21 thành viên Chính phủ góp ý về dự thảo gỡ vướng cho dự án ngăn triều 10.000 tỷ tại TP.HCM
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Văn phòng Chính phủ đã phát hành phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ đối với hồ sơ và dự thảo nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hai dự án BT (xây dựng - chuyển giao) lớn tại TP.HCM.
Cụ thể, bao gồm dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng và dự án kết nối giao thông từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - quốc lộ 1.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 21 thành viên Chính phủ gửi ý kiến phản hồi đối với nội dung hồ sơ và dự thảo nghị quyết nói trên.
Những ý kiến này đã được Văn phòng Chính phủ tổng hợp và chuyển đến Bộ Tài chính để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo theo đúng quy định, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đáng chú ý, liên quan đến dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản bổ sung làm rõ nguyên nhân của những khó khăn hiện nay.

Cụ thể, dự án hiện không có nguồn vốn để tiếp tục hoàn thiện do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) không đủ cơ sở pháp lý để ký phụ lục hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547.
Việc ký phụ lục này là điều kiện cần thiết để trình Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện thu nợ đối với khoản tái cấp vốn trước đó.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dự án hiện đã hết thời hạn hoàn thành theo hợp đồng BT đã ký. Đồng thời, cả khoản vay của BIDV dành cho dự án và khoản tái cấp vốn tương ứng đều đã hết thời hạn giải ngân.
Mặt khác, UBND TP.HCM vẫn chưa hoàn tất các thủ tục điều chỉnh hợp đồng BT, cũng như chưa giải quyết được các vướng mắc liên quan đến công tác đầu tư và thanh toán, khiến BIDV không thể ký phụ lục điều chỉnh hợp đồng tín dụng để tiếp tục cho vay.
Từ thực tế trên, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung đầy đủ các nguyên nhân phát sinh khó khăn, vướng mắc vào tờ trình dự thảo nghị quyết nhằm đảm bảo tính toàn diện và cơ sở pháp lý cho phương án tháo gỡ.