Trong khu chợ mua bán ồn ào, tự nhiên nghe tiếng loa rè rè giọng ai hát: "Ôi câu hò chiều nay sao nghe nặng tình ai...". Cẩn thận cất xấp vé số vào túi áo bộ đội cũ bạc màu, chú kể tôi nghe quê chú ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ năm 1965, lực lượng bộ binh, đi ngay vào chiến trường Tây Nguyên.
Năm 1975, đơn vị chú đánh trận Plei Cần, chú bị thương rồi chuyển sang văn công đi phục vụ bộ đội. "Giọng tôi hồi ấy vang lắm, tiếng hát át tiếng bom mà cô”, chú hồi tưởng lúc đứng trên sân khấu dã chiến. Xuất ngũ, chú về quê, trở lại nghề làm muối và đánh cá. Vợ chú mất cách nay mấy năm, con trai duy nhất làm nghề tài xế cũng đã mất do tai nạn giao thông, để lại ba đứa con, đứa lớn nay mới học lớp 9.
Mẹ chúng đã lấy chồng khác. Chú lên xe đò vào Đà Nẵng bán vé số kiếm tiền nuôi cháu, vì "ở đây không ai biết mình, chứ ở quê bạn bè nó trêu thương binh mà đi bán vé số”. Và như rất nhiều cựu binh tôi từng gặp, khi kể về chiến tranh, ký ức của chú như hiện ra trước mắt.
Tôi ngỏ ý với chú về chương trình "Đằng sau những cung đường" nhằm giúp đỡ nạn nhân bị tai nạn giao thông, chú phẩy tay nói: "Tôi thế chứ còn sức đi bán vé số, còn hơn nhiều thương binh mất sức lao động, nằm một chỗ”. Mỗi ngày chú lời được hơn trăm ngàn đồng, được chủ đại lý vé số cho ở nhờ, không mất tiền thuê chỗ trọ, chú tằn tiện gởi về cho cháu mỗi tháng 3 triệu đồng, với chú vậy cũng ổn. Mời chú ăn bữa xế, chú cứ nói: "Tôi có tiền, cô đừng trả cho tôi nhé, nhà báo kiếm tiền nuôi con cũng nhọc lắm đấy".
Ăn xong, chú lại cất tiếng hát: "Nhắn ai xin giữ câu nguyền trong cơn bão tố vẫn bền lòng son". Giữa đám đông qua lại buôn bán tấp nập, "tiếng hát át tiếng bom" trên đỉnh Trường Sơn ngày nào giờ chìm lấp trong tiếng ồn ào giữa chợ.
Những người như chú đâu cần đến một cuộc chiến tranh mới thể hiện sức mạnh nội tâm. Sự son sắt của họ thật đặc biệt, đó là điều tôi cảm nhận được khi rong ruổi khắp các tỉnh khu Bốn cũ, tức phía Bắc miền Trung hiện nay, tìm nhân vật cho một bộ phim. Thế hệ thanh niên xung phong, bộ đội ngày nào nay vẫn sống với những giá trị đặc biệt của chiến tranh giữ nước, kiên trì, sắt son và chia sẻ dù đất nước đã hòa bình 43 năm.
Ở những nông trường trồng cam xa xôi ở Nghệ An, những cụ trên bảy mươi tuổi đã cống hiến hết tuổi xuân của mình cho đất nước, trở về nông trường làm công nhân vẫn với tinh thần chiến sĩ. Họ có nghe về những ông quan tham nhũng, những biệt phủ, nhưng vẫn tin vào cuộc đời, vào xã hội, vẫn sắt son, giữ phẩm hạnh của mình trên mảnh đất mà thế hệ của họ trên là đạn bom, dưới là tiếng cười lạc quan của những thanh niên xung phong.
Người cựu binh già hát rong giữa chợ để bán vé số cương quyết không để tôi trả tiền bữa ăn đạm bạc. Ông nở nụ cười trên đôi môi thâm vì khói thuốc và nói: "Hồi nào có ra xứ Nghệ thì về quê tôi chơi. Tôi cũng sắp phải về quê, không còn đi làm ăn lâu được nữa. Nhớ ghé chơi nghe!". Tôi cảm nhận được ông xem tôi như con cháu trong nhà, dù mới gặp lần đầu. Và ông vẫn đi giữa cuộc đời, với sự sắt son bất diệt.