Doanh nhân xưa

Kỹ sư Lưu Văn Lang: Sáng lập viên Công ty Tín dụng An Nam

Thanh An (tổng hợp) 12/05/2024 13:23

Nổi tiếng với biệt danh “Bác vật Lang”, kỹ sư Lưu Văn Lang không chỉ được biết đến là một thành viên sáng lập Việt Nam Ngân hàng - ngân hàng tư nhân đầu tiên của người Việt tại Nam kỳ, mà ông còn có công lớn trong phát triển khoa học - kỹ thuật nửa đầu thế kỷ XX, đặc biệt là lĩnh vực cầu đường.

KỲ 1: NHÀ BÁC VẬT KỲ TÀI

28-chan-dung-doanh-nhan-luu-van-lang.jpg
Chân dung Lưu Văn Lang

Lưu Văn Lang sinh ngày 5/6/1880 trong một gia đình nghèo tại làng Tân Phú Đông, hạt Sa Đéc (nay thuộc thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Cha của ông là ông Lưu Văn Cứng, một thợ đục đá làm cối xay bột tại chợ Sa Đéc. Mặc dù sinh trưởng trong sự nghèo, nhưng khi nhận thấy con trai có tư chất thông minh, học đâu biết đó, lại hay tìm tòi sáng tạo khi cùng cha làm cối xay đá nên ông đã cho Lưu Văn Lang đi học.

Thưở nhỏ, Lưu Văn Lang theo học chữ Nho, đến năm 10 tuổi thì được chuyển sang học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ tại Trường Tiểu học Sa Đéc, luôn là một học sinh nổi trội trong lớp. Với tư chất thông minh, lại siêng học nên ông được Chánh tham biện Sa Đéc đề nghị chính quyền địa phương cấp học bổng lên Sài Gòn học hết trung học. Nhờ vậy Lưu Văn Lang được tuyển thẳng vào Trường Chasseloup-Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM).

Lưu Văn Lang đã làm rạng danh học sinh Sa Đéc khi thi đậu tú tài 2 với điểm số xuất sắc ở tuổi 17 (1897). Vì vậy, cụ đã được Thống đốc Nam Kỳ cấp học bổng sang Pháp học tại Trường Arts et Manufactures de l’École Centrale de Paris (Trường Kỹ nghệ và Mỹ thuật Trung ương Paris). Năm 1904, Lưu Văn Lang tốt nghiệp loại ưu kỹ sư bá nghệ, xếp hạng 8/250 sinh viên.

Chính quyền Pháp nhận thấy Lưu Văn Lang là một nhân tài nên đã khuyên ông ở lại Pháp, nhiều công ty của Pháp đưa ra nhiều điều kiện ưu đãi để ông làm việc cho họ, nhưng Lưu Văn Lang từ chối và quyết định về nước.

Sau khi về nước, Lưu Văn Lang được chính quyền thuộc địa trọng dụng và cử sang Vân Nam, Trung Quốc tham gia thiết kế, xây dựng tuyến đường sắt nối TP. Hải Phòng với TP. Côn Minh (Vân Nam) được khởi công vào năm 1901. Trải qua nhiều gian truân và thử thách, năm 1910, Lưu Văn Lang đã hoàn thành tuyến đường sắt dài 885km, được đánh giá là kỳ công của thế giới, mà trước đó nhiều kỹ sư người Pháp đã không thể hoàn thành vì nó xuyên qua rất nhiều đồi núi hiểm trở, khiến hơn 12.000 nhân công thiệt mạng vì tai nạn và bệnh tật trong 10 năm thi công.

28-dong-ho-da-01.jpg
Chiếc đồng hồ Thái Dương được Bác vật Lang xây dựng bằng gạch tàu

Sau khi hoàn tất xây dựng tuyến đường sắt ấy, Lưu Văn Lang được chính quyền thuộc địa chuyển về Sài Gòn, làm việc tại Sở Công chánh Đông Dương. Trong thời gian này ông được giao giám sát nhiều công trình giao thông quan trọng tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, đồng thời còn được giao giám sát thi công nhiều tuyến đường sắt, cây cầu ở khu vực Đông Dương, như cầu Monivong, tuyến đường xe lửa Phnôm Pênh - Battambang, Campuchia.

Với tài năng và những đóng góp của ông, người dân miền Nam đương thời kính trọng gọi ông là “Bác vật Lang”, các kỹ sư người Pháp cũng rất kính nể ông.

Trong khi làm việc cho Sở Công chánh, ông là một kỹ sư luôn nghĩ đến sự an nguy của người dân trên những tuyến giao thông. Mỗi khi làm một tuyến đường, ông buộc các nhà thầu phải đào bỏ lớp đất bùn và đất sét trước khi đổ đá, ông cũng kiểm tra và buộc các nhà thầu phải đào bỏ những lớp đất xấu, thay vào bằng cát hai bên dốc cầu. Với những cây cầu có sẵn, do những kỹ sư người Pháp trước đó chỉ huy xây dựng, ông có thể tiên đoán trước sự sụp lở của nó.

Trong thời gian tại chức (1910-1930), Lưu Văn Lang có nhiều đóng góp về hạ tầng giao thông cho xứ Nam kỳ lục tỉnh, vì vậy mà đã có nhiều giai thoại về ông được lưu truyền. Điển hình như giai thoại về khả năng tiên tri cầu sập và chiếc đồng hồ Thái Dương của ông. Tương truyền, khi kiểm tra cây cầu Long Thạnh tại Bạc Liêu, ông đã thông báo cho viên chủ tỉnh Lamothe Decajjiei cây cầu sắp sập. Để chứng minh, Lưu Văn Lang đã lấy búa gõ vào thành cầu, rồi bảo chủ tỉnh rằng một tháng nữa cây cầu này sẽ sập. Viên chủ tỉnh hết sức bất ngờ bởi cây cầu này do kỹ sư Pháp thiết kế, chỉ huy thi công và mới hoàn thành chỉ hơn một năm. Bởi thế mà viên chủ tỉnh bật cười, cho rằng ông nói điều nhảm rồi đuổi khéo ông về. Thế nhưng, không ngờ chỉ ba tuần sau, cây cầu bỗng dưng sập đổ. (Bây giờ người dân địa phương vẫn còn gọi cầu Long Thạnh là cầu Sập). Khi biết được cầu sập, viên chủ tỉnh vội vã mời Lưu Văn Lang đến dinh để xin lỗi, mong bỏ qua việc tắc trách và thái độ khinh khi lúc trước. Bác vật Lang đã yêu cầu viên chủ tỉnh xây dựng lại cây cầu mới đồng thời cho kiểm tra tất cả những cây cầu trong tỉnh.

Nể phục tài năng và đức độ của Bác vật Lang, viên chủ tỉnh đối đãi với ông rất hậu hĩnh và về sau trở thành nhà tài trợ tài chính cho Hội SAMIPIC.

Để nhắc nhở viên về giờ giấc công vụ, Bác vật Lang đã xây tặng viên quan đầu tỉnh đồng hồ Thái Dương, đặt trước sân dinh tỉnh trưởng (nay tọa lạc tại đường 30/4, TP. Bạc Liêu). Chiếc đồng hồ Thái Dương được Bác vật Lang xây dựng bằng gạch tàu, đặt cố định dựa theo tia chiếu mặt trời để xác định giờ trong ngày. Đồng hồ cao khoảng 1m, rộng 0,8m, mặt quay về phía Bắc, gồm ba phần. Phần giữa hình chữ nhật đứng, nhô ra phía trước; hai mặt hai bên xây hình vuông bằng gạch tàu, mỗi mặt khắc 6 chữ số La Mã theo hình vòng cung, biểu thị số giờ từ 1-6 và từ 7-12. Khi ánh nắng chiếu xuống phần hình chữ nhật tạo ra vệt sáng tối, con số nào nằm giữa hai vệt này là số giờ lúc ấy. Dãy phân cách vệt sáng - tối này xem như kim đồng hồ chỉ thời gian chính xác trong ngày.

Việc xây chiếc đồng hồ độc nhất vô nhị Đông Dương này, Lưu Văn Lang còn hàm ý phục vụ nhân dân địa phương. Thời điểm đó, chỉ có những bậc phú hào mới sở hữu đồng hồ. Người lao động luôn bị giới chủ ăn gian giờ làm việc. Có chiếc đồng hồ công cộng, người lao động được nghỉ ngơi đúng giờ giấc.

Ngày nay, mặt dù đã hơn trăm tuổi nhưng chiếc đồng hồ này vẫn hoạt động tốt, sai số chỉ tầm 5 phút. Năm 2006, đồng hồ Thái Dương được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Cùng với những công trình và giai thoại về ông được lưu dấu tại Nam bộ, Lưu Văn Lang còn là một trong những thành viên sáng lập Hội Khai trí Tiến Đức ở Hà Nội và Hội SAMIPIC ở Sài Gòn. Đây là hai tổ chức khuyến học với tôn chỉ là tài trợ, giúp đỡ học sinh nghèo Việt Nam có cơ hội đi du học để trở về giúp nước. Địa chỉ của Hội SAMIPIC được đặt tại đường Galliéni, Sài Gòn (nay là đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỹ sư Lưu Văn Lang: Sáng lập viên Công ty Tín dụng An Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO