Quốc tế

Bất đồng kinh tế "chiếm sóng" cuộc điện đàm giữa 2 lãnh đạo Mỹ - Trung

Văn Phúc 04/04/2024 19:01

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong gần hai giờ, về một loạt chủ đề như quyền sở hữu TikTok, căng thẳng ở biển Đông và liệu các lệnh trừng phạt của Mỹ với doanh nghiệp Trung Quốc, có giúp giảm rủi ro hay không.

Đây là lần đầu tiên từ tháng 7/2022, hai lãnh đạo nói chuyện qua điện thoại. Họ đã tổ chức hai cuộc gặp trực tiếp kể từ thời điểm đó: Ở Bali, Indonesia tháng 11/2022 và California tháng 11/2023.

i.abcnewsfe.com-a-42284568-ec75-4c42-bbae-a4e62189dfc3-_biden-xi-01-rt-jt-231115_1700091287911_hpembed_2_3x2.jpg
Lãnh đạo Mỹ - Trung vừa có cuộc điện đàm gần 2 giờ đồng hồ - Ảnh: ABC News

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói với các phóng viên sau cuộc gọi: “Chúng tôi tin rằng, không có cách nào thay thế được liên lạc thường xuyên ở cấp lãnh đạo, để quản lý hiệu quả mối quan hệ song phương phức tạp và thường xuyên căng thẳng này. Cả hai lãnh đạo đều đồng ý nhấc máy, và nói chuyện khi cần thiết.”

Ông Kirby thừa nhận, ứng dụng mạng xã hội TikTok đã được thảo luận trong cuộc gọi kéo dài khoảng 1h45p. Tổng thống Biden nhắc lại mối quan ngại về quyền sở hữu TikTok của tập đoàn ByteDance.

Một dự luật đã được Hạ viện thông qua, nhưng vẫn đang chờ tại Thượng viện, nhằm mục đích buộc TikTok cắt quan hệ với công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc bị cấm hoạt động tại Hoa Kỳ. Tổng thống Biden nói sẽ ký thành luật, nếu được 2 viện Quốc hội thông qua.

Ông Kirby cho biết thêm, Tổng thống Biden nói với Chủ tịch Tập rằng, đây không phải là lệnh cấm, chỉ hối thúc thoái vốn, để an ninh quốc gia và dữ liệu của người dân Mỹ được bảo vệ.

Cuộc gọi diễn ra một tuần trước khi Tổng thống Biden tiếp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thăm chính thức Washington. Sau đó, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Junior sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Philippines.

Một thông tin của Nhà Trắng nói, ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, cũng như luật pháp và tự do hàng hải ở biển Đông.

Nằm ở hai phía Bắc – Nam của Đài Loan, Nhật Bản và Philippines sở hữu vị trí quan trọng nhất đối với Mỹ, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ở eo biển Đài Loan.

Căng thẳng đã gia tăng ở biển Đông, với việc Trung Quốc tăng cường sử dụng vòi rồng để chặn tàu tiếp tế của Philippines.

Một quan chức chính quyền Mỹ nói với Nikkei Asia rằng, cuộc gọi của lãnh đạo Mỹ-Trung không liên quan đến hội nghị thượng đỉnh song phương và ba bên vào tuần tới. Thời điểm chỉ là tình cờ. Lãnh đạo Mỹ-Trung đã đồng ý liên lạc thường xuyên qua điện thoại. Cuộc gọi đầu tiên vừa kết thúc.

Nhưng Tổng thống Biden có thể chia sẻ nội dung cuộc gọi và góc nhìn, tại hội nghị thượng đỉnh 3 bên. Ví dụ ông Tập coi vấn đề Đài Loan là ranh giới đỏ đầu tiên không được vượt qua, trong quan hệ Trung – Mỹ. Ông Tập cũng nêu rõ lập trường của Trung Quốc, về các vấn đề liên quan đến Hồng Kông, nhân quyền, biển Đông và một số khúc mắc khác.

Trong cuộc gọi, Tổng thống Biden nói với Chủ tịch Tập rằng, mặc dù Mỹ sẽ tiếp tục hành động để ngăn chặn việc sử dụng công nghệ tiên tiến của Mỹ, nhằm làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ, nhưng chiến lược của Washington là giảm rủi ro, chứ không phải tách rời với kinh tế Trung Quốc.

Ông Tập phản đối quan điểm này. Ông nói: “Mỹ đã áp dụng một loạt biện pháp, nhằm ngăn chặn sự phát triển thương mại và công nghệ của Trung Quốc, đồng thời ngày càng bổ sung thêm nhiều thực thể Trung Quốc vào danh sách trừng phạt. Đây không phải là giảm rủi ro, mà tạo ra rủi ro. Nếu phía Mỹ sẵn sàng tìm kiếm sự hợp tác cùng có lợi và chia sẻ lợi ích phát triển của Trung Quốc, thì họ luôn thấy cánh cửa Trung Quốc rộng mở; nhưng nếu kiên quyết ngăn chặn sự phát triển công nghệ của Trung Quốc và tước đoạt quyền phát triển hợp pháp, thì chúng tôi sẽ không ngồi yên.”

Trước cuộc gọi, một quan chức cấp cao Nhà Trắng nói với các phóng viên rằng, điện đàm là cuộc kiểm tra tiến bộ đạt được tại hội nghị thượng đỉnh ở California, nơi 2 lãnh đạo đồng ý hợp tác về chống chất gây nghiện, đối thoại quốc phòng và kiểm soát trí tuệ nhân tạo.

Theo Tân Hoa Xã, ông Tập hoan nghênh mối quan hệ song phương đang bắt đầu ổn định. Tuy nhiên, các yếu tố tiêu cực trong mối quan hệ cũng ngày càng gia tăng. Điều này đòi hỏi sự chú ý từ cả hai phía.

Ông Tập khẳng định, nhận thức chiến lược là nền tảng cho mối quan hệ, giống như chiếc cúc đầu tiên trên chiếc áo sơ mi phải được cài đúng cách.

Tổng thống Biden thông tin với ông Tập rằng, sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đến Trung Quốc vào đầu tháng 4 này, tiếp theo Ngoại trưởng Antony Blinken cũng đến, trong nỗ lực duy trì hoạt động ngoại giao cấp cao.

Vấn đề chống chất gây nghiện, quan chức Mỹ cho biết, từ hội nghị thượng đỉnh tháng 11/2023, Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp ban đầu, nhằm hạn chế và làm gián đoạn dòng chảy vào Hoa Kỳ.

Về đối thoại quốc phòng, hai bên đồng ý nối lại đàm phán thỏa thuận tư vấn quân sự hàng hải tại Honolulu trong tuần này.

Đây là động thái thứ ba nhằm khôi phục đối thoại quân sự, diễn ra sau cuộc gọi video giữa Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Charles Brown và Tướng Liu Zhenli, tham mưu trưởng Quân ủy Trung ương, cơ quan ra quyết định hàng đầu của quân đội Trung Quốc. Sau đó là cuộc đối thoại cấp thấp hơn vào tháng 1/2024.

Một quan chức Nhà Trắng nói với các phóng viên, hai bên đang cân nhắc đàm phán cấp Bộ trưởng Quốc phòng, cũng như trao đổi giữa các chỉ huy chiến trường.

Về trí tuệ nhân tạo (AI), quan chức này chia sẻ thêm, Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức đối thoại trong những tuần tới, nhằm quản lý rủi ro và thách thức về an toàn do AI gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất đồng kinh tế "chiếm sóng" cuộc điện đàm giữa 2 lãnh đạo Mỹ - Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO