Để TP.HCM trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe Khu vực ASEAN
Năm 2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo, ngành y tế TP.HCM phải định hình phát triển thành trung tâm y tế chuyên sâu và là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN. Nhưng, để phát triển xứng với tiềm năng, loại hình du lịch này vẫn tồn tại nhiều bất cập cần được cải thiện.
Sau 5 năm (2017-2023) Sở Y tế và Sở Du lịch TP.HCM triển khai sản phẩm du lịch y tế trên địa bàn TP.HCM đã đạt con số khả quan, nhu cầu du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam của khách quốc tế cũng tăng cao. Năm 2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe là một trong những mục tiêu lớn không chỉ của ngành y tế TP.HCM mà còn của ngành du lịch và các đơn vị lữ hành. Ngành y tế TP.HCM phải định hình phát triển thành trung tâm y tế chuyên sâu và là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN. Nhưng, để phát triển xứng với tiềm năng, loại hình du lịch này vẫn tồn tại nhiều bất cập cần được cải thiện. Tại tọa đàm bàn tròn do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức ngày 20/3, các doanh nhân trong lĩnh vực y tế, du lịch đã chia sẻ ý kiến, phân tích thực trạng và đóng góp cách làm để cùng thực hiện mục tiêu mà Chủ tịch Thành phố đặt ra.
1. Nắm nhanh lợi thế không dễ có
Với số lượng bệnh viện từ tuyến Thành phố tới quận huyện nhiều hơn các tỉnh thành khác, cộng với số lượng các bệnh viện quốc tế, tư nhân, trung tâm thẩm mỹ, nha khoa, chăm sóc sức khỏe… cũng đông đảo, có cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, một số ít bệnh viện lớn tại TP.HCM cũng đã áp dụng tiêu chuẩn JCI (tiêu chuẩn cam kết về an toàn và chất lượng trong chăm sóc bệnh nhân, cải thiện hiệu quả điều trị cho bệnh nhân, quản trị bệnh viện) và các tiêu chuẩn Mỹ trong thiết kế và xây dựng, khám và điều trị, quản lý và vận hành, TP.HCM được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch kết hợp y tế.
Ông Trương Vĩnh Long - Giám đốc Bệnh viện Gia An 115 khẳng định: “Muốn thực hiện mục tiêu đưa TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN thì ngay bây giờ, hệ thống y tế phải ngay lập tức tiếp cận với các tiêu chuẩn thế giới, điển hình là tiêu chuẩn JCI của Mỹ. Làm được điều đó, các bệnh viện mới được thực sự công nhận, mới tạo được uy tín thương hiệu với khách hàng quốc tế.
Đặc biệt, ngành y tế Việt Nam gần đây có rất nhiều thành tựu được quốc tế công nhận, dần tiến đến tiệm cận với sự phát triển của y học thế giới.
Cũng theo ông Long, hiện nay trình độ tay nghề của y, bác sĩ Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng không thua kém bất kỳ một nền y tế phát triển nào. Người bệnh đến với Việt Nam còn được trải nghiệm dịch vụ y tế với mức giá cạnh tranh so với việc tới các quốc gia khác. Theo thống kê của Tạp chí International Living (Úc), chi phí làm răng tại Việt Nam thấp hơn một số quốc gia như Mỹ, Canada, Úc từ 6-10 lần. Còn so với một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia thì chi phí làm răng ở Việt Nam cũng rẻ hơn từ 30-50%. Dù chi phí rẻ, nhưng tại Việt Nam, chất lượng tay nghề của các nha sĩ cũng như việc đầu tư trang thiết bị, máy móc chữa trị cũng không thua kém so với bất kỳ quốc gia có nền nha khoa tiên tiến nào. Năm 2018, International Living đã bình chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia hàng đầu Đông Nam Á được du khách Úc ưa chuộng vì có dịch vụ nha khoa chất lượng cao và chi phí thấp.
Ông Đỗ Xuân Trường - Chủ tịch Công ty TNHH Thẩm mỹ Xuân Trường ước tính, doanh thu khách nước ngoài và Việt kiều đến Xuân Trường trong những năm gần đây chiếm khoảng 60%. Ông Nguyễn Dũng - Tổng giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Sài Gòn và Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng - ông Hoàng Long đều chung tỷ lệ 60-70% lượng khách là Việt kiều đi du lịch, về thăm quê hương kết hợp làm răng thẩm mỹ và chữa bệnh tại các bệnh viện này.
Nắm bắt nhu cầu về Việt Nam làm đẹp kết hợp thăm quê hương, bà con Việt kiều ngày càng nhiều, nhất là chi tiêu của khách hàng nước ngoài cao trung bình 1,5 lần so với khách trong nước, Tổng giám đốc Bệnh viện JW Hàn Quốc, TS-BS. Nguyễn Phan Tú Dung cũng cho biết: “Từ năm 2012, JW Hàn Quốc đã hướng mục tiêu đến khách hàng này nên phát triển nhiều dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ kỹ thuật cao mà trước đây khách hàng phải ra nước ngoài để làm, đặc biệt là đầu tư quảng bá mạnh tại Mỹ, Úc, các nước châu Âu, mở văn phòng đại hiện tại California Mỹ để quảng bá, tư vấn cho khách về Việt Nam làm đẹp và điều trị. Chính việc này tạo niềm tin cho khách hàng từ Mỹ, giúp chúng tôi có nhiều khách chọn JW tại Việt Nam thay vì sang tận Hàn Quốc. Bệnh viện cũng có chương trình chăm sóc từ khi đặt chân xuống sân bay và đưa đón tận nơi, có phòng lưu trú đến khi khách xuất viện. Năm 2023 Bệnh viện đã đón 1.000 khách Việt kiều và 100 khách quốc tế. Ba tháng đầu năm 2024, đã có 300 Việt kiều đến JW Hàn Quốc.
Bệnh viện Quốc tế City cũng cho hay, chỉ từ tháng 1-6/2023, lượng bệnh nhân nước ngoài đến khám và điều trị tại bệnh viện khoảng 14.700. Chủ yếu khách từ Trung Quốc, Campuchia và Mỹ. Hay như Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, từ tháng 6/2023 đến nay, Viện đã phục vụ gần 200 khách quốc tế đến trải nghiệm các dịch vụ du lịch y tế.
Tuy nhiên, về phía công ty du lịch, bà Phạm Phương Anh - Phó tổng gíam đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt cho biết: “Lượng khách nước ngoài về Việt Nam khám chữa bệnh thông qua các công ty du lịch không nhiều, chủ yếu là tự túc. Đơn cử, số lượng khách theo tour du lịch y tế của Công ty du lịch Việt chưa nhiều, thậm chí có xu hướng không tăng thêm trong năm nay. Ngược lại, trong suốt năm 2023 và trước đó, chúng tôi có doanh thu lớn đến từ việc đưa người Việt ra nước ngoài khám chữa bệnh”.
Bà Phan Yến Ly - Cố vấn sản phẩm Công ty CCC Travel (Chim Cánh Cụt) cũng chung ý kiến, bà cho biết: “Thời gian vừa qua, việc phát triển sản phẩm du lịch y tế của công ty cũng chưa đạt được như kỳ vọng so với tiềm năng rất lớn đến từ thị trường. Hiện, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành khó tiếp cận với nhóm khách vừa muốn du lịch, vừa muốn khám, chữa bệnh. Nếu có bệnh, người ta sẽ tìm hiểu kỹ về thế mạnh của từng bệnh viện và chủ động tìm đến bệnh viện chữa trị.
