Toàn cảnh

Doanh nghiệp là “kiến trúc sư” của không gian kinh tế mới

TS. Nguyễn Vinh Huy (*) 01/07/2025 15:00

Việc mở rộng địa giới TP.HCM đang mở ra cơ hội lịch sử để kiến tạo một “siêu đô thị” và cấu trúc kinh tế vùng hoàn toàn mới, trong đó doanh nghiệp (DN) giữ vai trò quan trọng trong thiết kế tương lai phát triển.

Hình thành một vành đai tăng trưởng mới

Thời khắc này, việc mở rộng địa giới TP.HCM nên được nhìn nhận không chỉ dưới góc độ chính sách, mà như một bước ngoặt chiến lược để tái thiết cấu trúc phát triển không gian vùng. Lần đầu tiên, ba trung tâm kinh tế lớn gồm TP.HCM - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu đứng trước cơ hội hội tụ tầm nhìn, chia sẻ nguồn lực và đồng bộ chiến lược, hình thành một vành đai tăng trưởng mới, đủ tầm cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á.

Vùng kinh tế này là mô hình tiên phong, mở đường để các địa phương trên cả nước tham khảo và vận dụng. Đồng thời, đây cũng là khu vực kinh tế trọng điểm quốc gia, giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển đất nước.

Ở thời điểm này, DN không thể chỉ đóng vai người khai thác thị trường. Chúng ta cần chuyển vai từ người hưởng lợi sang người kiến tạo, từ nhà đầu tư đơn lẻ sang đồng thiết kế hệ sinh thái kinh tế vùng. Tôi cho rằng, ít nhất có ba chuyển động lớn đang và sẽ tác động trực tiếp đến cộng đồng DN:

Thứ nhất, quy mô thị trường và không gian đầu tư được mở rộng. Việc xoá bỏ ranh giới cứng giữa các đơn vị hành chính sẽ tạo điều kiện hình thành các cụm liên kết ngành, tuyến logistic liên vùng và chuỗi giá trị liên kết vùng sâu rộng hơn.

Thứ hai, nếu chính quyền các địa phương thiết lập được cơ chế điều phối thống nhất, sẽ hình thành một hệ sinh thái chính sách - hạ tầng - hành chính đồng bộ, thân thiện hơn với doanh nghiệp.

Thứ ba, việc tái cấu trúc nguồn lực vùng, từ đất đai, hạ tầng cảng biển, logistics đến nguồn nhân lực chất lượng cao, sẽ mở ra điều kiện để doanh nghiệp chọn mô hình phát triển tối ưu thay vì bị bó buộc bởi giới hạn địa phương.

ts nguyen vinh huy
TS. Nguyễn Vinh Huy - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA); Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí

Hiện nay, sự chủ động liên kết giữa DN ở ba vùng chưa bao giờ mạnh mẽ đến vậy. Không còn chờ đợi chính sách từ trên xuống, DN giờ đây bắt đầu chủ động kết nối, cùng xây dựng tiêu chuẩn, chia sẻ hạ tầng và dữ liệu, thậm chí hợp tác chiến lược trong logistics, thương mại và chuyển đổi số.

Năm cơ hội doanh nghiệp cần “bắt sóng” kịp thời

Dưới góc nhìn thực tiễn, tôi nhận diện 5 cơ hội chiến lược dành cho DN trong thời điểm này:

Thứ nhất, việc gia tăng quy mô và phân hóa thị trường theo vùng tạo điều kiện cho các ngành bán lẻ, thương mại dịch vụ và công nghệ hậu cần mở rộng phạm vi phục vụ. Đây là thời cơ để các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần mới, phát triển mạng lưới phân phối sâu rộng hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, quá trình hình thành các chuỗi giá trị cụm ngành chuyên sâu, từ chế biến, công nghiệp nhẹ đến xuất khẩu, đang mở ra không gian phát triển mới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sẽ giúp tối ưu chi phí, chuẩn hóa chất lượng và tăng tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường.

Thứ ba, hệ thống hạ tầng kết nối đa phương thức đang được đầu tư đồng bộ sẽ rút ngắn thời gian, chi phí giao thương giữa cảng biển, đô thị trung tâm và cửa khẩu. Đây là nền tảng thiết yếu để doanh nghiệp đẩy mạnh lưu chuyển hàng hóa, giảm thiểu tồn kho và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Thứ tư, hành lang pháp lý đồng bộ đang từng bước hình thành, góp phần giảm thiểu rủi ro pháp lý khi doanh nghiệp triển khai hoạt động đầu tư liên vùng. Sự minh bạch và thống nhất về quy định sẽ tạo niềm tin dài hạn, khuyến khích các quyết định mở rộng sản xuất và đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh.

TPHCM Tc
Việc mở rộng địa giới TP.HCM đang mở ra cơ hội lịch sử để kiến tạo một “siêu đô thị”

Cuối cùng, hợp tác công - tư toàn vùng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt ở các lĩnh vực đô thị thông minh, logistics xanh và chuyển đổi số. Việc phối hợp nguồn lực giữa Nhà nước và doanh nghiệp không chỉ giúp giải quyết các vấn đề hạ tầng, công nghệ, mà còn góp phần kiến tạo hệ sinh thái phát triển bền vững.

Tôi gọi đây là giai đoạn “vàng” để DN nâng cấp năng lực cạnh tranh vùng với điều kiện tiên quyết là phải hành động nhanh, bắt sóng chính sách kịp thời và có tư duy hợp tác thực chất. Bên cạnh đó, tôi xác định rằng pháp lý không được trở thành rào cản, mà phải là “nền tảng mềm” phục vụ chiến lược kinh doanh. Tôi tin rằng, nếu cộng đồng DN có được một hệ sinh thái pháp lý vững chắc, thì không chỉ vươn ra khu vực, mà còn có thể làm chủ chính chuỗi cung ứng tại thị trường nội địa.

Tôi chỉ mong tất cả chúng ta, những người làm kinh tế, khởi nghiệp hay điều hành DN hãy nhìn giai đoạn hiện nay với một tâm thế mới, hãy dám nghĩ, dám đổi mới, dám kiến tạo. Cơ hội chưa bao giờ hiện rõ như lúc này. Nếu mỗi doanh nhân cùng nâng tầm tư duy, chủ động hợp tác và đồng hành với chính quyền, thì việc hình thành một thành phố “đáng sống, đáng đầu tư, đáng mơ ước” sẽ không còn là giấc mơ, mà là kết quả nằm trong tầm tay.

Về phần mình, với vai trò Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), tôi cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến kết nối giữa DN - chính quyền - nhà đầu tư - giới chuyên gia pháp lý. Bởi, phát triển bền vững không thể đến từ một phía, mà cần sự chung tay của tất cả những ai có tâm huyết với vùng đất này.

(*) Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM; Chủ tịch sáng lập Hệ thống Luật Thịnh Trí

(Hà Thuỷ ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp là “kiến trúc sư” của không gian kinh tế mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO