Đại sứ Mỹ đánh giá cao hợp tác kinh tế quốc phòng với Nhật Bản
Hợp tác về phát triển, sản xuất và bảo dưỡng vũ khí sắp khởi động giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, có thể được áp dụng với quốc gia khác. Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel vừa chia sẻ như vậy với Nikkei Asia.
Ông nói: “Không có quốc gia nào sở hữu nhiều tiềm năng sản xuất và kỹ thuật cao chưa được khai thác như Nhật Bản.”
Ông Emanuel cũng vừa phát biểu khai mạc diễn đàn hợp tác về quốc phòng (DICAS) tại Tokyo.
Ra mắt tháng 4/2024 khi thủ tướng Fumio Kishida thăm Hoa Kỳ, diễn đàn DICAS có mục đích tăng cường sản xuất các thiết bị quốc phòng của Mỹ ở Nhật Bản, như hệ thống phòng không Patriot hoặc máy bay huấn luyện. Ngoài ra, 2 bên cũng hợp tác bảo dưỡng tàu chiến của Mỹ tại các xưởng tư nhân ở Nhật.
Đây là một phần trong kế hoạch đẩy mạnh năng lực công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ. Thiếu lao động và kỹ sư có kinh nghiệm, khiến việc sản xuất nhiều hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ gặp khó khăn, tạo điều kiện cho Trung Quốc vươn lên.
Theo đại sứ Ralm Emanuel, Hoa Kỳ thiếu cơ sở công nghiệp để đáp ứng mục tiêu chiến lược. Ví dụ với nhu cầu đạn dược cung cấp cho Ukraine và Israel, cơ sở quốc phòng của Hoa Kỳ gặp sức ép lớn. Do đó cần suy nghĩ khác và giải pháp khác. Nhật Bản là 1 đối tác lớn có thể hỗ trợ.
Lưu ý DICAS diễn ra đúng hai tháng sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Hoa Kỳ của thủ tướng Kishida, đại sứ Emanuel nhấn mạnh tốc độ cao mà hai đồng minh quyết tâm hành động.
Đại sứ Emanuel không nêu tên những quốc gia nào, mà Hoa Kỳ có thể hợp tác tương tự.
Báo cáo được Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Sydney công bố vào năm ngoái, đã đề xuất đối tác trong bộ tứ Kim Cương gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, nên điều chỉnh hệ thống hậu cần hàng hải, để có thể tiếp nhiên liệu, tái trang bị, sửa chữa và phục hồi cho các tàu hải quân của đồng minh.
Khi được hỏi về khả năng Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc trong tương lai có hợp tác như vậy không? Đại sứ Emanuel nói đó là đề xuất hợp lý.
Ông chỉ ra sự phối hợp gần đây giữa Israel và Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ, giúp bắn hạ 99% trong số 300 quả đạn được Iran phóng vào tháng 4. Hoa Kỳ muốn huấn luyện chặt chẽ hơn với đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, để cùng thực hiện những sứ mệnh như vậy.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản lưu ý, một máy bay thường cần 3 triệu bộ phận, trong khi tên lửa cần khoảng 1 triệu bộ phận. Để duy trì ưu thế quân sự so với đối thủ như Trung Quốc hay Nga, Hoa Kỳ cần có chuỗi cung ứng mạnh mẽ. Khi ngành công nghiệp quốc phòng đang hoạt động hết công suất, Hoa Kỳ sẽ khai thác các xí nghiệp ở Nhật Bản, tiếp theo là ở đồng minh khác tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.