Bản tin tổng hợp

TP.HCM dự kiến đầu tư hơn 12.400 tỷ đồng mở rộng cửa ngõ phía Đông lên 10 làn xe

TH 08/07/2025 - 15:47

UBND TP.HCM vừa trình đề xuất điều chỉnh và bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2025 sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương, trong đó có nội dung quan trọng là triển khai Dự án thành phần 1 thuộc công trình nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 - tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với tỉnh Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cụ thể, TP.HCM dự kiến bố trí hơn 12.400 tỷ đồng để thực hiện Dự án thành phần 1, bao gồm công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Tuyến đường nâng cấp nằm trên đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình, giáp ranh tỉnh Bình Dương cũ.

Toàn bộ dự án mở rộng Quốc lộ 13 có tổng mức đầu tư khoảng 20.900 tỉ đồng, được chia làm hai dự án thành phần gồm dự án thành phần 1: Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với kinh phí 14.619 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách TP.HCM.

Dự án thành phần 2: Thi công nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, với tổng mức đầu tư 6.281 tỷ đồng.

Đoạn Quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình hiện dài 5,9 km, có mặt đường rộng từ 19 - 27 m, thường xuyên xảy ra ùn tắc do lưu lượng phương tiện lớn, đặc biệt tại khu vực giáp ranh giữa TP.HCM và Bình Dương.

cao-toc-ben-luc-5-771-6739-jpg-2.png

Theo thiết kế, sau khi nâng cấp, tuyến đường này sẽ được mở rộng lên 60 m, bao gồm 10 làn xe. Đồng thời, dự án sẽ xây dựng một cầu cạn (đường trên cao) dài 3,2 km, gồm 4 làn xe, nối từ nút giao cầu Bình Lợi đến nút giao cầu Bình Phước, với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ.

Phía dưới cầu cạn là hệ thống đường song hành hai bên, mỗi bên gồm 3 làn xe, cho phép lưu thông với tốc độ tối đa 60 km/giờ. Ngoài ra, dự án cũng bao gồm hai hầm chui tại các nút giao cầu Bình Lợi và cầu Bình Phước nhằm tăng cường khả năng lưu thông không giao cắt.

Dự kiến, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ được triển khai từ quý III/2025 đến quý III/2026. Công trình sẽ chính thức khởi công từ quý III/2026, với mục tiêu hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2028.

Khi đưa vào khai thác, dự án không chỉ giải quyết tình trạng ùn tắc tại khu vực cửa ngõ Đông Bắc TP.HCM mà còn mở rộng năng lực kết nối liên vùng, đặc biệt giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương, góp phần thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM dự kiến đầu tư hơn 12.400 tỷ đồng mở rộng cửa ngõ phía Đông lên 10 làn xe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO