TP.HCM - Thành phố của sự kiện

Khánh Hưng - Lữ Ý Nhi| 25/04/2024 12:35

Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ quận 1 tổ chức ngày 9/4/2024, Phó bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo: “TP.HCM sẽ tổ chức mỗi tháng một chuỗi sự kiện kéo dài từ một tuần đến hai tuần. Như vậy, suốt năm TP.HCM sẽ là thành phố của sự kiện”.

hinh-bai-chuyen-defix.jpg
1(2).jpg

Với nhiều hoạt động, sự kiện nổi bật được tổ chức tại TP.HCM những năm qua, đặc biệt là trong hai năm sau dịch Covid -19 (2022-2023) như Lễ hội Áo dài, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò Dô, Ngày hội du lịch, Giải Marathon TP.HCM, Lễ hội Bánh mì, Liên hoan Phim quốc tế TP.HCM (HIFF), Diễn đàn và Triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á năm 2024… cho thấy, TP.HCM đã định vị được thương hiệu trong việc tổ chức thành công các sự kiện lễ hội, văn hóa tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Điều đáng nói là hiệu quả thu được từ các sự kiện. Không chỉ thu hút số lượng lớn khách tham gia mà còn mang lại nguồn thu, góp phần tăng trưởng kinh tế cho địa phương và doanh nghiệp. Đơn cử, sự kiện Liên hoan Phim quốc tế TP.HCM 2024 (HIFF) đã thu hút hơn 200 khách quốc tế từ các nền điện ảnh lớn trên thế giới như Pháp, Thuỵ Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc và 250.000 khách đến tham dự... Hay các giải chạy quốc tế như Giải Marathon Quốc tế TP.HCM Techcombank ghi nhận con số kỷ lục với hơn 15.000 vận động viên từ 91 quốc gia tham gia giải, sự kiện Hò Dô 2023 thu hút hơn 150.000 người; Sự kiện Ngày hội Du lịch TP.HCM có trên 100 gian hàng du lịch và ẩm thực đã thu hút có 160.000 lượt khách tham quan, mua sắm; Lễ hội Áo dài tổ chức vào tháng 3/2024 cũng đã đón 480.000 lượt khách quốc tế, hơn 2,9 triệu lượt khách nội địa. Lễ hội Tết Việt 2024 đã thu hút hơn 90.000 lượt khách tham quan.

5.jpg

Hoạt động sự kiện còn mang lại doanh thu rất lớn, kích cầu du lịch và các ngành dịch vụ, sản phẩm đi kèm. Chỉ tính các suất chiếu phim tại HIFF 2024 đã thu hút hơn 20.000 khán giả.

Hay sự kiện Lễ hội sông nước 2023 cũng đã mang lại công suất phòng nghỉ tại TP.HCM tăng 20%, các dịch vụ nhà hàng cũng đạt công suất 100%, doanh thu tăng 23%, lượng khách du lịch đi tour du lịch đường thủy ăn theo sự kiện cũng tăng 15%, các tuyến nội đô tăng đến 50%.

Ông Nguyễn Khoa Luân - Tổng giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop On - Hop Off Việt Nam cũng chia sẻ: “Chỉ với dịch vụ 'bán cái nắng, cái gió' (vốn là lợi thế của TP.HCM cho du khách Tây đến từ xứ sở chỉ có 20 ngày nắng nên thích thú với cái nắng vùng nhiệt đới), dịch vụ tham quan Thành phố trên xe buýt 2 tầng của Công ty đã có được doanh thu khả quan”.

3(1).jpg

Như vậy, việc tổ chức sự kiện đang được xem là mục tiêu lớn mà Thành phố hướng đến, không chỉ là sự kiện giải trí, văn hóa đơn thuần hay nhằm mục đích thu hút khách du lịch mà đây chính là cách làm “kinh tế sự kiện” theo cách mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, du lịch, mang lại doanh thu đáng kể cho các doanh nghiệp địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế cho Thành phố.

4(2).jpg

LỢI THẾ VĂN HOÁ, ẨM THỰC ĐỘC ĐÁO VÀ RIÊNG

Ông Ngô Minh Đức - Chủ tịch HG Holding cho rằng, lợi thế của TP.HCM là trung tâm của khu vực Đông Nam Á, du khách không mất quá nhiều thời gian để tiếp cận các sự kiện của Thành phố. Thêm vào đó, Thành phố đang là điểm đến mới được các công ty du lịch quốc tế lựa chọn.

19.jpg

Là đơn vị vừa tổ chức thành công sự kiện HIFF 2024, ông Phạm Minh Toàn - Chủ tịch Time Universal, Giám đốc Công ty VietFest cho biết, nhiều khán giả quốc tế và cả trong nước đến sự kiện này chia sẻ, lần đầu tiên họ được trải nghiệm xem phim tại CinePark Thủ Thiêm - rạp chiếu phim ngoài trời đã cho họ cảm giác rất thú vị và mong muốn sẽ được trải nghiệm lần nữa. Từ đó cho thấy, nếu sự kiện tổ chức đủ hay, đủ thu hút và mang lại cho du khách sự trải nghiệm mới mẻ, bất ngờ thì sẽ có khách đến và đến nhiều lần sau.

6(2).jpg

Ông Phạm Văn Tuyền - Thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Áo dài TP.HCM cũng khẳng định, văn hoá truyền thống chính là niềm tự hào, là lợi thế rất lớn của TP.HCM để thu hút khách du lịch đến với các sự kiện của Thành phố. “Chúng ta không thiếu những câu chuyện văn hóa để kể, mà khách du lịch lại thích nghe nên hãy phát huy các lợi thế này để lôi cuốn du khách đến với Thành phố. Tôi đã tiếp đón nhiều chính khách, nhà khoa học… đến TP.HCM tham dự những sự kiện lớn và nhận ra, họ yêu văn hoá Việt, yêu tà áo dài Việt Nam một cách “khủng khiếp”, vừa bước xuống máy bay, điều đầu tiên họ làm là đến mua một chiếc áo dài để mặc trong sự kiện”, ông Tuyền nói.

Nói về lợi thế ẩm thực Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM tự hào khẳng định, văn hoá ẩm thực của Việt Nam và TP.HCM đã “ghi danh” trên bản đồ thế giới nhờ sự đa dạng, phong phú, hấp dẫn, thu hút bạn bè quốc tế.

7(1).jpg

CƠ SỞ HẠ TẦNG ĐÃ SẴN SÀNG

TP.HCM đang dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng cấp quốc gia, giao thông, khu văn hóa, khu thể thao… đáp ứng được nhu cầu của các sự kiện lớn tầm cỡ quốc tế. Ông Nguyễn Thanh Đảo - Chủ tịch Hội quảng cáo TP.HCM thông tin, các trung tâm tổ chức sự kiện lớn như Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC), Trung tâm Triển lãm Hội nghị Quốc tế Sky Expo (SSEC), Nhà Thi đấu Phú Thọ… có khả năng đáp ứng nhiều sự kiện, triển lãm quy mô lớn với 1.000 - 2.000 gian hàng, sức chứa hơn 20.000 người tham quan, mang lại nguồn lợi lớn cho Thành phố.

Với lợi thế nằm ở trung tâm, trái tim của Thành phố, bà Đỗ Thị Ánh Tuyết - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận 1 nói: “Sau khi tuyến Metro số 1 đi vào hoạt động, với lợi thế có Công viên Bến Bạch Đằng - Phố đi bộ Nguyễn Huệ - Phố “sự kiện” Lê Lợi - Chợ Bến Thành - Công viên 23/9 - Phố Bùi Viện, quận 1 sẽ đẩy mạnh kết nối chuỗi điểm đến sự kiện tại các khu vực này để thu hút khách, tăng nguồn thu kinh tế cho địa phương và các doanh nghiệp, người dân.”

Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được xem là chiếc “chìa khoá” mới, mở ra nhiều cơ hội đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với lĩnh vực thể thao và văn hóa, thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay. Hồ sơ, thủ tục cấp phép tổ chức các sự kiện cũng phần nào đơn giản hóa nhờ cơ chế phân cấp, phân quyền.

fix.jpg
9.jpg

ĐẦU TƯ CHUYÊN SÂU

Ông Phạm Văn Tuyền cho rằng: “Nhiều sự kiện vừa qua tổ chức rất quy mô, hoành tráng nhưng du khách vẫn chỉ đơn thuần là “xem”, còn thiếu sự trải nghiệm, như thế ấn tượng của du khách về sự kiện cũng chưa sâu sắc. Ví dụ, khi tham gia Ngày hội du lịch châu Á tại Đài Loan (Trung Quốc), trong đó có gian trưng bày của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Họ không những giới thiệu về văn hóa truyền thống, ẩm thực, âm nhạc… của Việt Nam, mà còn có những hoạt động trải nghiệm hiện đại, dựa trên các nét đặc trưng của đất nước con người Việt Nam.

10(1).jpg

Minh chứng cho sự chưa thực chất, ông Sơn nêu, thực tế đã có một sự kiện rất lớn ở Bình Dương đã phải huy động số lượng lớn sinh viên đến để “phòng khi” không đủ số lượng người tham gia. Không biết còn bao nhiêu cách làm như vậy để chạy theo “bề nổi” sự kiện.

Theo ông Tuyền muốn sự kiện lan tỏa thực chất và tạo hiệu ứng thì mỗi chúng ta phải là “đại sứ”.

11(1).jpg

Trả lời câu hỏi: “Sau các sự kiện đã tổ chức, các con số báo cáo về quy mô, lượng khách tham quan, doanh thu… liệu có phản ánh đúng giá trị, ý nghĩa mà các sự kiện đã mang lại, đã tạo được dấu ấn riêng, khiến khách du lịch “nhớ” và mong đợi các mùa tiếp theo hay chưa?”, ông Phạm Văn Tuyền cho rằng: “Vẫn còn “bề nổi” mang tính sự kiện.

“Xây dựng được những sự kiện mang thương hiệu riêng, để nhắc nhớ về TP.HCM là yếu tố quan trọng để Thành phố có thể tiên phong đi đầu”, bà Phan Yến Ly - Chuyên gia xây dựng sản phẩm du lịch khẳng định. Bà cho biết thêm, Đồng Tháp đã tổ chức các sự kiện Lễ hội Sen lần thứ nhất (năm 2022), Lễ hội Cá tra lần thứ nhất tổ chức tại huyện Hồng Ngự rất thành công, không chỉ thu hút nhiều nhà đầu tư vào ngành sen - một sản phẩm đặc thù và có tiềm năng kinh tế lớn của tỉnh hay giúp thay đổi suy nghĩ về loài cá tra - loài cá từng bị “bôi xấu” mà quan trọng là thay đổi tư duy và cảm nhận của du khách Tây, họ “mê tít” hai loại sản phẩm này và thích thú trải nghiệm. Và món ăn cá tra đã trở thành món ăn và mang về doanh thu tỷ đô cho khách Tây và xuất khẩu.

LỘ TRÌNH DÀI QUẢNG BÁ

12(1).jpg

"Ở Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Quảng Châu (Trung Quốc)… cứ đến một mùa trong năm họ lại ồ ạt sự kiện du lịch “săn sale”. Orchard Road - đại lộ mua sắm nổi tiếng châu Á, thường xuyên ghi nhận có khoảng hơn 7 triệu khách du lịch đến tham quan và mua sắm mỗi năm. Ngoài việc Chính phủ nước này cung cấp các chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và cơ sở bán lẻ để tổ chức các sự kiện và chương trình khuyến mãi đặc biệt, còn là các giải pháp trực tiếp như linh hoạt hóa thủ tục xin visa, giảm phí hoặc miễn phí visa, kéo dài thời hạn visa nhằm thu hút du khách quốc tế", ông Luân dẫn chứng thêm.

Với mỗi sự kiện, sự lan tỏa thông tin, thông điệp mới là quan trọng. Thế nhưng, thời gian dành cho khâu quảng bá các sự kiện thời gian qua của chúng ta vô cùng gấp gáp, thời gian thông báo đến các doanh nghiệp có liên quan để xây dựng kế hoạch đón khách rất ngắn, không kịp để các doanh nghiệp kịp “trở tay”.

Phân tích nguyên nhân một số sự kiện còn phải “chữa cháy” vì vắng khách, ông Đảo nhận định, nguyên nhân là do chưa có chiến lược quảng bá lan tỏa rộng rãi đến bạn bè quốc tế, thậm chí ngay cả nhiều người dân trong nước, các tỉnh thành cũng chưa biết, các doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực liên quan cũng không hề biết có sự kiện diễn ra. “Vậy khâu quảng bá của chúng ta ở đâu? Đã làm thật sự hay chỉ dừng lại ở việc thông báo trên các website của đơn vị tổ chức?”, ông Đảo đặt câu hỏi thay cho sự khẳng định cần phải có chiến lược và thời gian quảng bá, sự liên kết giữa các ngành, các cơ quan chặt chẽ hơn. Thêm vào đó, để xin cấp phép làm quảng cáo cho một lĩnh vực mới còn nhiều khó khăn về thủ tục. Khi quảng bá được rồi, thì lại thiếu đi những công cụ trên online để khách du lịch có thể đặt dịch vụ”.

Ông Luân minh chứng thêm: “Trong các sự kiện giao thương, xúc tiến thương mại, chúng tôi rất muốn mời bạn hàng quốc tế tham gia cùng, nhưng cho họ khoảng thời gian quá ngắn nên họ đều từ chối. Họ cần ít nhất là từ một năm để chuẩn bị, chứ không phải là vài tuần trước khi diễn ra”.

Đồng quan điểm với ông Luân, bà Phan Yến Ly cho rằng, những lễ hội văn hoá lớn như Lễ hội “Trên bến dưới thuyền”, Lễ hội sông nước… đều mang đậm bản sắc của Thành phố, tiềm năng xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo là có, nhưng chưa có nhiều khách quốc tế tham gia vì quá gấp gáp.

13(1).jpg

Dù đang trong quá trình hoàn thiện nhưng trước mắt, các sự kiện lớn tại TP.HCM đang gặp trở ngại do hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng. Tại châu Á, Singapore Marathon thu hút mỗi năm 50.000 vận động viên dự thi, hay như Tokyo Marathon, luôn có những yêu cầu khắt khe về cơ sở hạ tầng giao thông tại nơi tổ chức.

Về vấn đề thủ tục pháp lý, ông Nguyễn Khoa Luân phản ánh thêm, vẫn còn cơ chế “xin - cho”. Từ khi chuẩn bị giấy tờ cho đến khi được cấp phép làm sự kiện là chặng đường “gian nan” với đơn vị tổ chức, đặc biệt là sự kiện có yếu tố quốc tế. Có góc nhìn khác với ông Luân về vấn đề này, ông Phạm Minh Toàn cho rằng, việc xin cấp phép vừa khó, mà cũng vừa… rất dễ. Khó ở chỗ đơn vị tổ chức phải xác định đúng cơ quan chịu trách nhiệm xử lý hồ sơ liên quan đến sự kiện của mình, để tránh phải đi lại “lòng vòng” vì không đúng nơi có thẩm quyền.

Ngoài ra, các sự kiện có yếu tố quốc tế cũng cần sự phối hợp của các cơ quan như Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Công Thương, Sở Ngoại vụ… “Với các sự kiện đã có tiền lệ, tổ chức đã thành công, việc xin giấy phép sẽ dễ dàng hơn so với những sự kiện mới chưa từng diễn ra, cần phải qua xét duyệt và thẩm định của nhiều cơ quan.

14.jpg

Theo ông Toàn, điều này giúp cho các đơn vị tổ chức phối hợp nhịp nhàng với các doanh nghiệp, xây dựng sản phẩm du lịch và quảng bá. Còn góc độ khách tham quan, nhất là khách quốc tế, họ cũng cần có kế hoạch cho chuyến đi của mình.

Ví dụ như ễ hội Té nước Songkran, hàng năm Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đều đưa ra các kế hoạch tổ chức từ rất sớm. Cuối năm 2023, nước này đã công bố các chương trình hấp dẫn để thu hút khách như xả các trạm thu phí trên cao tốc; mở thêm quầy nhập cảnh tại sân bay; đặc biệt, giá vé máy bay đồng loạt giảm và giá khách sạn cũng không tăng nhằm kích cầu khách quốc tế. Các công ty lữ hành lớn như Best Price, Flamingo Redtour… thông tin rằng đã bán gần hết tour đi Bangkok chơi Songkran từ một tháng trước lễ hội.

Định hướng TP.HCM là trung tâm sự kiện sẽ giúp Thành phố tập trung nguồn lực xây dựng những chương trình có tầm vóc thực sự thay cho những sự kiện ngắn hạn. Các khách mời cho hay, hiện nay chủ yếu các sự kiện vẫn là chúng ta “tự chơi cùng nhau”, khách tại chỗ nhiều, khách quốc tế không hay biết. Các sự kiện đặc trưng như Lễ hội Sông nước, Lễ hội Áo dài, Lễ hội Âm nhạc quốc tế… cần được nâng tầm quốc tế, đưa vào kế hoạch phát triển quốc gia. Muốn thế, bà Yến Ly đề xuất TP.HCM cần có định hướng và đảm bảo các cấp, ngành hiểu rõ khái niệm “thành phố sự kiện” theo tiêu chuẩn quốc tế, quan tâm đến cả “chất” thay vì chỉ “lượng”.

15(1).jpg

Hạn chế về cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ cho các sự kiện lớn không thể hoàn thiện trong “một sớm một chiều”, nhưng ngược lại, ta có thế mạnh về mạng lưới nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở các quận, huyện. Ông Mai Thanh Sơn đề xuất xây dựng chuỗi sự kiện quy mô nhỏ và vừa, phục vụ linh hoạt các đối tượng. Có chính sách khuyến khích các sự kiện văn hóa, thể thao… phát triển từ quy mô “tế bào” (các gia đình, các phường xã), từ đó hình thành cộng đồng văn hoá sự kiện với quy mô lớn hơn. Cũng có những nhận định tương tự, bà Đỗ Thị Ánh Tuyết cho rằng, những sự kiện quy mô lớn đã tổ chức thành công tại quận 1 cũng nên được lan toả, nhân rộng mô hình đến các quận, huyện khác trong Thành phố, để tạo ra sự cộng hưởng lớn trong câu chuyện truyền thông, quảng bá.

Để những sự kiện tầm cỡ quốc tế huy động được thế mạnh từ các hiệp hội, câu lạc bộ, doanh nghiệp… rất cần chính sách và cầu nối từ Thành phố, nhằm thắt chặt sợi dây liên kết. Muốn thế, ông Phạm Minh Toàn đề xuất áp dụng mô hình mà nhiều thành phố lớn trên thế giới đang thực hiện, là thành lập cơ quan chuyên trách chung về các hoạt động sự kiện, lễ hội. Cơ quan này có chức năng xây dựng kế hoạch, thực hiện kết nối các hiệp hội, doanh nghiệp thậm chí cá nhân có ý tưởng hay, có nguồn lực tốt.

Đề xuất các giải pháp nhằm quảng bá các sự kiện ra quốc tế, thay vì làm “manh mún”, gấp gáp thông qua một vài phương thức truyền thống như hiện tại, ông Đảo cho rằng cần chủ trương “thông thoáng” từ Thành phố cùng với việc lên kế hoạch liên ngành, liên cơ quan. Khi có chủ trương cho một sự kiện quan trọng, các đơn vị sẵn sàng hỗ trợ quảng bá thông qua mạng lưới các nền tảng đang có. Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan báo chí chính thống, các trang thông tin điện tử nội bộ, các doanh nghiệp quảng cáo… Thành phố cũng cần đẩy mạnh quảng bá thông qua các nền tảng số, nhất là trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển; tổ chức các buổi xúc tiến, giao lưu, giới thiệu thông qua Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài…

Hơn hết, cần sự chung tay của mỗi người dân Thành phố trong việc quảng bá, lan toả hình ảnh điểm đến của sự kiện tới bạn bè quốc tế. “Họ sẽ là đại sứ truyền tải tình yêu văn hoá truyền thống đến bạn bè quốc tế, đơn giản như việc mặc áo dài vào các dịp quan trọng, chọn lựa áo dài làm món quà cho bạn bè quốc tế, hưởng ứng có chiều sâu các hoạt động liên quan đến văn hoá Việt”, ông Phạm Văn Tuyền đề xuất.

16(1).jpg
17(1).jpg
18.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM - Thành phố của sự kiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO