các bệnh về đường hô hấp và có thể gây ra triệu chứng tương tự nhau như ho, sổ mũi, đau họng, sốt, nhức đầu và mệt mỏi. Cả hai bệnh đều lây qua các giọt bắn khi người bệnh hít thở, nói, ho hoặc hắt hơi.

Để hạn chế sự lây lan của cúm mùa và Covid-19, cũng như ngăn chặn tình trạng quá tải đối với hệ thống y tế toàn cầu, ông Davidovitch nhấn mạnh "sự cần thiết phải bảo vệ mọi người". Ông cho rằng để tránh hệ thống y tế bị quá tải, nhiều người cần phải được tiêm chủng, và phải tuân thủ các biện pháp khác để bảo vệ những người có nguy cơ cao.

"Sau 1 năm có rất, rất ít hoặc hầu như không có bệnh cúm, thì năm tiếp theo mọi người sẽ dễ bị tổn thương hơn vì căn bệnh này''. Ông nói thêm rằng đối với những người không có tình trạng bệnh nền và đã được chủng ngừa cả cúm và Covid-19, những virus này không có khả năng gây ra ảnh hưởng lớn.

Theo WHO, người dân có thể thực hiện các biện pháp giúp bảo vệ hiệu quả trước Covid-19 và cúm mùa, gồm giãn cách xã hội, tiêm vaccine, thường xuyên vệ sinh tay, cách ly và mở cửa sổ để đảm bảo thông gió.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Flurona - Cơn ác mộng nhiễm cùng lúc cả cúm mùa và Covid-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO