Hoạt hình Nhật Bản “kháng Covid-19”
Thời gian cao điểm giãn cách phòng chống đại dịch năm 2020, trong khi tổng doanh thu phòng vé của Mỹ giảm 80% và thị trường điện ảnh của Nhật Bản sụt 45%, thì ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản chỉ giảm 3,5%, với giá trị thị trường vào khoảng 21,3 tỷ USD.
Cũng trong năm 2020, bộ phim hoạt hình Demon Slayer the Movie: Mugen Train (tựa Việt: Thanh gươm diệt quỷ: Chuyến tàu vô tận) thể loại giả tưởng hành động thu gần 48 triệu USD tại Bắc Mỹ, 365 triệu USD tại Nhật Bản và tổng cộng thu 504 triệu USD toàn cầu. Đây cũng chính là “bom tấn” điện ảnh có doanh thu cao nhất thế giới năm 2020. Lượng doanh thu khủng vẫn tiếp tục được ghi nhận tại các phòng vé Nhật Bản năm 2021 đều là phim hoạt hình (Evangelion: 3.0+1.0: Thrice Upon A Time, Detective Conan: The Scarlet Bullet, Belle và Jujutsu Kaisen 0).
Theo công ty tư vấn Parrot Analytics, nhu cầu toàn cầu cho nội dung hoạt hình đã tăng 118% trong vòng hai năm qua, biến nó trở thành một trong những thể loại nội dung tăng trưởng nhanh nhất trong đại dịch. Những người theo dõi ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản cho biết, nền tảng cho sự bùng nổ này đã được xây dựng suốt nhiều năm. Trong thập niên trước đại dịch (2009-2019), tổng giá trị thị trường của ngành công nghiệp hoạt hình nước này đã tăng gấp đôi, lên 22,1 tỷ USD.
Động lực chính đằng sau sự tăng trưởng vượt trội này là sự mở rộng của tệp khách hàng, cả trong và ngoài Nhật Bản. Năm 2021, hơn một nửa thuê bao đăng ký của Netflix trên toàn thế giới từng xem nội dung hoạt hình trên nền tảng này. Các nền tảng phát trực tuyến khác cũng có báo cáo tương tự.
Trong Hội chợ AnimeJapan tổ chức tại Tokyo vào tháng 3 vừa rồi, Netflix tiết lộ sẽ cho ra mắt thêm 40 tựa hoạt hình chỉ trong năm nay. Disney+ cũng đang trong giai đoạn đẩy mạnh xuất bản các tựa hoạt hình gốc và đã được cấp phép trên nền tảng này.
Kích hoạt làn sóng đầu tư
Sự bùng nổ của hoạt hình Nhật Bản cũng đã kích hoạt làn sóng hợp nhất và giao dịch trong ngành. Năm ngoái, Sony Pictures đã mua lại Crunchyroll - một trong những kênh phát trực tuyến của Mỹ chuyên hoạt hình Nhật Bản lớn nhất thế giới, với giá 1,2 tỷ USD từ AT&T. Sony Pictures sau đó đã hợp nhất Crunchyroll với Funimation - dịch vụ phát trực tuyến hoạt hình vốn có của công ty.
AMC Networks cũng tiếp bước trong tháng 1/2022 bằng sự thu mua Sentai Holdings - nhà cung cấp nội dung hoạt hình và vật phẩm liên quan toàn cầu, được biết đến nhiều nhất với dịch vụ phát trực tuyến chuyên hoạt hình nổi tiếng của hãng - HIDIVE. Cùng lúc, Hulu và Amazon Prime Video tiếp tục mở rộng danh sách phim hoạt hình Nhật Bản, trong khi HBO Max (dù chưa ra mắt tại châu Á) đang thỏa thuận nhiều hợp đồng cấp phép.
Hoạt hình Nhật Bản cũng “miễn dịch” trước sự tái cấu trúc của các mô hình kinh doanh phát trực tuyến gần đây. Các thị trường Mỹ và châu Âu được cho là đã bão hòa với Netflix, nhưng châu Á - Thái Bình Dương là khu vực mà hãng vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.
Trong khi thuê bao đăng ký chững lại hoặc giảm ở gần như khắp mọi nơi trong quý I thì Netflix chào đón 1,1 triệu người đăng ký tại châu Á. Và ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, chỉ 5 triệu trong số 121 triệu dân Nhật có đăng ký Netflix, nhưng đến 90% thuê bao đã xem hoạt hình trong năm 2021.
Phát triển nội dung hoạt hình để thu hút thuê bao tại Nhật Bản và khu vực sẽ là điều các hãng phát trực tuyến từ Hollywood và Thung lũng Silicon phải làm để tăng thị phần.
Kohei Obara - Giám đốc sáng tạo hoạt hình Nhật Bản của Netflix cho hay: “Dòng vốn ồ ạt đổ vào không nhất thiết là một điều tốt, vì quy mô nền công nghiệp và số lượng nhân công đang làm việc trong ngành và thật sự vẽ các cảnh phim là tương đối nhỏ. Chúng ta không thể có ngay gấp hai hay ba lần số này chỉ vì có tiền là được”.
Obara ước tính hiện nay ở Nhật Bản chỉ có khoảng 5.000 họa sĩ và nhà sáng tạo hoạt hình đang làm việc, cho thấy cộng đồng sáng tạo này đã và đang phải làm quá sức. Tuy vậy, các nguồn đầu tư nước ngoài cũng đem đến nhiều mặt tích cực. Narita cho rằng: “Nhìn tổng quan, dòng vốn đã đem theo nhiều thay đổi tích cực. Không chỉ một số ít người trở nên giàu có, các họa sĩ cũng bắt đầu kiếm được thêm kha khá tiền”.
Sự bùng nổ phim hoạt hình cũng đem đến những lợi ích thú vị cho người hâm mộ. Theo người trong ngành, kinh phí sản xuất phim hoạt hình cao cấp đã tăng lên từ 1,5-3 lần khắp mọi nơi. Với nhu cầu lớn đối với những tài năng trong ngành, các họa sĩ hoạt hình hàng đầu đang tận hưởng tự do sáng tạo hơn bao giờ hết.
Genki Kawamura - một trong những nhà sản xuất phim hoạt hình danh tiếng nhất, thường làm việc với các họa sĩ hàng đầu như Mamoru Hosoda (Mirai), Makoto Shinkai (Your Name) và Tetsuro Araki (phim hoạt hình Nhật Bản mới nhất của Netflix: Bubble) nói: “Càng ngày càng có nhiều người xem phim hoạt hình là cơ hội cho các họa sĩ sáng tạo. Đây là một chuyện tuyệt vời”.
(Theo The Hollywood Reporter)