Thời sự

Đề xuất khách hàng được mua điện tái tạo không cần thông qua EVN

Thanh An 07/05/2024 - 11:00

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất mọi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu đều có thể mua điện tái tạo trực tiếp thay vì qua EVN.

Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), trong đó cho phép các nhà máy điện gió, điện mặt trời được phép bán trực tiếp cho khách hàng thông qua đường dây riêng hoặc lưới quốc gia.

Góp ý cho dự thảo này, VCCI đánh giá cơ chế DPPA rất quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, giúp giải quyết cả vấn đề cung và cầu về năng lượng tái tạo. Về phía cung, đây có thể là giải pháp cho nhiều dự án điện tái tạo chậm thời điểm giá FIT. Về phía cầu, các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển, có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo để thực hiện các trách nhiệm ESG trong chuỗi cung ứng.

Trong đó, đối tượng khách hàng trong trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, Điều 7 của Dự thảo quy định về mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng chỉ cho phép khách hàng sử dụng điện lớn được tham gia. Các khách hàng sử dụng điện khác chưa được tham gia mà phải đợi giai đoạn tiếp theo.

Do các bên sử dụng đường dây riêng nên tác động đến hệ thống điện quốc gia không đáng kể nên VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 5 và Điều 7 của dự thảo theo hướng cho phép không giới hạn vào nhóm khách hàng sử dụng điện lớn mà mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu.

Thêm vào đó, trong trường hợp mua bán điện qua đường dây riêng, không sử dụng hệ thống truyền tải chung, các tác động này không đáng kể. Do đó, việc yêu cầu công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch là không thực sự cần thiết.

du-an-nang-luong-tai-tao-23022845.jpg
VCCI kiến nghị cho phép mọi khách hàng có nhu cầu đều được mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, không thông qua EVN

Từ những nhận định trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này. Trong trường hợp vẫn có lo ngại tác động tiêu cực khi công suất điện tái tạo dư thừa phát lên hệ thống thì có thể bổ sung quy định các bên phải lắp thiết bị chống phát ngược lên lưới điện.

Bên cạnh đó, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng hai bên mua bán điện có quyền thoả thuận về việc đầu tư và quản lý vận hành đường dây do việc đầu tư và quản lý, vận hành đường dây truyền tải riêng này có thể thuộc về đơn vị phát điện, cũng có thể thuộc về khách hàng sử dụng điện, tuỳ vào thoả thuận cụ thể giữa hai bên.

Cùng với đó, dự thảo cũng quy định khách hàng mua trực tiếp qua hình thức này phải đầu tư hạ tầng lưới điện, có đội ngũ quản lý, vận hành lưới. Theo VCCI, việc này nên để hai bên tự thỏa thuận, trách nhiệm có thể thuộc về đơn vị phát điện, hoặc khách hàng.

Cơ chế DPPA từng nhiều lần được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Việt Nam sớm thí điểm, bởi họ cho rằng chính sách này sẽ tác động tích cực vào cạnh tranh ngành năng lượng. Một số tập đoàn lớn như Samsung, Heineken, Nike có nhu cầu tham gia có tổng sản lượng tiêu thụ bình quân tháng đều lớn hơn 1.000.000 kWh mỗi tháng.

Khảo sát cuối năm ngoái của Bộ Công Thương cho thấy, khoảng 20 doanh nghiệp lớn muốn mua điện trực tiếp, tổng nhu cầu gần 1.000 MW. Cùng đó, có 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán điện qua cơ chế DPPA, 17 dự án có công suất 2.836 MW cân nhắc tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề xuất khách hàng được mua điện tái tạo không cần thông qua EVN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO