Hành trình thấu cảm giá trị phương Tây

ĐOÀN HỒNG LÊ| 19/05/2018 03:36

Đường hướng đạo đức phương Đông và sức mạnh kỹ nghệ phương Tây có khó dung hòa hơn người ta tưởng?

Hành trình thấu cảm giá trị phương Tây

Lâm Vị Quân - một du học sinh sống 8 năm tại Mỹ để theo đuổi một ngành học về khoa học xã hội. Khi ngoài 20 tuổi, cô đã cùng hai bạn gái người Việt hành trình xuyên qua nước Mỹ giữa mùa Đông - chuyến đi mà những người bản xứ trưởng thành cũng băn khoăn vì có thể gặp nguy hiểm.

Lâm Vị Quân kể: "Điều quan trọng nhất mà chuyến đi mang lại cho chúng tôi đó là những kỷ niệm. Lúc đầu tôi nghĩ chuyến đi sẽ có thêm kinh nghiệm sống hoặc những mối quan hệ bạn bè, nhưng sau đó nhận ra không hẳn như vậy, bởi vì kinh nghiệm sống mình phải học lâu dài, không lúc này thì lúc khác, bạn bè thì có duyên là gặp.

Còn những năm 20 tuổi đi cùng với những người bạn thân nhất thì đúng là chỉ có thời điểm đấy và những con người đấy mới để lại những kỷ niệm cả đời. Rồi kỷ niệm khi đến với những vùng đất khác nhau của Mỹ. Nước Mỹ trải rộng trên nhiều kinh độ thành ra cảnh quan thiên nhiên rất khác nhau. Trong một ngày chúng tôi có thể đi qua núi, đồng bằng, sa mạc, đi qua trang trại, cánh đồng, dòng sông.

Khi đứng trên núi Rocky Mountain có đỉnh cao nhất Bắc Mỹ, nếu một giọt mưa rơi xuống đấy nghiêng về bên trái một tí thì sẽ trôi ra Thái Bình Dương, nếu nghiêng về bên phải một tí thì sẽ trôi ra Đại Tây Dương. Khi biết được điều đó tôi cảm thấy rất là may mắn. Cũng từ chuyến đi này, tôi nghĩ về gia đình rất nhiều. Cách cư xử của bố mẹ người phương Đông và bố mẹ người phương Tây đối với con cái khác nhau khá xa.

Tôi nhận thấy bố mẹ người phương Đông có sự ảnh hưởng lên quyết định của con cái hơn bố mẹ người phương Tây. Trong gia đình có văn hóa phương Tây, con cái qua 18 tuổi mà làm việc gì không vừa ý bố mẹ thì bố mẹ sẽ tỏ ý không hài lòng, nhưng nếu con quyết định làm điều nó muốn thì vẫn không bị xem là bất hiếu hay thiếu tôn trọng bố mẹ. Nếu điều tương tự xảy ra ở các nước Á Đông, như ở Việt Nam thì bố mẹ sẽ cảm thấy con mình như vậy là cãi lời bố mẹ, bố mẹ chưa nghiêm khắc với con đầy đủ...".

Nhóm bạn của Lâm Vị Quân không chỉ du lịch mà còn muốn cảm nhận những giá trị văn hóa Mỹ trên hành trình gian khó ấy.

Trong những năm sống ở châu Âu hay Bắc Mỹ, những du học sinh, những nghiên cứu sinh Việt Nam muốn thấu cảm những giá trị phương Tây qua các chuyến đi, đặc biệt là mong muốn giải đáp nền văn hóa nào là phù hợp, là đem lại hạnh phúc, đem lại những thành công cho cuộc đời mỗi người.

Một người trẻ khác là Trần Hồng Quang, sau 5 năm học tại Đại học Kiến trúc TP.HCM, nhận được học bổng của Chính phủ Bỉ cho hai năm học thạc sĩ tại quốc gia này. Thời gian học tập và sinh sống tại Bỉ đã cho Quang nhiều trải nghiệm với văn minh phương Tây. Năm 2015, anh trở về nước với nhiều thay đổi trong suy nghĩ và hành động.

Quang nói: "Cái mà người Việt bị cuốn hút bởi thế giới phương Tây là những tiêu chuẩn của cuộc sống mà chúng ta không có. Mình không quen với cách làm việc tư duy vấn đề, giải quyết vấn đề. Ở Việt Nam, giáo sư đưa cho sinh viên câu hỏi và sinh viên tìm câu trả lời, đáp án sao cho đúng theo barem. Còn ở Bỉ, giáo sư đưa ra đề án, sinh viên phải đặt câu hỏi và tự tìm câu trả lời, nếu không đặt ra được câu hỏi thì không thể theo học được.

Có hai bạn cùng học với tôi bỏ ngang vì không quen với cách đó, bị cú sốc lớn. Người phương Tây quan niệm về chuyện một sinh viên, một người trẻ bỏ học là bình thường. Người trẻ có quyền làm sai để nhận ra điều cần thiết cho họ. Bản thân họ phải tự nhìn nhận ra mình cần gì, mình muốn gì. Đó là một cú sốc văn hóa đối với tôi và cũng là bài học quý giá”. 