2. Thiếu đồng hành, còn bất cập
Dù 5 năm qua, Sở Du lịch và Sở Y tế TP.HCM ký kết triển khai phát triển sản phẩm du lịch y tế và có nhiều hoạt động xúc tiến, triển khai nhưng trên thực tế, sản phẩm du lịch y tế vẫn chưa có hành động đủ lớn mang tầm chiến lược quốc gia hoặc ngay cả phạm vi TP.HCM cũng chưa tạo sức hút. Các doanh nghiệp y tế và du lịch vẫn hoạt động manh mún và đang “chật vật” tìm nhau và chưa có tiếng nói đồng hành vì việc kết hợp hai lĩnh vực này với nhau gặp không ít khó khăn, chưa có sự đồng điệu trong quá trình hợp tác. Ngành du lịch muốn bệnh viện ưu tiên phục vụ du khách nhưng ngành y tế lại xem mọi bệnh nhân như nhau. Ngoài ra, nhiều khách quốc tế muốn áp dụng bảo hiểm y tế quốc tế khi khám, chữa bệnh ở Việt Nam nhưng các bệnh viện ở Việt Nam vẫn còn xa lạ với các loại bảo hiểm có tính quốc tế.
Ông Đỗ Xuân Trường cho rằng, có một thực tế là hiện nay, số lượng rất đông doanh nhân, người giàu, thu nhập cao đang sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đến cả vài tỷ đồng để ra nước ngoài làm dịch vụ tế bào gốc hoặc chữa bệnh. Trong khi đó, ngành y tế và tế bào gốc của Việt Nam không thua thế giới, chi phí lại thấp hơn. Vậy nên, chúng ta phải nhanh chóng tìm xem vì sao du lịch y tế Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế nhưng chưa thu hút nhiều khách trong và ngoài nước.
Lý giải thực tế, bà Yến Ly cho rằng, hai ngành y tế và du lịch có quá nhiều khác biệt, không những thế, thời gian qua, y tế và du lịch ít sự liên kết để thấu hiểu lẫn nhau. Phục vụ cho đối tượng khách du lịch y tế, nhân sự của ngành du lịch cũng cần đòi hỏi những kỹ năng và thái độ riêng biệt. Nguồn nhân lực thông thạo về ngôn ngữ chuyên ngành y tế (nhân sự cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, y bác sĩ…) chưa đáp ứng được nhu cầu. Song song, nhân sự ngành y tế cũng cần cập nhật bằng cấp, chứng chỉ có hiệu lực quốc tế. Khả năng ngoại ngữ để giao tiếp với bệnh nhân nước ngoài cũng là một hạn chế cần cải thiện để có thể đón được lượng khách du lịch y tế.
Cơ sở vật chất của các bệnh viện có nhiều thay đổi tích cực hơn so với vài năm trước đây, nhưng nhìn chung vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của lượng lớn du khách. Các bệnh viện lớn ở TP.HCM thường quá tải, khó phục vụ du khách đi theo đoàn. “Chúng tôi làm sao dám bán tour khi mà chưa mở ra bán thì các bệnh viện đã quá tải, không sắp xếp được nhân sự, cơ sở vật chất đáp ứng cho thị trường đòi hỏi tính liên tục”, bà Ly trăn trở.
Một bất cập nữa là việc thanh toán viện phí khám chữa bệnh đối với khách du lịch quốc tế mua bảo hiểm tại một số công ty bảo hiểm toàn cầu chưa được thuận lợi khi du khách sử dụng dịch vụ.
Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt nhận định, vấn đề giá cả cũng là một trong những trở ngại lớn. Việc định giá hiện vẫn đang thiếu sự quản lý của Nhà nước. Các chương trình du lịch phải có giá hấp dẫn để san sẻ lợi nhuận cho các bên liên quan. Hoặc bệnh viện xây dựng sản phẩm dành riêng cho du lịch để các đơn vị lữ hành dựa vào đó mà xây dựng tour phù hợp. Bên cạnh đó, các quy định về quản lý tài chính ở đơn vị Nhà nước, các bệnh viện công không thể linh động về giá, không dám chia lại lợi nhuận cho các công ty du lịch đưa khách đến. Trong khi đó, chi phí để quảng bá các sản phẩm du lịch là lớn.
Bà Ly nhấn mạnh thêm: “Khi du khách đi qua công ty du lịch, họ phải có những lợi thế gì về giá cả so với việc họ tự tìm thẳng đến bác sĩ và bệnh viện tại Việt Nam thì họ mới tìm đến công ty du lịch nhưng như đã nói, các doanh nghiệp du lịch và y tế vẫn chưa kết hợp được với nhau, nếu có cũng chỉ số rất ít và đơn lẻ”.
Lý giải “Làn sóng ngược” đưa khách Việt Nam ra nước ngoài khám bệnh vẫn rất lớn, bà Ly cho biết: “Thống kê gần đây cho thấy, trung bình một năm chúng ta “chảy máu” 4 tỷ USD ra nước ngoài, trong khi thu hút doanh thu từ khách nước ngoài về nước ta thì lại “chật vật”. Nguyên nhân là các công ty khi đưa khách Việt ra nước ngoài đều có sẵn chương trình cụ thể, thủ tục hành chính cũng rất rõ ràng. Nhưng ngược lại, vấn đề này tại Việt Nam vẫn còn quá nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Tiến Thành - Giám đốc kinh doanh Trung tâm Mắt Hikari Eye Care chia sẻ: “Chúng tôi có lượng khách lớn đến từ Campuchia. Những năm qua, chúng tôi cũng đã làm việc với đại sứ quán nhưng vẫn là những hỗ trợ nhỏ lẻ, chứ chưa ra được quy trình và chỉ dẫn rõ ràng để doanh nghiệp thuận tiện trong việc triển khai thủ tục hành chính. Đặc biệt, vấn đề quảng bá dịch vụ du lịch y tế đang được thực hiện “manh mún”, tự thân của y tế hoặc du lịch, thiếu vắng sự kết hợp cũng như định hướng rõ ràng từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước.
Khẳng định Việt Nam có rất nhiều những thành tựu y khoa lớn, mang tầm cỡ khu vực và thế giới, ông Đỗ Xuân Trường thể hiện quan điểm: “Rất tiếc” vì việc quảng bá chỉ dừng lại ở một vài báo cáo khoa học với tần suất “nhỏ giọt”, khó mà mang lại thông tin tới khách quốc tế, chứ chưa nói là hiệu ứng tốt.
Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Dũng nói: “Các hoạt động quảng bá lĩnh vực y tế cũng gặp nhiều hạn chế, nhất là trên nền tảng số. Trong khi đó, các phòng khám trôi nổi bên ngoài vẫn đang quảng cáo nhiều hơn cả các bệnh viện uy tín”.
3. Hiện thực hóa bằng chiến lược và hành động
Giám đốc Bệnh viện Gia An 115 Trương Vĩnh Long khẳng định: “Muốn thực hiện mục tiêu rất lớn là đưa TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN là một chiến lược rất lớn và chỉ nên làm tốt nhất những bước đi ngắn hạn. Trước mắt, Sở Y tế và Sở Du lịch phải liên kết chặt chẽ hơn, tạo cầu nối liên kết hiệu quả giữa các doanh nghiệp ngành y tế và du lịch với nhau.
Bà Ly đồng tình cho rằng, sản phẩm du lịch y tế phải có sự song hành chặt chẽ của hai lĩnh vực, tạo được sự đồng nhất. Cần đưa các sản phẩm du lịch kết hợp y tế vào chiến lược phát triển chung của quốc gia, làm cho hoàn chỉnh rồi quảng bá ra thế giới để thu hút khách. Chỉ một vài chiến dịch, vài chương trình hoặc một vài doanh nghiệp du lịch hay bệnh viện thì không thể phát triển được sản phẩm du lịch kết hợp y tế. Đặc biệt, các cơ sở y tế cũng như doanh nghiệp du lịch mong muốn có những hỗ trợ về thủ tục pháp lý, chính sách visa... từ đại sứ quán, cho quá trình tiếp cận khách hàng tiềm năng tại các nước trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ như khách mua sản phẩm du lịch y tế thì phải có chính sách quản lý và ưu tiên nào đó cụ thể…
“Sự liên kết ngành còn phải được thể hiện thông qua hoạt động đào tạo lẫn nhau để tạo uy tín cho các sản phẩm dịch vụ, ông Nguyễn Văn Mỹ tiếp lời và cho rằng, cần cân nhắc đưa sự liên kết song ngành này vào quá trình đào tạo du lịch, nâng cao kỹ năng, kiến thức và thái độ. Thị trường khách du lịch quốc tế có nhiều đòi hỏi khắt khe, đặc biệt là với tâm lý tương đối “nhạy cảm” khi chọn một quốc gia khác để chữa bệnh, nhân sự trong lĩnh vực y tế du lịch cần hiểu và có quy trình phục vụ riêng biệt để níu chân du khách với các dịch vụ chuyên sâu hơn.
Các cơ sở y tế phải rất chú trọng đến việc tham gia vào các tiêu chuẩn quốc tế như AACI và JCI, vừa giúp tạo vị thế và uy tín thương hiệu, vừa chuẩn hóa được quá trình khám, chữa bệnh. Tại TP.HCM, Sở Y tế cũng cần có cách hỗ trợ hiệu quả và thúc đẩy các cơ sở dịch vụ y tế đạt các tiêu chuẩn quốc tế, bởi đây cũng là yếu tố đưa doanh nghiệp vào mạng lưới phát triển chung của chương trình y tế du lịch. Các doanh nghiệp cũng chủ động liên kết hợp tác, bắt đầu từ các nhóm nhỏ để tạo ra mô hình cho hai bên cùng có lợi. Đặc biệt, Sở Y tế và Sở Du lịch TP.HCM phải thống nhất chuẩn hóa các sản phẩm dịch vụ để tạo dựng niềm tin với khách hàng.
Đưa ra cách làm thành công để tham khảo, ông Trương Vĩnh Long dẫn chứng Bệnh viện Bumrungrad ở Thái Lan, ông nói: “Ngoài việc đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện khám chữa bệnh cho người nước ngoài, họ còn có một công ty du lịch chuyên lo thủ tục, vé máy bay, visa… cho bệnh nhân, tạo thành một chuỗi dịch vụ khép kín.
“Theo ghi nhận, các bệnh viện lớn phát triển dịch vụ này đều có chi nhánh tại các quốc gia, nơi mà khách hàng tiềm năng của họ sinh sống. Các chi nhánh này sẽ hỗ trợ rất nhiều trong các hoạt động trước chuyến đi như tư vấn dịch vụ, khám tầm soát... tạo uy tín ban đầu với khách hàng”, bà Phạm Phương Anh thông tin thêm. Đây cũng là cách làm hiệu quả mà Bệnh viện JW Hàn Quốc đã làm và đã chia sẻ.
Ông Trần Trung Tín - Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện JW Hàn Quốc đề xuất, phải có một chương trình quốc gia lớn và đủ tầm để liên kết nhiều lĩnh vực với nhau, hành động có sự kết nối, định hướng và trở thành chiến dịch thì mới hiệu quả. Các đơn vị tham gia sản phẩm du lịch y tế cũng cần có được chính sách khác biệt ưu đãi. Ví dụ ở Hàn Quốc họ làm các bộ phim về y tế chữa bệnh, làm đẹp đã tạo được hiệu ứng truyền thông rất lớn trong cộng đồng. Việt Nam cũng không thiếu những chất liệu như vậy, nhưng việc quảng bá thì lại chưa từng được nghĩ tới.
Tán thành ý kiến này, ông Đỗ Xuân Trường tiếp: “Đẩy mạnh truyền thông qua phim ảnh, qua các thành tựu y học đột phá là cách mà các nước phát triển đang làm, và chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi. Đặc biệt, cần nhiều chính sách “nới tay” cho quảng bá y tế trên các nền tảng số trong bối cảnh công nghệ 4.0 là cách nhanh nhất tiếp cận khách hàng xuyên biên giới. Song song với đó, các doanh nghiệp lữ hành cũng cần được tạo cơ hội giao thương, kết nối, giới thiệu sản phẩm thông qua các sự kiện xúc tiến du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Ông Hoàng Long - Giám đốc Khối Vận hành Y tế Bệnh viện Tai mũi họng Sài Gòn góp thêm cách làm là phải chủ động nâng cao trải nghiệm cho người bệnh, tạo được sự liên kết giữa các bác sĩ và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Khi bệnh nhân đã khám ở một chuyên khoa nào đó uy tín, họ chắc chắn sẽ tiếp tục lựa chọn đơn vị đó khi khám một chuyên khoa khác.
Bà Nguyễn Thị Thái - Giám đốc Công ty Tần Số Vàng đề nghị: “Cần có các chính sách về du lịch y tế cụ thể, rõ ràng, các gói dịch vụ gồm y tế và du lịch (dịch vụ điều trị cả gói) cũng phải xây dựng hiệu quả và thực tiễn hơn.
Về quảng bá, các doanh nghiệp đều cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn mang tầm chiến lược quốc gia. Việc quảng bá sẽ giúp doanh nghiệp làm đúng trọng tâm, thay vì làm manh mún, nhỏ lẻ, bỏ chi phí rất nhiều mà thu lại hiệu quả chẳng bao nhiêu. Ông Nguyễn Văn Mỹ đề xuất, đại sứ quán tại các nước cũng là một trong những cơ quan cần phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động quảng bá đến du khách bản địa tại mỗi quốc gia. Đây sẽ là nguồn tin uy tín, có sức ảnh hưởng và lan tỏa lớn. Khi các giải pháp được triển khai đồng bộ, hy vọng sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian sắp tới.
Bà Phạm Phương Anh - Phó tổng giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt
Cần có những nghiên cứu về thị trường mang tính chuyên sâu nhằm phân loại khách hàng mục tiêu phù hợp với thế mạnh của từng đơn vị. Đây là việc quan trọng nhưng lại thường ít được quan tâm. Chỉ khi có sự nghiên cứu chi tiết, các đơn vị y tế - du lịch mới khai thác được hết nguồn lợi từ thị trường tiềm năng này. Bên cạnh đó, chiến lược quảng bá và xúc tiến cần được triển khai đồng bộ, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí của các bên liên quan.
Ông Nguyễn Dũng - Tổng giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Sài Gòn
Cần những chính sách phù hợp để chuẩn hóa vấn đề về giá cả. Các bệnh viện lớn với uy tín và chất lượng dịch vụ hàng đầu đang rất khó cạnh tranh giá với một vài phòng khám nhỏ. Đặc biệt, các cơ sở y cần nhiều hơn các chính sách hỗ trợ quảng bá đồng bộ, chuyên nghiệp và hiệu quả, thay vì tự phát, nhỏ lẻ như hiện tại.
Ông Hoàng Long - Giám đốc Khối Vận hành Y tế Bệnh viện Tai mũi họng Sài Gòn
Các bác sĩ tay nghề cao, chuyên gia cần cầu nối để liên kết với nhau, tạo nên một vòng khép kín cho trải nghiệm dịch vụ hoàn hảo tới khách du lịch y tế. Có sự trải nghiệm trọn vẹn, lĩnh vực y tế mới có hy vọng phát triển đa dạng các chuyên khoa, thay vì chỉ có một số ngành thẩm mỹ, nha khoa, y học cổ truyền như hiện tại.
Ông Trương Vĩnh Long - Giám đốc Bệnh viện Gia An 115
Ngoài chính sách quảng bá từ cơ quan quản lý Nhà nước cũng như sự chủ động từ các doanh nghiệp, rất mong có sự tham gia của các cơ quan báo chí, trong đó có Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn - Tiếng nói của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp để làm cầu nối tin cậy cho cộng đồng. Tôi mong muốn có thêm những buổi tọa đàm “sâu” hơn về chủ đề này, có sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước cùng nhiều cơ sở y tế, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, vận chuyển… để đưa ra giải pháp có sự liên kết các ngành, cùng hiện thực hóa mục tiêu “đưa TP.HCM trở thành trung tâm chăm sóc sức khoẻ của khu vực ASEAN".
Bà Phan Yến Ly - Cố vấn sản phẩm Công ty CCC Travel
Nhân sự của hai ngành cần được tập huấn, tham gia các khóa đào tạo sơ cấp để có kiến thức phục vụ đối tượng khách có những “đặc thù”. Bên cạnh đó, sự liên kết chặt chẽ giữa hai ngành phải được đẩy mạnh hơn để khi có đoàn khách đến khám thì bệnh viện bố trí được nhân sự, phương tiện để khám. Được vậy, công ty du lịch mới tự tin thiết kế tour du lịch kết hợp khám bệnh. Từ đó, sẽ mở ra cơ hội để các doanh nghiệp phát triển sản phẩm cụ thể, đặc trưng và hiệu quả. Chúng ta đã đi chậm bởi vì thiếu sợi dây liên kết, đây là thời điểm cần kết nối lại hơn bao giờ hết.
Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt
Cơ quan quản lý nên tính toán đến việc có thể miễn thị thực cho dòng khách này với thời gian ngắn hay không? Bên cạnh đó, các bệnh viện có nên xây dựng chính sách miễn giảm phí thị thực, vé máy bay, lưu trú... cho những khách hàng có mức chi tiêu lớn tại bệnh viện hay không? Càng nhiều chính sách thuận tiện về thủ tục hành chính sẽ giúp cho doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc tiếp cận khách hàng cũng như thực thi.
Bà Nguyễn Thị Thái - Giám đốc Công ty Tần số Vàng
Nên chú trọng hơn nữa đến y học chủ động. Đối tượng khách hàng có thu nhập cao tại các nước đang quan tâm nhiều đến việc bảo vệ sức khỏe, “phòng bệnh trước khi chữa bệnh” và đó là xu hướng. Bên cạnh đó, việc quảng bá không những đến khách quốc tế, mà còn là chính người Việt mình, họ sẽ là nguồn quảng bá “truyền miệng” rất tốt cho người thân là kiều bào từ nước ngoài về - đối tượng chiếm tỷ lệ lớn cho doanh thu du lịch y tế.
Ông Tiến Thành - Giám đốc kinh doanh Trung tâm Mắt Hikari Eye Care
Khi ban hành các chính sách, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần quan tâm đến việc đảm bảo được sự “công bằng", doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp lớn, cơ sở y tế công hay tư nhân cũng đều phải có cơ hội được hưởng lợi từ làn sóng khách du lịch y tế, nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn và bộ tiêu chuẩn.
Ông Trần Trung Tín - Trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện JW Hàn Quốc
Sử dụng các “chất liệu" có sẵn của ngành y tế như những thành tựu y khoa nổi bật gần đây để đưa vào phim ảnh một cách thường xuyên, liên tục. Điều này góp phần thay đổi quan điểm và nâng tầm y tế nước nhà trong mắt bạn bè quốc tế. Tất nhiên, việc quảng bá sẽ đi đôi với chất lượng dịch vụ là “thật", là “xứng đáng" khi khách hàng bỏ tiền và thời gian đi sang nước ta.
Ngoài ra, nếu các bệnh viện, nhất là bệnh viện tư khi thực hiện các ca phẫu thuật đặc biệt và khó thì cũng cần được quảng bá xây dựng hình ảnh cho bác sĩ. Trường hợp chưa mở rộng được thì có thể giới hạn trong các bệnh viện tham gia sản phẩm du lịch y tế với Thành phố. Đây cũng là cách tạo dựng uy tín và tạo niềm tin cho khách hàng tin tưởng về Việt Nam khám chữa bệnh và thẩm mỹ.
Ông Đỗ Xuân Trường - Chủ tịch Công ty TNHH Thẩm mỹ Xuân Trường
Cần tạo điều kiện cho các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực y tế được xây dựng thương hiệu cá nhân từ những thành tựu y học của họ. Việc quảng bá cũng cần được xem xét “nới lỏng” trong khuôn khổ tuân thủ pháp luật, nhưng vẫn có cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, cần nhiều cầu nối để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở y tế và công ty lữ hành, chung tay hiện thực hóa mục tiêu.