Góc chuyên gia

Vai trò “tài chính xanh” ở Đông Nam bộ

Trần Trung Kiên (*) 18/09/2023 11:00

Tài chính xanh (Green Finance) là các giải pháp hướng tới phát triển bền vững thông qua sản phẩm và dịch vụ tài chính được cung cấp bởi các định chế tài chính. Hay nói cách khác, tài chính xanh được hiểu tăng mức độ dòng tài chính từ khu vực công, khu vực tư nhân và các tổ chức phi lợi nhuận cho ưu tiên phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lược khảo nghiên cứu cho thấy có nhiều định nghĩa về “tài chính xanh”. Theo Ngân hàng Đầu tư châu Âu, tài chính xanh là dịch vụ tài chính được cung cấp cho hoạt động kinh tế nhằm hỗ trợ cải thiện môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, bao gồm tài trợ, quản lý vận hành và quản lý rủi ro các chương trình hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng sạch, giao thông xanh và công trình xanh.

Tài chính xanh là các giải pháp hướng tới phát triển bền vững thông qua sản phẩm và dịch vụ tài chính được cung cấp bởi các định chế tài chính. Hay nói cách khác, tài chính xanh được hiểu là tăng mức độ dòng tài chính (từ ngân hàng, tín dụng vi mô, bảo hiểm và đầu tư) từ khu vực công, khu vực tư nhân và các tổ chức phi lợi nhuận cho ưu tiên phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, những ngoại tác tiêu cực về môi trường và xã hội được giải quyết hiệu quả.

Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc ứng dụng, điều tiết và và định hướng các giải pháp về tài chính xanh, chính quyền địa phương thúc đẩy khu vực tư quan tâm nhiều hơn đến môi trường, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững vùng, tăng đầu tư vào các lĩnh vực sạch và công nghệ xanh.

quan-he.jpg
Quan hệ đối tác đa chiều nhằm thúc đẩy sự phát triển của tài chính xanh

Phân tích thực trạng

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, Đông Nam bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng, là trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước, đóng góp khoảng 45% GDP và khoảng 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách cả nước. Tuy nhiên, những ngoại tác tiêu cực từ sản xuất và tiêu dùng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến năm 2019, dọc theo lưu vực sông Đồng Nai có hơn 10.100 doanh nghiệp công nghiệp, trong đó nhiều doanh nghiệp không xử lý nước thải theo đúng quy định. Một lượng rất lớn nước thải từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương đổ vào sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Thị Vải.

Đông Nam bộ cũng là khu vực có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, nhưng nước thải sinh hoạt của các đô thị mới chỉ được thu gom một phần, còn lại chủ yếu được thải thẳng vào sông, suối, kênh, rạch. Đông Nam bộ là một trong những địa phương có lượng phát sinh chất thải rắn cao nhất cả nước.

luong.jpg
Lượng phát sinh chất thải rắn các vùng giai đoạn 2016-2020

Vì vậy, các giải pháp về tài chính xanh là rất cần thiết nhằm giảm thiểu tác hại từ sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các giải pháp về tài chính xanh chưa được phát triển đồng bộ tại vùng Đông Nam bộ, mà chỉ một số lĩnh vực tài chính được phát triển một cách riêng lẻ như tín dụng xanh hay trái phiếu xanh.

Tín dụng xanh. Tín dụng xanh là những khoản tín dụng mà ngân hàng hỗ trợ các chương trình vay vốn nhằm mục đích bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Xu hướng tăng trưởng tín dụng xanh đã phát triển từ lâu trên thế giới như các chương trình tiết kiệm, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch. Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của tín dụng xanh chỉ mới được chú trọng tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Cụ thể, tháng 3/2015, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong việc cấp tín dụng, từ đó dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ hơn 71.000 tỷ đồng năm 2015 đến 431.700 tỷ đồng năm 2021. Trong đó, dư nợ nông nghiệp xanh 2021 đạt 138.200 tỷ đồng, dư nợ năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt 198.600 tỷ đồng.

Đáng tiếc, hiện nay vẫn chưa có thống kê về dư nợ tín dụng xanh cụ thể ở các địa phương và sơ kết về vai trò định hướng, điều tiết của chính quyền địa phương trong việc phát triển tài chính xanh.

Trái phiếu xanh. Trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành vào năm 2007 bởi Chính phủ và những người cho vay thương mại ở châu Âu. Việc phát hành trái phiếu xanh tăng lên nhờ các chương trình khuyến khích của chính phủ một số quốc gia. Thị trường trái phiếu xanh toàn cầu đã tăng từ 4,3 tỷ USD năm 2012 lên 162 tỷ USD vào năm 2018.

Ở Việt Nam, theo tổng hợp của Công ty Chứng khoán SSI, kết quả phát hành trái phiếu xanh của một số ngân hàng thương mại và doanh nghiệp vào khoảng 20.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại vùng Đông Nam bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM được Bộ Tài chính chấp thuận thí điểm phát hành trái phiếu địa phương với tổng số tiền là 2.500 tỷ đồng để đầu tư vào các đề án bảo vệ môi trường.

Dù vậy, so với tác hại môi trường từ sản xuất của các khu công nghiệp và tốc độ đô thị hóa nhanh của vùng, quy mô và tác động của các giải pháp về tài chính xanh còn quá nhỏ bé và chưa được phát triển đồng bộ.

Đề xuất chính sách

Từ lược khảo lý thuyết, phân tích thực trạng và bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển tài chính xanh hướng đến phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng Đông Nam bộ như sau:

Đối với chính quyền Trung ương, tạo khuôn khổ pháp lý nhằm phát triển đa dạng và đồng bộ các giải pháp về tài chính xanh, như quy định việc công bố các thông tin liên quan đến môi trường của các công ty niêm yết. Nâng cao vai trò của thị trường chứng khoán trong việc hỗ trợ đầu tư xanh, phát triển bảo hiểm xanh. Tạo điều kiện cho thị trường giao dịch quyền phát thải phát triển. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về các giải pháp hiện hành như phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh hướng tới phát triển bền vững.

Nghiên cứu và ứng dụng bộ tiêu chuẩn đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, phát triển bền vững của doanh nghiệp (ESG) vào các giải pháp tài chính xanh. Điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp và tận dụng sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế để khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia nhiều hơn vào các chính sách tài chính xanh. Hình thành quỹ phát triển xanh và huy động vốn xã hội thông qua đối tác công tư. Tăng cường hợp tác quốc tế về thực hiện chính sách tăng trưởng tài chính xanh và phát triển bền vững. Hỗ trợ chính quyền địa phương phát triển tài chính xanh phù hợp với bối cảnh thực tiễn của các vùng.

Đối với chính quyền địa phương, chủ động tăng cường vai trò định hướng, điều tiết các chính sách về tài chính xanh phù hợp với bối cảnh của từng địa phương. Tạo điều kiện cho các định chế tài chính trung gian tại địa phương tham gia nhiều hơn vào các giải pháp về tài chính xanh. Phối hợp với chính quyền Trung ương, các định chế tài chính trung gian trong việc ứng dụng tiêu chí ESG vào từng chương trình cụ thể tại địa phương.

(*) Khoa Tài chính công, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vai trò “tài chính xanh” ở Đông Nam bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO