Hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ

ĐÌNH BẮC| 18/09/2013 06:45

Nhìn thấy tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ (CNHT), các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu... tích cực khuyến khích đầu tư khu công nghiệp chuyên sâu, CNHT.

Hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ

Nhìn thấy tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ (CNHT), các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu... tích cực khuyến khích đầu tư khu công nghiệp chuyên sâu, CNHT.

Đọc E-paper

Khu công nghệ cao TP.HCM

Sơ khai

Hành lang pháp lý về CNHT đã có cách đây vài năm, bắt đầu từ Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT giai đoạn đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương); Quyết định, số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành CNHT và Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành "Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển".

Các dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục này sẽ được xem xét áp dụng cơ chế ưu đãi thích hợp theo quy định tại Điều 4, Quyết định 12/2011/QĐ-TTg. Điều này cho thấy, các nhà hoạch định chính sách đã nhận thức được vai trò quan trọng của nền CNHT. Tuy nhiên, cho đến nay, CNHT của Việt Nam vẫn chỉ ở mức sơ khai.

Việt Nam hiện có khoảng 30 ngành cần đến sản phẩm của CNHT, thế nhưng tất cả đều phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện ở nước ngoài để sản xuất. Điển hình như ngành dệt may có kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt hàng tỷ USD, nhưng phần lớn số ngoại tệ này lại được sử dụng để nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện phục vụ cho sản xuất.

Thế nên không thể phủ nhận nền CNHT của nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp ô tô, xe máy; công nghiệp dệt may, giày da...

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 210 doanh nghiệp (DN) sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho 50 DN sản xuất, lắp ráp ô tô. Nhưng các linh kiện, phụ tùng này chủ yếu là các sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp, như: các chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, săm lốp, bộ tản nhiệt...

Ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), văn phòng tại TP.HCM, cho rằng, nếu chia CNHT thành nhiều mức độ theo hình kim tự tháp thì CNHT của Việt Nam ở đáy của kim tự tháp, tức là còn rất sơ khai.

Để bước lên bậc thang kế tiếp, các DN Việt Nam cần đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, gia tăng hàm lượng kỹ thuật trong sản phẩm của mình, mở rộng đầu tư.

Thực tế hiện nay, phần lớn các sản phẩm của CNHT ở Việt Nam vẫn do các DN nhà nước sản xuất và cung cấp, chất lượng thấp, khả năng cạnh tranh hạn chế nên chủ yếu chỉ tiêu thụ được ở thị trường trong nước.

Chưa khắc phục được tình trạng thiếu sự gắn kết giữa DN lớn và DN nhỏ, giữa DN trong nước và DN FDI. Chính điều này đã dẫn đến không ít trường hợp DN FDI phải nhập khẩu những linh kiện, chi tiết sản phẩm mà DN trong nước sản xuất được và có giá bán rẻ hơn giá nhập khẩu.

Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty Esuhai, nhận định, CNHT có thị trường lớn và cũng đã có hành lang pháp lý nhưng vẫn cần một cú hích để thu hút các nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này.

Đây là lĩnh vực cần nguồn vốn lớn và trình độ khoa học kỹ thuật cao, DN trong nước chưa thể đảm đương vai trò này, mà cần phải có thời gian được chuyển giao công nghệ thông qua liên doanh, hợp tác đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu không nhanh chóng tận dụng cơ hội phát triển CNHT qua việc thu hút đầu tư nước ngoài thì Việt Nam sẽ mãi phụ thuộc vào sản phẩm CNHT của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan...

Rục rịch

Đại diện Ban quản lý Khu chế xuất và Khu Công nghiệp TP.HCM cho biết TP.HCM đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các phân khu công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp ngành, công nghiệp phụ trợ.

CNHT là một trong bốn nhóm ngành mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Đối với lĩnh vực này, thành phố đã có những đề xuất ưu đãi về thuế, đất đai, thủ tục đầu tư..., được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất như khu công nghệ cao.

Ngày 10/9/2013, UBND TP.HCM đã trao giấy chứng nhận Dự án Khu kỹ nghệ Việt Nhật (Vie-Pan Techno Park) với diện tích 13ha, tổng mức đầu tư dự kiến là 31 triệu USD.

Dự án được thực hiện bởi liên doanh giữa Công ty Vie-Pan Industrial Park (Nhật Bản) góp 55% và Công ty CP Khu công nghiệp Hiệp Phước góp 45%; xây dựng nhà xưởng theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, phù hợp với các ngành nghề chế tạo mà chủ yếu là các sản phẩm cơ khí hỗ trợ.

Bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, cho biết, định hướng phát triển của tỉnh là đầu tư cho những phân khu CNHT, cụm công nghiệp ngành, trong đó thu hút đầu tư có lựa chọn những dự án liên quan đến CNHT và công nghệ cao để tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp của tỉnh.

Trong năm 2012, tỉnh đã có đề xuất về một số chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư CNHT, phân khu công nghiệp chuyên ngành CNHT.

Ngày 9/9/2013, Khu công nghiệp Long Đức - Phân khu công nghiệp chuyên sâu (Đồng Nai) được khánh thành. Đây là dự án liên doanh giữa ba tập đoàn của Nhật Bản là Sojitz Corporation, Daiwa House Industry, Kobelco Eco-Solution và Công ty Donafoods của Đồng Nai, có diện tích gần 283ha, tổng số vốn đầu tư trên 1.083 tỷ đồng.

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có công văn số 4994/UBND-VP ngày 19/7/2013 kiến nghị chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với CNHT.

Theo đó, DN sản xuất sản phẩm CNHT được hưởng ưu đãi đầu tư như dự án theo Danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn; không phải thành lập hội đồng để xem xét từng dự án riêng lẻ, thủ tục đầu tư đơn giản.

CNHT chưa được hưởng chính sách ưu đãi về đầu tư, đây cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này. Để đón làn sóng đầu tư từ các nước có nền công nghiệp phát triển, đặc biệt là Nhật Bản, Nhà nước cần ban hành chính sách ưu đãi đầu tư thống nhất cho lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO