Nhật Bản và Hy Lạp sẽ đẩy mạnh thu thuế du lịch?
Khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản ngày càng đông từ đầu năm 2024. Tháng 3 vừa qua, xứ mặt trời mọc đón lượng khách nhiều kỷ lục là 3,08 triệu. Đồng yên giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, làm cho khách du lịch nước ngoài cảm nhận mọi thứ đều rẻ không thể tin nổi, trong khi người Nhật đi ra ngoài thì gặp khó khăn.
Xu hướng trên khiến một số nhà quan sát so sánh Nhật Bản với Hy Lạp, quốc gia từ lâu được biết đến với khả năng thu hút du khách từ phần còn lại của châu Âu.
Hiện Nhật Bản và Hy Lạp cùng chứng kiến sự bùng nổ du lịch sau đại dịch, nhưng có sự khác biệt rõ rệt.
Hy Lạp phụ thuộc rất nhiều vào du lịch. Ngành này chiếm tới 20% tổng sản phẩm quốc nội. Đất nước với dân số 10,4 triệu người đã thu hút 36 triệu du khách vào năm 2023, với doanh thu đạt 22,1 tỷ USD.
Đối với Hy Lạp, thủ đô Athens và đặc biệt những hòn đảo ngập tràn ánh nắng của Địa Trung Hải, là những điểm thu hút hàng đầu, do đó quản lý nguồn nước và rác thải đặt ra vấn đề phức tạp.
Với Nhật Bản, du lịch chỉ chiếm 1 phần nhỏ tổng kinh tế quốc gia. Nhật Bản có bốn mùa, mỗi mùa có đặc trưng ẩm thực và lễ hội riêng.
Hy Lạp đơn giản chỉ có mùa du lịch cao và thấp.
Cả hai quốc gia đều có nhu cầu tăng thu thuế, để hỗ trợ các khu vực địa phương thiếu cơ sở hạ tầng du lịch.
Đảo Taketomi gần Đài Loan, là một trong những vùng cực nam của Nhật Bản, đã áp dụng thuế du lịch tự nguyện vào năm 2019, để huy động vốn cho cơ sở hạ tầng, sau khi lượng khách hàng năm lên tới 1 triệu. Nhưng chỉ khoảng 10% du khách trả số tiền 2 USD được yêu cầu. Năm nay, hòn đảo bắt đầu thu thuế du lịch bắt buộc 12 USD. Một số hòn đảo khác của Nhật Bản cũng áp dụng phí du lịch, đôi khi gộp chung với phí phà.
Trong khi đó, Hy Lạp vào tháng 1/2024 đã ban hành thuế môi trường thay cho thuế khách sạn trước đây. Trong mùa cao điểm, khách du lịch ở khách sạn 5 sao phải trả thêm 10,73 USD một đêm và 4,5 USD vào các thời điểm khác trong năm.
Hy Lạp đã áp đặt giới hạn du khách đối với ít nhất 25 địa điểm và di tích khảo cổ nổi tiếng. Hệ thống đặt chỗ giới hạn số lượt ghé thăm tàn tích Acropolis nổi tiếng ở thủ đô Athens, một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, với mức 20.000 lượt mỗi ngày.
Trong nhiều thập kỷ, Acropolis đại diện cho Hy Lạp trong các tài liệu quảng cáo du lịch được phân phát khắp thế giới, nhưng quốc gia này cũng là nơi có 17 địa điểm được UNESCO công nhận khác. Nhật Bản thì có tới 25 địa điểm. Nhiều di tích ở cả hai nước đều mỏng manh, có nguy cơ hư hỏng hoặc vỡ đổ do biến đổi khí hậu.
Tháng 2/2024, thành phố du lịch Kyoto có thị trưởng mới là ông Koji Matsui. Vị thị trưởng này ủng hộ đề xuất thu phí giao thông công cộng của du khách cao hơn người dân, tạo ra các tuyến xe bus du lịch đặc biệt, cũng như hạn chế ô tô ra vào thành phố.
Trên toàn quốc, Nhật Bản đang đẩy mạnh quảng bá các điểm đến ít người biết, cũng như khuyến khích khách du lịch đến thăm vào thời điểm không đông đúc. Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, nơi trưng bày hiện vật về vụ nổ bom nguyên tử trong thế chiến thứ hai, đã thiết lập hệ thống đặt chỗ vào tháng 2/2024, do thời gian chờ đợi quá lâu để vào cửa.