Được và mất khi thu hồi dự án nhà đất sai phạm

DUY KHÁNH| 19/01/2019 07:00

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2019, bà Phan Thị Thắng - Giám đốc Sở Tài chính đề nghị: "Hủy bỏ 300 quyết định, công văn bán chỉ định đất công".

Được và mất khi thu hồi dự án nhà đất sai phạm

Khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM

Ảnh hưởng sâu rộng

Theo bà Thắng, thời gian qua, với vai trò là thường trực của Ban chỉ đạo 167, Sở Tài chính đã rà soát việc sử dụng nhiều mặt bằng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định 167/2017 về sắp xếp nhà đất công trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Sở Tài chính đề nghị hủy bỏ 300 quyết định, công văn chỉ định bán các mặt bằng và địa chỉ nhà đất công cho các tổ chức, cá nhân và đưa vào bán đấu giá theo quy định.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định: "Điều này chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến thị trường bất động sản Thành phố, đến các chủ đầu tư, các nhà đầu tư thứ cấp (kể cả nhà đầu tư nước ngoài), các ngân hàng thương mại và người mua nhà.

Mục tiêu là lập lại trật tự, đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trên thị trường bất động sản là hết sức cần thiết, tạo cơ hội bình đẳng cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, nhưng cần đảm bảo sự ổn định xã hội và thị trường bất động sản, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp".

Link bài viết

Điển hình nhất trong thời gian gần đây liên quan tới việc thu hồi đất, đó là câu chuyện của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land. Theo đó, cuối năm 2018, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng đình chỉ hoạt động xây dựng tại dự án Charmington Iris ở 76 Tôn Thất Thuyết, P.16, quận 4, TP.HCM, đồng thời thu hồi giấy phép xây dựng đã cấp cho dự án theo quy định.

Lý do của việc thu hồi này, theo UBND TP.HCM là Công ty TNHH Đầu tư Sabeco (Sabeco HP) báo cáo không chính xác về tài sản sử dụng trên đất của khu đất và ý kiến của UBND quận 4 là đất trống, trong khi thực tế vẫn còn 14 hộ dân đang cư ngụ. Quyết định thu hồi dự án có vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng đã khiến cho doanh nghiệp và những người mua nhà tại dự án "đứng ngồi không yên".

Đại diện Sabeco HP khẳng định doanh nghiệp này đã thực hiện đúng pháp luật, tuân thủ các thủ tục hành chính do Nhà nước quy định, đã được cấp giấy phép xây dựng và đang được xây dựng theo giấy phép. Ngày 13/3/2018, Công ty Sabeco HP cũng đã hoàn tất toàn bộ nghĩa vụ tài chính (tiền sử dụng đất) cho dự án theo công văn xác nhận của Chi Cục thuế quận 4 số 973/CV-CCT ngày 15/3/2018.

Một dự án khác cũng từng rơi vào tầm ngắm thu hồi, khiến chủ đầu tư đứng trước nguy cơ phá sản, đó là dự án tại khu đất 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Tháng 6/2011, UBND TP.HCM có quyết định chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue sử dụng 4.896m2 đất tại số 8-12 Lê Duẩn để đầu tư khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm.

Giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất này (số 8 Lê Duẩn) được phê duyệt ở mức hơn 621,7 tỷ đồng. Đơn giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn được Thành phố xác định hơn 3,5 triệu/m2/năm. Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue cũng đã nộp số tiền sử dụng đất và nộp tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước hơn 700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngày 11/12/2018, UBND TP.HCM ban hành quyết định về việc thu hồi khu "đất vàng" này do có sai phạm trong việc không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất. Công ty CP đầu tư Lavenue cho biết, ước tính đến nay đã chi xấp xỉ 1.500 tỷ đồng để thực hiện dự án, trong đó có 624 tỷ nộp tiền sử dụng đất, gần 150 tỷ thuê tư vấn nước ngoài và 687 tỷ tiền lãi vay.

Lavenue cho rằng, nếu dự án bị thu hồi, công ty sẽ phá sản, cán bộ nhân viên sẽ mất việc làm. Sau đó, đến ngày 18/12/2018, UBND TPHCM đã rút quyết định về việc thu hồi khu "đất vàng" gần 5.000m2 tại 8-12 Lê Duẩn (quận 1).

Nhiều hệ lụy

Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: "Doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì có một số dự án sẽ gần như phải dừng lại. Mọi tính toán của doanh nghiệp bị sai hết, nhất là đối với dự án đang trong quá trình hoạt động kinh doanh. Còn người mua thì cũng thiệt hại vì họ không biết rõ, nhà của mình sẽ nằm trong diện xử lý như thế nào".

Còn TS. Bùi Quang Tín cho rằng: "Chủ đầu tư phải chuẩn bị rất nhiều nguồn lực để tung dự án ra. Quyết định dừng của chính quyền đã tác động tới nguồn lực mà doanh nghiệp đang thực hiện triển khai. Đối với khách hàng đã lỡ mua, lỡ đặt cọc tiền thì họ chỉ biết truy cứu trách nhiệm của chủ đầu tư. Đây là một vấn đề rất lớn khi có tới 300 dự án sẽ hoặc đang rơi vào tình trạng tạm dừng".

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc thu hồi dự án trước hết tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp bất động sản. Nhưng cũng đang từng bước "giáng đòn" gián tiếp một cách mạnh mẽ đến thị trường tài chính, chứng khoán. Nên hiệu ứng domino và lo ngại về cuộc khủng hoảng là có thể xảy ra nếu như cơ quan đứng ra thu hồi và ngân hàng không có phương án cụ thể.

"Nói riêng về nợ xấu, thu hồi 300 dự án thì nợ xấu bất động sản có khả năng sẽ tăng hàng chục lần. Bởi hiện nợ bất động sản tại ngân hàng thực tế phải trên 70% thông qua các hình thức ẩn khác nhau", ông Hiếu nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Được và mất khi thu hồi dự án nhà đất sai phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO