Phim Việt và xu hướng mượn ngoại binh

PHÚC NHƯ THỦY| 09/07/2016 06:22

Ở Việt Nam hiện nay không khó để tìm tiền đầu tư cho một bộ phim, cái khó là tìm kịch bản hay cùng ekip đạo diễn, dựng phim, kỹ thuật giỏi.

Phim Việt và xu hướng mượn ngoại binh

Có thể nói, ở Việt Nam hiện nay, không khó để tìm tiền đầu tư cho một bộ phim, cái khó là tìm kịch bản nay cùng ekip đạo diễn, dựng phim, kỹ thuật giỏi...

Đọc E-paper

Thị trường đang "nở nồi"

Theo Cục Điện ảnh Việt Nam, năm 2015 Việt Nam đặt chỉ tiêu sản xuất từ 25 - 30 phim điện ảnh, năm 2020 là 40 - 45 phim và năm 2030 là 55 - 60 phim. Nhưng trong năm 2015 đã có 40 bộ phim được sản xuất và phát hành, còn năm 2016 ước tính có gần 60 bộ phim mới - nghĩa là trung bình một tuần sẽ có một phim Việt được sản xuất hoặc phát hành. Cục Điện ảnh cũng cho biết, Việt Nam đang có khoảng 400 đơn vị có chức năng sản xuất phim.

Tuy phần lớn các nhà sản xuất và đầu tư thường giấu kinh phí thực tế, song ước tính trung bình để sản xuất một bộ phim thể loại tâm lý - xã hội hay kinh dị pha hài hước khoảng 5 - 7 tỷ đồng, thậm chí có phim chỉ tốn gần 2 tỷ đồng, số phim có kinh phí đầu tư cao như Lật mặt 2 - Phim trường (15 tỷ), Truy sát (20 tỷ), Em là bà nội của anh (15,5 tỷ), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (20 tỷ), Tấm Cám - Chuyện bây giờ mới kể! (20 tỷ) không nhiều.

Một bộ phim sẽ có vài ba công ty hoặc 5 - 10 cổ đông có tiền và có mối quan hệ với nhà sản xuất chính đều có thể tham gia. Nhưng điều đáng nói là số lượng phim Việt có chất lượng khá và tạo được dấu ấn trong công chúng trong năm 2015 và hiện nay quá ít, hầu hết là phim của các đạo diễn Việt kiều, hay có nhân lực nước ngoài tham gia.

Nhiều người từng cho rằng, cứ đổ xô làm phim kinh phí thấp, hài hước cộng với đà tăng trưởng “nóng” thì chỉ vài năm nữa phim điện ảnh sẽ “chết” như phim “mì ăn liền” của thập niên 1990. Sự lo lắng này là đúng nhưng với hiện nay thì điều đó sẽ khó xảy ra, khi hệ thống rạp hiện đại không ngừng được xây mới và nâng cấp, phủ rộng các tỉnh thành, mang đến lượng khán giả tăng đều mỗi năm, đồng thời nhà sản xuất còn mở rộng kênh phát hành ra nước ngoài và bán cho các đài truyền hình.

Bên cạnh số nhà đầu tư “ăn xổi” thì các công ty như Galaxy, BHD, Chánh Phương, TNA Entertainments... rất ý thức xây dựng thương hiệu bằng các bộ phim có chất lượng tốt. Mặt khác, hiện nay “gu” thưởng thức của khán giả ngày càng cao sẽ định hướng cho người làm phim.

Sau thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em là bà nội của anh, 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy... năm 2016 dự báo sẽ là sự “lên ngôi” của những bộ phim có chất lượng và được khán giả đón nhận.

Hợp tác nâng chất lượng

Sự cạnh tranh của thị trường điện ảnh hiện nay khiến các nhà sản xuất và đầu tư phải tính toán một cách kỹ càng. Nhân lực thiếu thốn ở trong nước khiến cho nhiều nhà sản xuất đã mạnh dạn tìm kiếm sự hợp tác từ nước ngoài. Vì với ekip chuyên nghiệp trong nước cộng với sự hợp tác của những nhà làm phim nước ngoài có kinh nghiệm sẽ là sự đảm bảo thành công cho bộ phim.

Chưa kể các công ty như BHD, Galaxy, Chánh Phương hay TNA Entertainments, Blue Production... đều nhắm đến thị trường nước ngoài trong việc phát hành hoặc tham dự liên hoan phim nên việc mời “ngoại binh” giỏi là lựa chọn tối ưu.

“Việc hợp tác này sẽ giúp điện ảnh Việt Nam tiến gần đến quỹ đạo phát triển chung của điện ảnh thế giới”, Ngô Thanh Vân - nhà sản xuất và đạo diễn phim Tấm Cám - Chuyện bây giờ mới kể! từng nhận định.

Tất nhiên việc tìm kiếm người tin cậy để giao trọng trách này cũng được tính toán rất kỹ. Ví như ekip phim Truy sát mời Trung Lý - một chuyên gia chỉ đạo võ thuật xuất sắc nhất của điện ảnh Úc, từng giành được nhiều giải thưởng danh giá qua các phim của Hollywood và Ross Clarkson - nhà quay phim có hơn 20 năm kinh nghiệm làm phim hành động ở Mỹ và Hong Kong.

Ekip phim Tấm Cám - chuyện bây giờ mới kể! mời Aaron Toronto - một đạo diễn và biên kịch Mỹ, từng làm phó đạo diễn các phim điện ảnh như Chuyện tình xa xứ, Để Mai tính, Sài Gòn yo!, Trúng số... do Chánh Phương Film sản xuất trước đây.

Bộ phim Vệ sĩ Sài Gòn (tựa tiếng Anh là Saigon bodyguard) có đạo diễn là người Nhật Bản - ông Ken Ochiai (từng đạo diễn các phim Tiger Mask, Uzumasa Limelight) và nhà sản xuất là Niv Fichman của Hãng phim Rhombus Media.

Phim I am wanted có kinh phí đầu tư 85 tỷ đồng của TNA Entertainments mời Beata Gardeler - nữ đạo diễn người Thụy Điển.

“Gần đây không khó để bắt gặp những cái tên nước ngoài trong ekip đoàn phim với các chức danh đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, kỹ xảo, dựng phim... góp phần giúp nâng cao chất lượng phim Việt Nam”, bà Ngô Thị Bích Hiền (Công ty BHD) cho biết.

Không chỉ mời các chuyên gia độc lập mà điện ảnh Việt Nam còn hướng tới sự hợp tác “đôi bên cùng có lợi” với các công ty nước ngoài, như các phim Em là bà nội của anh (HK Film và CJ E&M), Truy sát (TNA Entertainments và CJ E&M). Việt Nam còn hợp tác sản xuất và phát hành phim với Trung Quốc, Thái Lan, Hong Kong, Malaysia.

“Để có được những sự hợp tác quy mô lớn, doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam rất cần đến các hội thảo, diễn đàn như Mạng lưới phát triển điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc năm 2016 để làm cầu nối giao lưu, trao đổi qua lại”- bà Vũ Thị Bích Liên (Công ty Golden Screen) chia sẻ.

Tuy là sản phẩm văn hóa, song như nhiều ngành công nghiệp kinh doanh khác, điện ảnh cũng rất cần sự xúc tiến đầu tư thương mại, hợp tác, trao đổi nhân lực, kỹ thuật để có được những bộ phim chất lượng cao không chỉ được đón nhận trong nước mà cả thị trường các nước.

Năm 2016 này, việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ một số loại giấy phép con sẽ giúp các công ty điện ảnh và nhân lực nước ngoài vào Việt Nam thuận lợi hơn rất nhiều. Như thế, không những làm tăng chất lượng cho những bộ phim Việt khi được đầu tư kinh phí xứng đáng, mà chắc chắn những ekip làm phim trong nước sẽ học tập được công nghệ và những kỹ xảo điện ảnh hiện đại.

>Điện ảnh Việt Nam và giấc mơ xuất ngoại

>Thị trường điện ảnh: Cuộc chiến giữa các vị... phát hành

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phim Việt và xu hướng mượn ngoại binh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO