Nợ xấu tái xuất?

LINH CHI| 05/06/2015 08:25

Các ngân hàng thương mại (NHTM) đều đưa ra lộ trình kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Tuy nhiên, xét đến yếu tố trích lập dự phòng có thể thấy rõ, nợ xấu lộ dần, rủi ro gia tăng.

Nợ xấu tái xuất?

Các ngân hàng thương mại (NHTM) đều đưa ra lộ trình kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Tuy nhiên, xét đến yếu tố trích lập dự phòng có thể thấy rõ, nợ xấu lộ dần, rủi ro gia tăng.

Đọc E-paper

Từ đầu năm đến nay, dòng vốn thông qua kênh tín dụng đã có sự dịch chuyển. Cụ thể, tín dụng phục hồi đầu tiên từ lĩnh vực nông lâm nghiệp, xây dựng, công nghiệp, và hiện tại đã lan tỏa đến lĩnh vực thương mại và dịch vụ.

Đồng thời, hoạt động gom nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang diễn biến tích cực.

Đến cuối năm 2014, VAMC đã mua được khoảng 123.000 tỷ đồng nợ xấu (tương đương 3,2% dư nợ của nền kinh tế).

Với định hướng mua thêm 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2015, nhiều ngân hàng (NH) cho rằng tỷ lệ nợ xấu có thể giảm về dưới 3% vào cuối năm. Và tăng trưởng tín dụng năm nay đạt mức 13 - 15% là khả thi.

Một yếu tố nữa cũng tác động tích cực đến hoạt động của các NH là lãi suất huy động và cho vay đã liên tục giảm trong các năm gần đây về mức thấp hơn giai đoạn 2005 - 2006.

Thực tế, định hướng giảm lãi suất cho vay thêm 1 - 1,5% có thể thực hiện được trong điều kiện lạm phát thấp và nợ xấu dần được đưa ra khỏi bảng cân đối của các NH.

Gói hỗ trợ 50.000 tỷ đồng cho bất động sản được NH Nhà nước trình Chính phủ xem xét được coi là tín hiệu nới lỏng tiền tệ hơn nữa trong năm 2015.

Nhìn chung các yếu tố vĩ mô có những tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh (KQKD) của ngành NH và các NH công bố KQKD quý I/2015 khả quan.

Nhiều NH công bố lãi lớn tác động tích cực đến thị trường tài chính nói chung và ổn định nền kinh tế nói riêng.

Nhưng thực tế, đó mới chỉ là bề nổi của vấn đề, bởi hiện nay, nếu đánh giá chi tiết nợ xấu, có thể thấy các NH đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Xét trường hợp Vietcombank có thể thấy rõ điều đó khi thu nhập lãi thuần hợp nhất trong quý I/2015 nhưng chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng 27%, khoảng 1.517 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,31% lên 2,67%, đặc biệt nợ có khả năng mất vốn tăng 34% lên mức 4.770 tỷ đồng.

Tương tự, do phải trích lập dự phòng rủi ro tăng mạnh hơn 47% so với cùng kỳ năm trước (khoảng 1.564 tỷ đồng) nên lợi nhuận Viettinbank dù cao cũng không còn bao nhiêu.

Viettinbank cho biết, tính đến hết quý I/2015, tổng cộng NH có 8.085 tỷ đồng nợ xấu, tăng 65% so với cuối năm 2014 và chiếm gần 1,8% trên tổng dư nợ.

Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến từ 2.085 tỷ đồng lên 5.547 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ dưới chuẩn của BIDV tăng 12% lên 5.283 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 18% lên 1.270 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 17% lên 3.831 tỷ đồng. Tại ACB, nợ có khả năng mất vốn tăng 6,5% lên 1.913 tỷ đồng...

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến 31/3, nợ xấu trên địa bàn là 60.883 tỷ đồng, chiếm 5,53% trên tổng dư nợ cho vay trên địa bàn.

Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nợ xấu của các NH trên địa bàn TP.HCM.

Tính đến 31/3, nợ xấu trên địa bàn là 60.883 tỷ đồng, chiếm 5,53% trên tổng dư nợ cho vay trên địa bàn.

Một Tổng giám đốc một NH lý giải, thách thức đối với NH hiện nay là khó kiểm soát được nợ xấu phát sinh từ khoản vay cũ.

Để hạn chế rủi ro, các NH đã tăng cường kiểm soát rủi ro nợ xấu và không buông lỏng chất lượng tín dụng trước khi trao vốn cho khách hàng.

Tuy nhiên, rất khó kiểm soát được nợ xấu phát sinh từ các khoản cho vay cũ trước đây.

Vì lúc này, yếu kém của DN mới bộc lộ trước tình hình khó khăn của nền kinh tế nên đòi hỏi phải trích dự phòng. Con số trích lập dự phòng tăng lên cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận co hẹp.

Thực tế, các NHTM đang phải đối mặt với một thách thức lớn là huy động về không thể cho vay ra.

Vì theo quy định, mỗi đồng vốn đi ra, NH phải trích lập ngay 0,75% dự phòng chung, nhưng trong bối cảnh khó khăn, nợ xấu tăng hiện nay không chỉ với trích lập dự phòng chung mà đòi hỏi NH phải hy sinh lợi nhuận để trích dự phòng rủi ro riêng.

Điều đó lý giải vì sao với chênh lệch lãi suất huy động-cho vay chỉ còn 1,5 - 2% hiện nay, dự phòng đã ăn hết lợi nhuận của NH.

Trong cuộc họp mới đây, TS. Trần Du Lịch đánh giá, mọi điều đều xuất phát từ tình hình kinh tế khó khăn đối với DN và cả NH.

Trong khi, hoạt động cho vay của NH là tính toán ở thời điểm hiện tại, nhưng lại cho vay trong tương lai nên không thể đoán trước được tình hình, nhất là khi kinh tế khó khăn và thời gian qua đã có nhiều vụ việc xảy ra.

Hơn nữa, trước đây, Quyết định 780/QĐ-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ nếu DN có triển vọng phục hồi sản xuất.

Quy định này đã giúp hơn 157.000 tỷ đồng không bị rơi vào nợ xấu. Nhưng tháng 4/2015 quyết định 780 hết hiệu lực khiến nợ xấu phình to.

Theo đánh giá của một số lãnh đạo NH, các NH đã lường trước xử lý nợ xấu nên từ đầu năm đến nay đã áp dụng rất nhiều giải pháp về sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC...

Tuy nhiên, với tình hình kinh doanh hiện tại, DN luôn muốn lãi suất giảm thấp khiến việc kinh doanh của NH gặp nhiều khó khăn. "Khi cho vay mới không được, nợ cũ phát sinh, DN mất khả năng chi trả thì vòng luẩn quẩn về nợ xấu lại tiếp diễn", một lãnh đạo NH nói.

>Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các nước: Trung Quốc

>Nợ xấu hấp dẫn vốn ngoại: Chớ mừng vội

>Nợ xấu cần điều kiện gì để VAMC mua lại?

>Xử lý nợ xấu: Chậm vì nhiều “kính chuyển”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nợ xấu tái xuất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO