Hàng trăm ngân hàng Mỹ đối mặt nguy cơ sụp đổ
Khắp nước Mỹ, căng thẳng đang bủa vây hàng trăm ngân hàng địa phương và khu vực với những cảnh báo về sự sụp đổ. Vậy, lý do là gì?
Căng thẳng bủa vây các ngân hàng cộng đồng
Mỹ là nước có nhiều ngân hàng nhất thế giới, ở mức 4.600 - theo số liệu từ Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC). Trong đó, khoảng 4.000 ngân hàng thương mại là ngân hàng nhỏ, còn gọi là ngân hàng cộng đồng với tổng tài sản gần 3.200 tỷ USD, tương đương giá trị tài sản của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ J.P. Morgan Chase. Và giờ, căng thẳng đang bủa vây các ngân hàng cộng đồng.
Theo Tập đoàn Klaros, 282 ngân hàng Mỹ đang gặp rủi ro với tổng tài sản nắm giữ gần 900 tỷ USD. Phần lớn trong đó là các ngân hàng nắm giữ từ 1 đến 10 tỷ USD, 16 ngân hàng có tài sản từ 10 -100 tỷ USD và chỉ một ngân hàng có tài sản trên 100 tỷ USD. Được biết, Klaros đã phân tích 4.000 ngân hàng và sàng lọc hồ sơ báo cáo pháp lý với các nơi có hơn 300% vốn cho vay bất động sản thương mại và các khoản lỗ tiềm ẩn liên quan đến lãi suất để đưa ra kết luận trên.
Dù sự căng thẳng xảy ra tại những ngân hàng có quy mô từ vừa đến nhỏ, về bản chất ít mang tính hệ thống hơn, điều này không có nghĩa là cộng đồng và khách hàng không bị tổn thương bởi nó. Lý do là yếu tố địa lý vẫn đóng vai trò quan trọng trong quyết định lựa chọn vay tiền từ ngân hàng nào của hộ gia đình và doanh nghiệp. Đồng nghĩa, các ngân hàng cộng đồng vẫn thường được doanh nghiệp nhỏ lựa chọn đơn giản vì họ muốn vay từ những nơi mà mình hiểu rõ.
Hiện, rất nhiều ngân hàng nhỏ hỗ trợ các cộng đồng ở xa bờ Tây và về cơ bản, sự phát triển kinh tế ở những nơi đó sẽ bị cản trở nếu ngân hàng sụp đổ. Theo FDIC, ngân hàng cộng đồng chỉ chiếm 15% tổng dư nợ cho vay nhưng lại chiếm tới 30% dư nợ cho vay bất động sản thương mại, 31% dư nợ cho vay nông nghiệp và 36% các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ.
Bất động sản thương mại và lỗ ẩn
Mỹ có thị trường bất động sản thương mại lớn nhất toàn cầu và các ngân hàng bảo lãnh phần lớn khoản vay này. Xét tổng thể, ngành ngân hàng Mỹ có 4 loại khoản vay cơ bản là cho vay tiêu dùng, cho vay thương mại và công nghiệp (cho vay doanh nghiệp là chính), cho vay thế chấp nhà ở và cho vay bất động sản thương mại. Trong đó, các ngân hàng khu vực và nhỏ hơn luôn có xu hướng tập trung vào cho vay bất động sản thương mại.
“Họ (các ngân hàng nhỏ) đã ra một quyết định tồi tệ và nhanh chóng nhảy vào lĩnh vực bất động sản thương mại mà không cần suy nghĩ nhiều. Hơn nữa, họ cũng không có đủ quy mô để có thể cạnh tranh với các ngân hàng nội địa lớn hơn trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng hoặc thế chấp nhà ở hay cho vay thương mại và công nghiệp. Điều này khiến họ phải tập trung và tiếp cận với bất động sản thương mại nhiều hơn”, Brian Graham - nhà sáng lập Tập đoàn Klaros, nhận xét.
Trong tình huống ấy, Covid-19 lại xảy ra đã gây nên một loạt tác động, từ xu hướng doanh nghiệp chuyển sang mô hình làm việc tại nhà cho đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất để giảm lạm phát hậu đại dịch.
Đầu tiên, mô hình làm việc thay đổi khiến tỷ lệ bỏ trống cao ốc văn phòng tăng lên và làm giá trị bất động sản thương mại giảm mạnh, ước hơn 30%.
Một báo cáo của Moody Analytics ghi nhận tỷ lệ văn phòng trống chạm đỉnh 19,6% trong quý IV năm ngoái. Kết quả, các ngân hàng nhỏ có danh mục tập trung vào cho vay thế chấp bất động sản thương mại đối mặt với áp lực lớn vì trước đây đã giải ngân các khoản vay dựa trên định giá cao hơn.
Tiếp đó, lãi suất của FED đang ở mức cao nhất trong hơn 20 năm. Khi FED tăng lãi suất, các khoản cho vay bất động sản thương mại cũng trở nên đắt đỏ hơn và nếu người đi vay không đủ khả năng thanh toán có thể vỡ nợ. Chủ tịch FED - Jerome Powell hồi tháng 3 vừa qua đã thẳng thắn nói: “Sắp có ngân hàng phá sản và điều đó sẽ xảy ra vì vấn đề này”.
Còn Gregory Daco - Kinh tế trưởng Công ty Kiểm toán EY cảnh báo về một phản ứng dây chuyền, khi các ngân hàng “có nguy cơ chứng kiến bên vay vỡ nợ và hậu quả là họ phải chịu áp lực về vốn”. Theo ông Daco, các ngân hàng lớn có khả năng gánh chịu một số tổn thất, nhưng những căng thẳng này sẽ giáng một đòn mạnh vào các ngân hàng nhỏ.
Lãi suất cao hơn nhiều so với vài năm trước đó cũng khiến giá trị của tài sản với lãi suất cố định (trái phiếu) giảm đi. Do đó, có rất nhiều khoản lỗ ẩn tại các ngân hàng với danh mục đầu tư đến ngày đáo hạn dưới dạng trái phiếu cũng như các khoản thế chấp mà họ đã phát hành trong thời kỳ lãi suất thấp. Đây là các khoản lỗ ẩn mà giờ đang nằm trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng, nhưng rốt cuộc sẽ được hiện thực hóa bằng cách này hay cách khác.
“Khi một ngân hàng bán tài sản đã giảm giá trị, các khoản lỗ sẽ được hiện thực hóa. Lý do duy nhất chúng chưa xuất hiện là vì các ngân hàng vẫn chưa bán tài sản, điều khiến các khoản lỗ ẩn vẫn còn trên sổ sách và họ vẫn hy vọng lãi suất sẽ giảm xuống mức 0. Và bất cứ sự trượt giá nào cũng sẽ biến mất”, Graham khẳng định.
Liệu FED có sớm giảm lãi suất?
Dù vẫn phát đi tín hiệu rằng Ủy ban Thị trường mở (FOMC) đang hướng tới việc giảm chi phí vay, FED tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức kỷ lục 5,25-5,5% sau cuộc họp chính sách vừa diễn ra ngày 1/5/2024. Cảnh báo về các chỉ số lạm phát đáng thất vọng gần đây, FED cho rằng việc giảm lãi suất là phù hợp cho đến khi có được niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang tiến triển bền vững ở mức 2%. Điều này khiến sự nghi ngờ về thời điểm giảm lãi suất tăng lên, nhất là khi nhiều quan chức FED gần đây có quan điểm trì hoãn quyết định cắt giảm lãi suất dự kiến vào tháng 6, có thể sẽ sang tháng 9 hoặc thậm chí sang năm sau. Theo đó, ngành ngân hàng của Mỹ sẽ còn đối mặt với căng thẳng và nhiều khả năng sẽ có thêm một loạt ngân hàng quan hệ sâu với bất động sản thương mại sụp đổ khi doanh nghiệp thu hẹp hoạt động.
16,6%
Là tỷ lệ văn phòng trống trên toàn nước Mỹ có thể tăng lên vào cuối năm 2025. Năm 2023 con số này đã tăng lên 13,5% so với 9,5% năm 2019.
(Theo báo cáo của Fitch Ratings)