Cuộc chiến chất bán dẫn Mỹ-Trung sẽ thế nào trong thời gian tới?
Thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đang tiến gần đến một bước ngoặt, nhưng quan trọng trong chính sách công nghệ với Trung Quốc. Sau giai đoạn tập trung vào hạn chế chuyển giao công nghệ bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc, nhiều quan chức hiện tỏ ra cởi mở với ý tưởng hạn chế buôn bán các chất bán dẫn cũ, được sản xuất bằng công nghệ cũ.
Những con chip cũ chiếm thị phần lớn hơn nhiều trong thương mại bán dẫn toàn cầu, vì chúng cung cấp năng lượng cho hầu hết các thiết bị điện tử tiêu dùng, như ô tô, máy bay, dây chuyền sản xuất, thiết bị y tế và hệ thống vũ khí.
Hạn chế buôn bán các loại chip truyền thống, sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng, trong việc tách rời kinh tế Mỹ-Trung. Nếu không làm như vậy, có thể báo hiệu rằng, lời nói của Hoa Kỳ về việc giảm thiểu rủi ro và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, vẫn khác với thực tế.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ gần đây bắt đầu một cuộc khảo sát về sự phụ thuộc của ngành công nghiệp Hoa Kỳ vào Trung Quốc, liên quan tới sản xuất các loại chip truyền thống. Cuộc khảo sát gần như chắc chắn sẽ cho thấy, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc về nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất. Phát hiện trên sẽ đưa ra quyết định then chốt cho người chiến thắng sau cuộc bầu cử tháng 11/2024, có thể là ông Donald Trump hoặc Tổng thống Biden.
Theo nhiều chuyên gia, dựa vào Trung Quốc để sản xuất chip truyền thống, sẽ mang lại cho Bắc Kinh đòn bẩy chiến lược mạnh mẽ. Điều đó giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu lớn lao, có khả năng kiểm soát dòng nguyên liệu đầu vào quan trọng của kinh tế toàn cầu.
Để ngăn chặn, Washington có thể phải thực hiện nhiều động thái mang tính đột phá hơn. Ví dụ áp đặt mức thuế mạnh, thậm chí là cấm nhập khẩu nguyên liệu sản xuất chip từ Trung Quốc, để dần tự chủ.
Trung Quốc chiếm khoảng 30% năng lực sản xuất chip logic truyền thống toàn thế giới. Con số đó có thể tăng vọt trong vòng vài năm tới, khi Bắc Kinh tăng cường chính sách trợ cấp, chuyển giao công nghệ và sản xuất dư thừa năng lực, vốn mang lại lợi thế chiến lược cho nước này trong đóng tàu, pin mặt trời, xe điện và các ngành công nghiệp quan trọng khác.
Bắc Kinh từ lâu đã trợ cấp cho hoạt động sản xuất chip trong nước, đặc biệt từ năm 2015, khi nước này đưa ra sáng kiến “Made in China 2025”.
Đến năm 2020, Trung Quốc đã trở thành nước mua thiết bị sản xuất chất bán dẫn nhiều nhất thế giới, báo hiệu một chỉ số mạnh mẽ về năng lực sản xuất trong tương lai.
Nếu Trung Quốc thành công trong việc sáp nhập Đài Loan, nơi sản xuất chất bán dẫn truyền thống hàng đầu thế giới, cường quốc số một châu Á có khả năng kiểm soát 60% sản lượng chip toàn cầu, loại từ 20 đến 45 nanomet, cũng như 75% sản lượng chip ít hiện đại hơn vào năm 2027.
Điều đó mang lại cho Trung Quốc đòn bẩy thương mại và chiến lược lớn lao, có thể sử dụng vào mục đích chính trị.
Một khi Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc về chip truyền thống, đất nước tỷ dân có quyền cắt giảm xuất khẩu hoặc đe dọa cắt giảm, khi thấy phù hợp về mặt chiến lược. Trung Quốc cũng có thể sử dụng hàng xuất khẩu của mình, để xâm nhập các hệ thống của nước khác thông qua con đường công nghệ.
Tất cả điều này sẽ trở thành quyền lực không thể chấp nhận được đối với Hoa Kỳ, thậm chí còn hơn thế nữa nếu xảy ra khủng hoảng hoặc xung đột.
Hai năm trước, sự phụ thuộc của Tây Âu vào năng lượng Nga đã khiến Tổng thống Vladimir Putin nghĩ rằng, tấn công Ukraine sẽ không gặp quá nhiều phản đối.
Nếu Mỹ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung chiến lược, có thể làm suy yếu khả năng của phương Tây, trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng của đất nước tỷ dân vào Đài Loan.
Vậy Hoa Kỳ nên làm gì?
Theo một số chuyên gia, Washington cần áp dụng chính sách như mở rộng kiểm soát xuất khẩu, hạn chế cơ quan Chính phủ mua chip Trung Quốc, tiến tới cấm sử dụng chip Trung Quốc trong cơ sở hạ tầng viễn thông và lĩnh vực nhạy cảm khác.
Hiện Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy sản xuất chip với quy mô chưa quốc gia nào sánh kịp. Họ có thể đưa ra mức giá thấp hơn nhiều, so với bất kỳ nhà cung cấp nào trên thế giới.
Kết quả là, Hoa Kỳ đang trên đà mua nhiều chip Trung Quốc hơn, ngay cả khi điều này gây tổn hại đến an ninh quốc gia, do phụ thuộc vào đối thủ về nguồn cung 1 mặt hàng quan trọng.
Chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét áp thuế đối với chip Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một động thái đáng hoan nghênh. Nếu mức thuế tăng lên 25%, sẽ giảm khoảng 72% lượng chip nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc.
Nhưng hầu hết chip Trung Quốc nhập khẩu gián tiếp vào Mỹ dưới dạng linh kiện của thiết bị. Để ngăn chặn điều này, Washington có thể phải đưa ra một loại thuế quan phức tạp, khó thực thi và khá cao, để vượt qua lợi thế về giá của Trung Quốc. Hiện lợi thế này là khoảng 30%.
Nhiều tiếng nói cho rằng, cạnh tranh về giá với hàng xuất khẩu được trợ cấp của Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ có ý nghĩa chiến lược, rất có thể Hoa Kỳ sẽ thua nếu làm theo cách thông thường.
Do đó theo thời gian, Washington có thể phải cấm nhập khẩu chip Trung Quốc và hàng hóa có sử dụng chip Trung Quốc. Chỉ khi thị trường Mỹ từ chối những hàng hóa này, các công ty muốn bán vào Mỹ mới tính đến việc sử dụng chip từ nơi khác. Điều đó có lợi cho ngành chip của đồng minh, như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU hay Đài Loan.
Một số phân tích chỉ ra, cấm chip Trung Quốc sẽ buộc người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ chịu thêm chi phí trong thời gian ngắn. Nhưng những chi phí này sẽ ở mức phải chăng, so với nguy cơ phụ thuộc vào Bắc Kinh, khiến hàng loạt doanh nghiệp phá sản cũng như bị đe dọa về an ninh quốc gia.