Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp - Cần thực chất!
Cả nước có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, trong đó DN nhỏ và vừa chiếm đến hơn 97%. Đây là nhóm DN dễ bị tổn thương nhất về mặt pháp lý và đang rất cần những chương trình hỗ trợ thiết thực, hiệu quả.
Nhiều khó khăn
Khu vực DN nhỏ và vừa đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, đây là lực lượng yếu hơn cả về nội lực và ngoại lực so với cộng đồng các DN.
Các DN nhỏ và vừa gặp vướng mắc pháp lý kể từ khi khởi nghiệp cho đến kho đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, hỗ trợ pháp lý để giúp nhóm DN này phòng ngừa, hạn chế các vướng mắc, rủi ro pháp lý trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh là rất cần thiết.
Chia sẻ tại hội thảo về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vửa và nhỏ ngày 13/5, bà Ngô Quỳnh Hoa - Cục phó Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp cho biết, hơn 97% DN tại Việt Nam là nhỏ và vừa, và hơn 62% DN trong số đó là siêu nhỏ. Những DN này hạn chế về nguồn lực, thường chú trọng vào sản xuất kinh doanh mà chưa có giải pháp phòng ngừa rủi ro pháp lý, khả năng chống chịu rủi ro pháp lý hạn chế. Không chỉ vậy, nhận thức của DN về các vấn đề pháp lý còn hạn chế, mô hình tổ chức còn nhỏ dẫn đến thiếu nguồn lực đảm bảo cho công tác pháp lý của DN. Hầu hết các DN này không có bộ phận pháp chế chuyên trách, không có kinh phí để thuê đơn vị tư vấn luật chuyên nghiệp.
“Việc không thấu hiểu các quy định của pháp luật khiến các DN nhỏ lúng túng khi thực hiện các thủ tục pháp lý hoặc thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là nguyên nhân gây ra những rủi ro pháp lý khiến các DN này phải trả giá đắt bằng các chế tài xử phạt hoặc những tổn thất trong ký kết các hợp đồng…”, bà Quỳnh Hoa nói.
Một số DN nhỏ và vừa cũng thừa nhận, chỉ khi nào phát sinh vấn đề tranh chấp lớn, phức tạp mới có nhờ đến luật sư, chuyên gia tư vấn, giải quyết bằng việc giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý. Hầu như DN chọn giải pháp tự tìm hiểu thông tin trên mạng, sử dụng nguồn nhân sự không chuyên về lĩnh vực pháp luật trong DN.
Điều đáng nói là các hoạt động của chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa được triển khai vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả, thực chất, dựa trên nhu cầu thực tế của DN.
Giải pháp triển khai ngay
Hoạt động trợ giúp pháp lý cho DN vừa và nhỏ là trách nhiệm của nhiều cơ quan và được cụ thể hóa tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ. Nghị định ban hành nhằm hỗ trợ pháp lý cho DN vừa và nhỏ, giúp DN nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Ông Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp cho rằng, việc đồng hành về mặt pháp lý với các DN vừa và nhỏ là rất cần thiết. Vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào cho hiệu quả là điều đáng bàn.
Theo ông Quốc, nên tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa các chính sách, văn bản pháp luật đến các DN nhỏ và siêu nhỏ song song với tuyên truyền cho cả cán bộ công chức thực hiện. Trong giai đoạn này, không chỉ tuyên truyền các chính sách pháp luật trong nước mà cả pháp luật nước ngoài.
Hiện nay, song hành với cộng đồng DN là đội ngũ tư vấn viên. Vì vậy, phải xây dựng được đội ngũ tư vấn viên “tinh nhuệ”, chuyên tâm và thật sự đồng hành cùng DN.
Tuy nhiên, ông Quốc cũng cho rằng, chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN cũng chỉ là hoạt động hỗ trợ chứ không phải là “bà đỡ” hoàn toàn cho DN. Vì vậy, "cơ bản DN phải tự thân bằng các biện pháp như đầu tư vào công nghệ thông tin, xây dựng chiến lược kinh doanh, quản trị phù hợp…".
Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu Đồng Nai cho biết, trong môi trường kinh doanh hiện nay, DN gặp rất nhiều vướng mắc nhưng không phải vấn đề nào cũng nhờ đến luật sư và không phải luật sư nào cũng tâm huyết hỗ trợ DN.
“Chúng tôi mong muốn trong Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Bộ Tư pháp nên tham gia mạnh mẽ hơn nữa. Bộ cần cử những chuyên gia thật am hiểu về pháp lý, thật tâm huyết để đồng hành cùng các hiệp hội, DN”, ông Duy Hưng đề nghị.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hiền - Ủy viên Ban hấp hành Hội tin học TP.HCM, Giám đốc công ty Ingreetech cho rằng, các DN nhỏ và siêu nhỏ là nhóm DN dễ bị thương về pháp lý. Để hỗ trợ hiệu quả cho DN, cần chia các DN thành hai nhóm (nhỏ và siêu nhỏ) và có những giải pháp hỗ trợ, tuyên truyền thích hợp. Mỗi luật điều có những vấn đề hướng đến nhiều đối tượng DN khác nhau và chỉ có một phần cho những vấn đề cụ thể của từng nhóm DN.
Vì vậy, cần chọn và tuyên truyền theo từng đối tượng với những cẩm nang hướng dẫn chi tiết cho từng nhóm DN. Khâu tuyên truyền cũng nên tổ chức tại cơ sở, các bộ ngành và địa phương phải phối hợp với nhau để triển khai.
“Chương trình này nên triển khai trước tại TP.HCM vì Thành phố đã có Nghị quyết 98. Triển khai hoạt động này, các địa phương nên phối hợp với các luật sư hoặc công bố các tư vấn viên tại địa phương để DN có thể tiếp cận được. Đây là giải pháp có thể triển khai ngay”, ông Xuân Hiền hiến kế.