Châu Á nới lỏng đầu tư: BĐS sẽ “hút” vốn

HẠNH HỒ| 24/07/2014 00:19

Các quy định về đầu tư vào BĐS dành cho công ty bảo hiểm ở châu Á đang dần được nới lỏng, và điều này đang hỗ trợ gia tăng các giao dịch đầu tư vào ngành này.

Châu Á nới lỏng đầu tư: BĐS sẽ “hút” vốn

Các quy định về đầu tư vào bất động sản (BĐS) dành cho công ty bảo hiểm ở châu Á đang dần được nới lỏng, và điều này đang hỗ trợ gia tăng các giao dịch đầu tư vào ngành này.

Tiềm năng lớn

Theo các nhà quản lý bảo hiểm trong 10 khu vực pháp lý châu Á, tổng tài sản bảo hiểm đạt mức 6,7 nghìn tỷ USD tại châu Á vào cuối năm 2013, trong khi con số này tại Mỹ là 5,8 nghìn tỷ USD và tại Anh là 3 nghìn tỷ USD.

Nhật Bản là thị trường có tài sản bảo hiểm lớn nhất, nắm trong tay tổng số tài sản hơn 3,3 nghìn tỷ USD. Phần lớn tải sản còn lại thuộc về thị trường bảo hiểm của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Bốn nước này kiểm soát 90% tài sản bảo hiểm ở Châu Á.

Các công ty bảo hiểm ở Châu Á đầu tư rất thấp vào ngành BĐS vì bị bó buộc bởi các quy định nghiêm ngặt, đặc biệt đối với các tài sản ngoài nước. Phần lớn sự đầu tư đều dồn vào các tài sản lưu động và minh bạch như thị trường chứng khoán, tiền mặt, thu nhập cố định và trái phiếu chính phủ.

Dự án Hyundai HillState (đường Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội), do Công ty TNHH Hyundai RNC Hà Tây thuộc Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư

Ông Marc Giuffrida - Giám đốc điều hành trong nhóm thị trường vốn toàn cầu của CBRE cho biết: "Các công ty bảo hiểm châu Á đang dần đạt được kết quả tích cực trong các quỹ chủ quyền và lương hưu nhờ đầu tư vào BĐS toàn cầu. Điều quan trọng bây giờ là có sự ưu tiên và minh bạch ở nơi mà các cơ quan quản lý và ủy ban đầu tư có thể chạm đến, giúp giảm nỗi lo về rủi ro và lợi nhuận".

Theo thống kê của ngành, năm 2013, BĐS chỉ chiếm 2% (khoảng 130 tỷ USD) trong danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm châu Á, trong đó bao gồm đầu tư BĐS trực tiếp và gián tiếp. Trong số đó có 1% của Trung Quốc, 1,8% ở Nhật Bản và 2,4% là ở Hàn Quốc.

Theo CBRE, các thị trường đã phát triển thường bố trí 4 - 6% số tài sản của họ vào BĐS, trong khi đó ở Mỹ là 6,7% và ở Anh là 5,1%.

Ở châu Á, Đài Loan là nước có mức độ đầu tư vào thị trường BĐS tương đối cao, khoảng 4,8%. Tuy nhiên nguồn vốn hiện tại vẫn tập trung chủ yếu ở phạm vi trong nước, bởi đầu tư nước ngoài chỉ vừa được cho phép kể từ 2013.

CBRE nhận định, các công ty bảo hiểm ở châu Á đang phát triển chóng mặt, đặc biệt là trong năm năm qua, nhờ có sự thâm nhập của thị trường phương Tây kết hợp với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Phí bảo hiểm tại Trung Quốc đã tăng trên 10% trung bình mỗi năm trong vòng 5 năm qua. Hơn nữa, ngành kinh doanh bảo hiểm ở châu Á vẫn đầy tiềm năng để phát triển. Những yếu tố này chính là “lực đẩy” cho thị trường BĐS ở khu vực này.

BĐS sẽ “hút” 75 tỷ USD trong 5 năm tới

Quy mô của ngành bảo hiểm châu Á đang phát triển một cách nhanh chóng, trong 5 năm (từ 2008 đến 2013) đã tăng 13%.

CBRE dự đoán sự gia tăng tài sản bảo hiểm kết hợp với sự nới lỏng về đạo luật sẽ giúp các nhà bảo hiểm châu Á tăng nguồn tài sản đầu tư vào ngành BĐS từ 130 tỷ USD trong năm 2013 lên 205 tỷ USD vào năm 2018, trong đó có 75 tỷ USD sẽ được đầu tư vào dòng chảy BĐS, bao gồm cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

Chỉ tính riêng năm 2013 các thương vụ mua bán trong ngành BĐS của các công ty bảo hiểm châu Á ở các thị trường ngoài châu Á Thái Bình Dương đã lên đến 2,4 tỷ USD. Các công ty bảo hiểm này thường quan tâm tới các dự án có thương hiệu tại cửa ngõ của thành phố, đặc biệt là khi họ đầu tư lần đầu tiên ở nước ngoài.

Công ty bảo CBRE cho biết, các công ty bảo hiểm Trung Quốc và Đài Loan thường bỏ qua các cơ hội đầu tư trong nước và họ thường có mức tỷ suất lợi nhuận thấp từ thị trường nội địa, do họ có xu hướng chuộng đầu tư vào thị trường BĐS ở nước ngoài. Đầu tư trực tiếp vào BĐS sẽ được ưu tiên hơn vì họ sẽ nhận được nhiều ưu đãi hơn.

Công ty bảo hiểm Nhật Bản dự kiến sẽ tập trung đầu tư trong nước nhiều hơn bởi họ đã bị tổn thất nặng nề do quá tích cực đầu tư ở nước ngoài trong những năm 1990.

Công ty bảo hiểm của Hàn Quốc đã đầu tư ở nước ngoài trong nhiều năm qua, họ tích lũy được rất nhiều kinh nghiêm trong thị trường BĐS ở nước ngoài. Dự đoán, các công ty bảo hiểm Hàn Quốc sẽ sử dụng các kênh gián tiếp nhiều hơn để mở rộng danh mục đầu tư toàn cầu của họ.

Ông Ada Choi - Giám đốc cấp cao về nghiên cứu của CBRE nhận định: “Sẽ có sự gia tăng trong việc triển khai vốn cho BĐS của công ty bảo hiểm châu Á, song song với tổng quy mô tài sản của ngành trong 5 năm tới. Nhìn về lâu dài, sự nới lỏng cho các công ty bảo hiểm châu Á sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư BĐS toàn cầu của họ".

Dẫn chứng, ông Ada Choi cho biết, sau khi Trung Quốc cho phép các công ty bảo hiểm đầu tư ra nước ngoài từ năm 2012, đến tháng 2/2014, vốn đầu tư cho BĐS (cả trong và ngoài nước) của quốc gia này đã chiếm 20 đến 30% tổng tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Á nới lỏng đầu tư: BĐS sẽ “hút” vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO