Bản tin trưa 9/7: TP.HCM hợp tác với Tập đoàn Intel đào tạo nhân lực AI và chip bán dẫn
Tin tức nổi bật trưa 9/7: TP.HCM hợp tác với Tập đoàn Intel đào tạo nhân lực AI và chip bán dẫn; TP.HCM tổng kiểm tra dược, mỹ phẩm sau vụ phát hiện hàng giả quy mô lớn; Dự kiến giảm 368 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh từ tháng 7/2025; BHXH Việt Nam cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mạo danh cập nhật thông tin lương hưu từ 1/7; Sau 2 năm triển khai, cho vay nhà ở xã hội mới giải ngân được 2,8%... và một số tin tức đáng chú ý khác.
TP.HCM hợp tác với Tập đoàn Intel đào tạo nhân lực AI và chip bán dẫn
TP.HCM và Tập đoàn Intel chính thức triển khai chương trình hợp tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo (AI) và công nghệ chip bán dẫn. Chương trình ưu tiên đào tạo cán bộ, công chức và người lao động đã hoặc sắp tham gia thị trường lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và phát triển công nghệ cao của thành phố.

Tại buổi làm việc ngày 8/7 với bà Sarah Kemp - Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ toàn cầu của Intel, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được khẳng định mong muốn Intel mở rộng đầu tư, đặc biệt trong đào tạo kỹ sư công nghệ cao. Ông đánh giá cao vai trò và đóng góp của Intel Việt Nam trong gần 20 năm qua đối với hệ sinh thái công nghệ thành phố.
Phía Intel cam kết tiếp tục đồng hành trong đào tạo AI, hỗ trợ nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ cho cán bộ và người lao động. Intel cũng bày tỏ quan tâm đến các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam theo Nghị định 182/2024/NĐ-CP và khẳng định sẵn sàng đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, hạ tầng giao thông tại TP.HCM.
Liên danh Đèo Cả - Fecon - PowerChina - Sucgi đề xuất làm metro số 2 tại TP.HCM
Liên danh gồm Tập đoàn Đèo Cả, Fecon (Việt Nam), PowerChina và Sucgi (Trung Quốc) vừa kiến nghị UBND TP.HCM giao thực hiện tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) theo hình thức chỉ định thầu, đồng thời bày tỏ mong muốn tham gia các dự án đường sắt đô thị khác.
Tập đoàn Đèo Cả cho biết đã xây dựng chiến lược phát triển đường sắt, đầu tư thiết bị thi công hiện đại như TBM và phối hợp đào tạo hơn 200 kỹ sư cùng Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM. Ngoài ra, các kỹ sư còn được cử sang Trung Quốc học hỏi công nghệ thi công hiện đại từ các tuyến đường sắt quy mô lớn.

Liên danh khẳng định sẵn sàng huy động nguồn lực trong và ngoài nước, cam kết tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn và môi trường theo quy định. Nếu được giao thực hiện theo hình thức EPC, doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ, đảm bảo tiến độ và hiệu quả.
Trong bối cảnh TP.HCM đang đẩy mạnh triển khai 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng vốn hơn 1,2 triệu tỉ đồng, nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sovico, Thaco… cũng đã đề xuất đầu tư các tuyến metro chiến lược.
TP.HCM tổng kiểm tra dược, mỹ phẩm sau vụ phát hiện hàng giả quy mô lớn
Sau vụ phát hiện dầu gió Con Ó và kem dưỡng ẩm giả, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành văn bản yêu cầu tất cả bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và kinh doanh dược phẩm trên địa bàn tiến hành rà soát toàn diện các sản phẩm đang sử dụng và kinh doanh.

