Hình ảnh Việt Nam trong tranh Jane Irish

DIÊN VỸ/DNSGCT| 12/06/2016 06:49

Với nữ họa sĩ Jane Irish, những trải nghiệm từ các chuyến đi thăm Việt Nam là nguồn cảm hứng sáng tác loạt tranh mới của bà.

Hình ảnh Việt Nam trong tranh Jane Irish

Với nữ họa sĩ Jane Irish, những trải nghiệm từ các chuyến đi thăm Việt Nam là nguồn cảm hứng sáng tác loạt tranh mới của bà. Với tên gọi ngộ nghĩnh “Gót chân xoay tít mù” (A Rapid Whirling at the Heel), triển lãm các tác phẩm chủ đề Việt Nam của Jane Irish vừa diễn ra tại gallery Locks ở TP. Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ.

Đọc E-paper

Thật ra, loạt tranh Việt Nam của Jane Irish là hợp đề của nhiều yếu tố: những hình ảnh được lưu giữ qua các chuyến du hành đến Việt Nam và cả nước Pháp – từng xâm lược và cai trị Việt Nam trong quá khứ, đặc biệt là kiến trúc thời thuộc địa, phong cảnh bên ngoài và nội thất bên trong, các mô-típ văn học và thơ ca của các cựu chiến binh Mỹ từng tham gia cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Trên cái nền chủ đạo là mối quan tâm của bà đến những di sản nặng nề của cuộc chiến tranh đã qua tại Việt Nam, Jane Irish xây dựng tác phẩm từ cảnh sắc và các kiến trúc cổ kính trên dải đất hình chữ S kết hợp với những chiêm nghiệm mà bà có được qua các cuộc tiếp xúc với các cựu binh Mỹ - những người hoạt động tích cực trong phong trào “Cựu binh từ Việt Nam chống chiến tranh” (Vietnam Veterans Against the War – VVAW). Với bà, các hoạt động của họ là một hình mẫu cho các nghệ sĩ sáng tác.

Trần kháng chiến màu đỏ thắm và xanh lá cây (mực màu trên giấy, 2015)

Nói cách khác, tranh của Jane Irish thấm đẫm vẻ lộng lẫy của kiến trúc và cảnh quan Việt Nam cùng những hồi ức thời thực dân và tinh thần phương Đông. Tác phẩm của nữ họa sĩ (tranh và gốm mỹ thuật) thường tập trung vào vẻ đẹp của Việt Nam và tinh thần của người Việt như họa sĩ bày tỏ: “Việt Nam, cảnh sắc và văn hóa, với một vẻ thẩm mỹ tuyệt đẹp mà nhiều thứ thường bị cố tình lờ đi trong lịch sử của người Mỹ chúng tôi. Tôi mong muốn được tôn vinh vẻ đẹp đích thực của Việt Nam trong nghệ thuật của tôi và muốn hiến dâng cuộc đời tôi cho một hành động thiện chí, qua đó vô hiệu hóa các hậu quả của chiến tranh theo những cách thức thật khiêm tốn. Tôi vẽ những tác phẩm đẹp về Việt Nam bởi người Mỹ chúng tôi từng tàn phá đất nước này…”.

Để hiểu rõ hơn về Việt Nam, Jane Irish còn dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về các hoạt động giao thương ở các cảng Việt Nam những năm xa xưa nối với Ai Cập, Nhật, Ấn Độ và châu Phi. Thậm chí, các hoạt động của Công ty Đông Ấn thuộc Pháp (French East India Company) cũng như của ngành ngoại giao Pháp thời đó cũng đã được ghi dấu trong tranh của Jane Irish từ năm 2011 khi bà vẽ những tòa lâu đài Malouiniere dát vàng được xây dựng ở vùng Saint-Malo vào thế kỷ XVII bởi những ông trùm ngành vận tải biển người Pháp.

“Bây giờ tôi đang mở rộng các câu chuyện kể bằng hình ảnh của tôi tới biên độ của vũ trụ. Tôi thực hiện những bức tranh theo một chu kỳ sáng tạo huyền thoại (với chủ đề “Món nợ Việt Nam”), lấy cảm hứng từ một tác phẩm của Edgar Allan Poe…”, Jane Irish cho biết.

Phong cảnh Việt Nam (tempera trên vải bố, 2015)

Năm 2013, trong chuyến đi tới Florence của nước Ý, Jane Irish đã vẽ trong 3 tuần những hình ảnh nội thất tráng lệ của các bảo tàng và các dinh thự tư nhân. Còn trong triển lãm “Gót chân xoay tít mù”, các tác phẩm của bà gợi nhớ các tranh vẽ trên trần và vòm trần các kiến trúc thời Phục hưng ở Florence, song thay vì là hình ảnh thiên đường và các vị thánh Thiên Chúa giáo, nữ họa sĩ đã vẽ các nhà hoạt động chống chiến tranh, các gương mặt chính khách liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam như Lyndon Johnson và các cựu chiến binh. Tất nhiên các hình ảnh đó được vẽ trên trần các kiến trúc nổi tiếng ở Việt Nam như lăng Khải Định ở Huế, nhà cổ Tấn Ký ở Hội An…

Trong tác phẩm Vũ trụ - một tranh bộ ba được vẽ với chất liệu tempera trên vải bố, Jane Irish đã thể hiện những mô-típ khác nhau về rồng - linh vật trong huyền thoại “Rồng tiên” của người Việt, gợi nhớ hình ảnh rồng trên trần lăng Khải Định ở Huế (được xếp vào danh sách những vòm trần kiến trúc ấn tượng nhất thế giới). Theo các nhà phê bình mỹ thuật, đây là tác phẩm gây ấn tượng nhất của phòng tranh “Gót chân xoay tít mù”.

Vũ trụ (tempera trên vải bố, 2015)

Về chất liệu sáng tác, không giống như các họa sĩ khác, Jane Irish thường sử dụng tempera (bột màu trộn với keo và lòng đỏ trứng gà) cùng các loại thuốc nhuộm và bà thường vẽ trên vải tyvek – một loại vật liệu màng làm hoàn toàn bằng sợi polyethylene siêu mịn được chế tạo bởi công nghệ đặc biệt, các sợi được gắn với nhau bởi tác động cơ – nhiệt, không dùng hóa chất.

Jane Irish tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật bang Maryland năm 1977, sau đó nhận bằng Cao học mỹ thuật tại Đại học Queens ở New York năm 1980. Bà đã tham dự nhiều triển lãm nhóm tác giả tại Bảo tàng Mỹ thuật Philadelphia, Bảo tàng Mỹ thuật Delaware, gallery của Trường Cao đẳng Mỹ thuật và Thiết kế Moore, gallery của Đại học Rutgers… và đã nhận được nhiều giải thưởng mỹ thuật danh giá.

Tác phẩm của Jane Irish hiện được trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng và Vườn tượng Hirshhorn ở Washington D.C, Bảo tàng Mỹ thuật Philadelphia, Bảo tàng của Học viện Mỹ thuật bang Pennsylvania, Bảo tàng của Đại học LaSalle ở Philadelphia và có trong nhiều bộ sưu tập tư nhân. Trong một cuộc phỏng vấn của tạp chí Title, Jane Irish cho biết bà đã quan tâm đến các hoạt động chống chiến tranh từ năm mới 16 tuổi khi đang theo học mỹ thuật; lúc đó tổ chức VVAW đã tiến hành nhiều hoạt động rầm rộ chống cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Đó chính là một nguồn cơn quan trọng trong hành trình sáng tác của nữ họa sĩ.

>Hãy đầu tư vào các tác giả nữ!

>Thưởng ngoạn nghệ thuật trên đường sắt

>Nghệ sĩ tạo hình Florian Nguyen: Ký ức và lãng quên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hình ảnh Việt Nam trong tranh Jane Irish
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO