Vùng kinh tế Đông Nam bộ: Hiện trạng và gợi ý tái cấu trúc
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký các quyết định thành lập Hội đồng Điều phối 4 vùng kinh tế, trong đó có vùng Đông Nam bộ nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Thực trạng vùng kinh tế Đông Nam bộ
Vùng kinh tế Đông Nam bộ đang đối diện với hạ tầng giao thông không đồng bộ nên việc kết nối chuỗi cung ứng nội vùng và ngoại vùng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chi phí logistics cao và ảnh hưởng đến chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Vùng có tỷ lệ đô thị hóa đến 67%, đặc biệt có siêu đô thị là TP.HCM và các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai đang thu hút hơn 40% lao động nhập cư nên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đáp ứng kịp. Theo quy hoạch, đến năm 2030, vùng có 970km cao tốc, nhưng hiện tại mới đưa vào khai thác chỉ hơn 10% con số đó. Nguyên nhân chính đến từ sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư công và khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Những thách thức hiện hữu về môi trường bao gồm tình trạng suy thoái và ô nhiễm đất (quy mô dân số tăng 2,93%/năm), ô nhiễm nguồn nước (các khu công nghiệp mỗi ngày thải khoảng 120.000m3 nước thải, khí thải và 1.400 tấn rác thải công nghiệp), ô nhiễm không khí (nồng độ chì có nơi tăng 1,25 lần so với ngưỡng trung bình) và ô nhiễm chất thải rắn (tăng từ 11.402 tấn/ngày lên 13.539 tấn/ngày giai đoạn 2015-2017). Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, gồm có sự tập trung các khu công nghiệp với mật độ cao, bố trí gần trung tâm và khu dân cư, có địa phương phát triển khu công nghiệp ở đầu nguồn sông, lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống xử lý nước thải của doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn.
Tác động bởi Covid-19 vùng phải đối mặt, nhất là thiếu hụt nguồn lao động và phục hồi lại chuỗi cung ứng cũng như phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trước bối cảnh ấy, vấn đề giải quyết các điểm nghẽn quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững vùng theo quan điểm NQ-24/TW (2022) “Đông Nam bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại dịch vụ, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác” là quan trọng nhất.
Tái cấu trúc vùng
Tái cấu trúc vùng hướng đến động lực phát triển các ngành kinh tế hướng đến hiệu quả, đổi mới sáng tạo, thâm dụng công nghệ nhằm phá vỡ điểm nghẽn thâm dụng lao động ít kỹ năng, thâm dụng vốn và tài nguyên.
Giai đoạn từ năm 2022 trở về trước, vùng phát triển chủ yếu dựa trên thâm dụng các yếu tố đầu vào như lao động ít kỹ năng, thâm dụng vốn, thâm dụng năng lượng, thâm dụng tài nguyên đất, hay nói khác đi là tăng trưởng hiện trạng chủ yếu từ các yếu tố đầu vào mặc dù tạo ra thu nhập bình quân đầu người cao hơn 40% so với mức trung bình cả nước và hiện ở mức xấp xỉ hơn 6.000 USD/người/năm.
Tái cấu trúc vùng nguồn vốn đầu tư công cho những con đường vành đai TP.HCM và vùng phải được ưu tiên giải quyết theo quy hoạch, do vậy phải hoàn thiện quy hoạch vùng trong thời gian sớm nhất để xác định các công trình trọng điểm.
Vùng cần kiến tạo hệ sinh thái hiệu quả cho việc chuyển đổi và phát triển các ngành hiện hữu gắn với đổi mới sáng tạo và ICT, giảm chi phí đầu vào, nâng cao liên kết vùng nguyên liệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu. Từng bước tái cấu trúc các khu công nghiệp thuộc vùng, đặc biệt là những khu công nghiệp gần trung tâm các thành phố theo mô hình khu công nghiệp sinh thái liên quan đến đô thị, thương mại, dịch vụ. Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) đã đề xuất TP.HCM thực hiện thí điểm khu công nghiệp sinh thái cho Khu công nghiệp Hiệp Phước, sau đó mở rộng ra các khu công nghiệp khác với tiêu chuẩn sinh thái - đô thị - logistics.
Mở rộng không gian phát triển và liên kết bằng cách hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng.
Xây dựng các trung tâm e-logistics kết nối nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa nội vùng và thúc đẩy dòng hàng hóa xuất khẩu từ vùng theo hướng giảm chi phí chung nhằm phát huy lợi thế về độ mở thương mại. Vùng cần kiến tạo hệ sinh thái hiệu quả cho việc chuyển đổi và phát triển các ngành hiện hữu đổi mới sáng tạo gắn với yếu tố ICT. Chuyển đổi ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm gắn với nông trại thông minh, góp phần nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu.
Ngày 11/7/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký các quyết định thành lập Hội đồng Điều phối 4 vùng kinh tế, trong đó có vùng Đông Nam bộ nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Hội đồng Điều phối vùng có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, giúp Thủ tướng chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng. Điều phối các hoạt động độc lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước (FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân), thúc đẩy đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng chiến lược, cấp bách, quan trọng của vùng. Điều phối các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng. Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, thành phố không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng.
(*) Trường Đại học Kinh tế TP.HCM