Động thái này nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và ngăn chặn hàng giả tiếp tục lưu thông. Các đơn vị được yêu cầu kiểm tra nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ sản phẩm; tuyệt đối không sử dụng hay kinh doanh hàng hóa không rõ xuất xứ, không được cấp phép lưu hành.
UBND 168 phường, xã và đặc khu cũng được chỉ đạo thông báo đến người dân và cơ sở y tế, kinh doanh dược, chỉ mua bán thuốc tại các điểm hợp pháp. Song song đó, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao cảnh giác của người dân đối với hàng giả được tăng cường.
Dự kiến giảm 368 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh từ tháng 7/2025
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, trong tháng 6/2025, công tác xây dựng thể chế, chính sách đạt tiến độ cao nhất từ đầu năm. Cụ thể, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 15 nghị định và ban hành 6 thông tư, đồng thời chủ động tham mưu triển khai phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Tính đến hết tháng 6, tổ chức bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV đã được tinh gọn rõ rệt: còn 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ (giảm 5 đơn vị, tương đương 22,7%), còn 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 đơn vị, tương đương 37,5%).

Ngoài ra, đã giảm toàn bộ 13 tổng cục; 509 cục và tổ chức tương đương; 232 vụ; 3.377 chi cục và tương đương; 205 đơn vị sự nghiệp công lập; tương ứng giảm khoảng 22.300 biên chế.
Đặc biệt, từ ngày 1/7/2025, khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, các địa phương dự kiến giảm 368 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, đồng thời giảm 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, thay thế bằng các phòng trực thuộc UBND cấp xã theo quy định mới.
BHXH Việt Nam cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mạo danh cập nhật thông tin lương hưu từ 1/7
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa phát đi cảnh báo về tình trạng xuất hiện nhiều cuộc gọi, tin nhắn giả mạo cán bộ BHXH nhằm lừa đảo người dân cung cấp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.
Theo phản ánh, các đối tượng giả danh cán bộ BHXH gọi điện, nhắn tin hoặc gửi đường link không rõ nguồn gốc, yêu cầu người dân cập nhật thông tin với lý do “từ ngày 1/7 cơ quan BHXH thay đổi hệ thống giao dịch điện tử; nếu không cập nhật sẽ không nhận được lương hưu, thẻ BHYT”. Thông tin sai lệch này khiến nhiều người hoang mang và làm theo hướng dẫn của kẻ gian.

BHXH Việt Nam khẳng định, cơ quan không thực hiện việc gọi điện, nhắn tin, kết bạn Zalo hay gửi đường link, mã QR yêu cầu người dân cập nhật thông tin cá nhân, căn cước công dân, cài đặt ứng dụng VssID hay tích hợp thẻ BHYT.
Người dân được khuyến cáo nâng cao cảnh giác, không truy cập link lạ, không cung cấp mã OTP, mật khẩu hay thông tin cá nhân qua điện thoại và tin nhắn để tránh bị lừa đảo.
Sau 2 năm triển khai, cho vay nhà ở xã hội mới giải ngân được 2,8%
Theo Ngân hàng Nhà nước, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ, chương trình cho vay nhà ở xã hội mới chỉ đạt doanh số giải ngân 2,8% so với tổng quy mô cam kết. Đến nay, có 9 ngân hàng thương mại tham gia chương trình, với tổng số tiền đăng ký cho vay là 145.000 tỷ đồng, triển khai đến năm 2030.
Từ giữa năm 2023 đến nay, lãi suất cho vay đã được điều chỉnh 6 lần, hiện ở mức 6,4%/năm đối với chủ đầu tư và 5,9%/năm với người mua nhà.

Tính đến ngày 31/5/2025, cả nước có khoảng 103 dự án thuộc diện được vay vốn. Các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng khoảng 8.200 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân được 4.094 tỷ đồng, trong đó 3.464 tỷ đồng cho chủ đầu tư và 630 tỷ đồng cho người mua nhà.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiến độ giải ngân chậm do thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và khoảng 30% chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn theo chương trình ưu đãi. Đây là những trở ngại lớn cần sớm được tháo gỡ để đẩy mạnh triển khai chính sách.
Đồng Nai thu hồi gần 24ha đất làm đường ống dẫn nhiên liệu cho sân bay Long Thành
Ngày 8/7, tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X, các đại biểu đã thông qua nghị quyết cho phép thu hồi gần 24ha đất để triển khai dự án hệ thống ống dẫn nhiên liệu từ cảng đầu nguồn đến ranh giới sân bay Long Thành. Đây là dự án trọng điểm nhằm đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho sân bay quốc tế Long Thành khi đi vào vận hành.

Cùng với đó, HĐND tỉnh cũng thông qua nghị quyết chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác để thực hiện bốn dự án: Khu công nghiệp Sông Mây giai đoạn 2, thủy điện Phú Tân 1, mỏ đá Gia Canh 1 và khu du lịch sinh thái núi Chứa Chan, với tổng diện tích hơn 130ha.
Bà Tôn Ngọc Hạnh - Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh các nghị quyết đều mang tính cấp thiết, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển công nghiệp và du lịch. Bà kêu gọi các sở, ngành và địa phương sớm triển khai thực hiện nghị quyết, đồng thời tăng cường giám sát để đảm bảo hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và địa phương.
Lâm Đồng phân công lãnh đạo phụ trách 48 dự án trọng điểm với tổng vốn 16 tỷ USD
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định phân công Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo 48 dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 16 tỷ USD, trải dài trên địa bàn Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận cũ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười trực tiếp phụ trách các tuyến cao tốc lớn như Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương và các dự án hạ tầng cấp thiết khác.

Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh được giao quản lý từng nhóm dự án theo lĩnh vực: ông Lê Trọng Yên phụ trách năng lượng và công nghiệp; ông Nguyễn Hồng Hải giám sát các dự án hạ tầng chiến lược tại Bình Thuận; ông Võ Ngọc Hiệp theo dõi giao thông, xử lý rác và khu công nghiệp; ông Nguyễn Minh phụ trách phát triển đô thị và du lịch; ông Nguyễn Ngọc Phúc giám sát các dự án thủy lợi và nông nghiệp; ông Đinh Văn Tuấn quản lý các dự án du lịch trọng điểm tại Đà Lạt và Bảo Lộc.
Việc phân công cụ thể giúp nâng cao trách nhiệm, minh bạch hóa quản lý đầu tư, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả trong thu hút vốn phát triển vùng.
Ngân hàng Nhà nước có lộ trình bỏ room tín dụng, cân nhắc thận trọng rủi ro
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang từng bước tiến tới dỡ bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) nhằm tăng tính chủ động cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, lộ trình này sẽ được thực hiện thận trọng, phù hợp với đặc thù kinh tế Việt Nam để đảm bảo an toàn hệ thống, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Từ năm 2024, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng đầu năm cho các tổ chức tín dụng. Năm 2025, chỉ tiêu này được gỡ bỏ đối với ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh và tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Hiện chỉ còn các ngân hàng thương mại trong nước được giao chỉ tiêu, hướng đến mục tiêu dỡ bỏ hoàn toàn trong tương lai.
Tuy nhiên, NHNN cảnh báo nếu bỏ room tín dụng quá nhanh, lãi suất có thể tăng, làm ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô. Bối cảnh quốc tế bất ổn, chính sách kinh tế toàn cầu thay đổi nhanh, cùng áp lực lạm phát và biến động tỷ giá, đặc biệt khi VND mất giá khoảng 2,8% so với USD, đang tạo sức ép lớn lên điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2025.
Giao dịch phái sinh giảm nhẹ, khối lượng hợp đồng mở tăng trở lại
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), giao dịch phái sinh trên thị trường trong tháng 6/2025 có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt 172.179 hợp đồng/phiên, giảm 6,88% so với tháng trước. Giá trị giao dịch danh nghĩa cũng giảm 4,25%, còn 24.516 tỷ đồng/phiên. Phiên có khối lượng giao dịch cao nhất rơi vào ngày 13/6 với 264.579 hợp đồng được khớp lệnh.

Dù thanh khoản suy giảm, khối lượng hợp đồng mở (OI) toàn thị trường lại tăng 9,29% so với tháng 5, đạt 48.447 hợp đồng tại phiên cuối tháng. Mức OI cao nhất tháng được ghi nhận ngày 11/6 với 54.982 hợp đồng.
Về cơ cấu nhà đầu tư, giao dịch tự doanh của khối công ty chứng khoán tiếp tục thu hẹp, chỉ còn chiếm 1,66% tổng giao dịch, trong khi nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm mạnh, xuống còn 1,86%.
Tính trong quý II/2025, tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt 12,59 triệu hợp đồng, tương ứng giá trị danh nghĩa khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, tăng trên 24% so với quý I.