Trần Hồng Quang đang chuẩn bị kết hôn cùng bạn gái, cũng là một cựu du học sinh từ Anh trở về. Đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, Quang càng nhận ra sự khác biệt giữa văn hóa phương Đông và phương Tây:

"Tuổi trẻ của người phương Đông theo tôi khá ngắn so với tuổi trẻ của người phương Tây vì định nghĩa của xã hội bao nhiêu tuổi nên lập gia đình, bao nhiêu tuổi thì phải có thành tựu gì đó trong cuộc sống. Cách suy nghĩ của người phương Tây gói gọn trong bản thân mỗi người. Họ suy nghĩ về bản thân mình trước khi nghĩ mình là ai trong một nhóm nhỏ người. Phần lớn người phương Đông nghĩ về bản thân trong một tập thể, không muốn làm quá khác tập thể bởi nếu vậy sẽ không được tập thể đó đón nhận. Đó là sự khác nhau về lối sống".

Quyết định kết hôn của Quang là kết quả của một quá trình nhận thức, rằng, sau thời gian theo đuổi công việc, đã đến lúc nghĩ đến việc có gia đình và cuộc sống riêng. Quang và bạn bè của Quang nhận ra rằng ai cũng có nhu cầu xã hội và cần những điều như ba mẹ nói, nhưng điểm khác nhau là khi con người tự nhận ra được điều họ muốn thì họ sẽ làm điều đó một cách thật lòng, còn nếu họ chỉ làm điều đó theo sự nhồi nhét từ ba mẹ, trường lớp hay xã hội thì chỉ làm để hoàn thành nghĩa vụ.

Quang và vợ muốn giống những người phương Tây mà họ gặp, như Quang chia sẻ: "Có người 38 -39 tuổi vẫn kết hôn, sinh con. Họ được quyền tự chọn thời điểm họ muốn dừng cuộc chơi và xây dựng gia đình".

Tôi từng đặt câu hỏi với TS. Thái Thị Kim Lan đang giảng dạy triết học tại một trường đại học ở CHLB Đức: "Các quốc gia Đông Á mong muốn học tập con đường kỹ thuật của phương Tây mà vẫn kiên định lưu giữ những giá trị đạo đức truyền thống của phương Đông. Vậy thì đường hướng đạo đức phương Đông và sức mạnh kỹ nghệ phương Tây có khó dung hòa hơn người ta tưởng? Có những gia đình mong muốn con cái định cư và kết hôn với người phương Tây, rồi những thế hệ sau cũng vậy. Vậy kêu gọi giữ gìn bản sắc dân tộc để làm gì? Có phải để thấy rằng ta vẫn còn là người Việt?

TS. Thái Thị Kim Lan chia sẻ những trải nghiệm và suy ngẫm của chị: Những cú sốc văn hóa xảy ra với tất cả khi ai đó rời gia đình đến các nước phương Tây, và trong tâm trí luôn nghĩ làm sao để thích ứng tốt nhất. Chính cha mẹ mong muốn con hội nhập chứ không phải áp lực.

Sau nửa thế kỷ sống ở châu Âu, tôi nghĩ, ra nước ngoài, nếu giữ được những giá trị văn hóa nền tảng phương Đông mình sẽ tạo nên giá trị mới trong mắt đồng nghiệp. Tôi thấm nhuần những giá trị tốt của họ, như phát biểu tự do, thẳng thắn nêu ý kiến cá nhân. Theo tôi, người Việt định cư ở các nước phương Tây nên chọn những giá trị văn hóa đúng và phù hợp để hoàn thiện nhân cách sống và hòa nhập vào môi trường mới.

TS. Đặng Hoàng Giang nổi tiếng với những cuốn sách nghiên cứu xã hội học đã rời khỏi công việc tại châu Âu trở về Việt Nam có những nhận định thú vị: "Tôi về nước như hành trình khám phá một phần con người mình, nguồn gốc mình, vì khi đến châu Âu tôi chỉ như một đứa trẻ. Và tôi đối diện với hiện tượng "thần phục phương Tây" trong lối sống, trong tư duy của một bộ phận người trẻ hiện nay khi họ có điều kiện hội nhập nhờ thế giới phẳng.

Tôi nhìn thấy cách dùng một tập thể để "thuần hóa" cá tính, suy nghĩ khác biệt. Tôi nhìn thấy những con người không tôn trọng thiên nhiên, nhìn thấy sự hoang mang trong mỗi bước đi của họ. Tôi chỉ muốn nói rằng, phương Đông hay phương Tây đều có những bế tắc, có thành tựu và đều muốn kiếm tìm hạnh phúc. Mỗi người hãy tự xây dựng hành trình sống, chắt lọc những giá trị tốt cho mình hơn là suy nghĩ cực đoan rồi trở nên bế tắc".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hành trình thấu cảm giá trị phương Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO