FTA và IPEF là thành công lớn của Hoa Kỳ ở châu Á?
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã và đang tạo ra các khuôn khổ an ninh – kinh tế mới ở châu Á, được cho là thành công không nhỏ. Điều này nhằm đảm bảo rằng, Washington không thể thiếu sự hiện diện ở một khu vực mà Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng, bằng những lợi thế vốn có.
Thương mại là vấn đề cực kỳ quan trọng tại khu vực. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp gắn kết địa chính trị lẫn kinh tế 2 quốc gia với nhau.
FTA của Hoa Kỳ với Úc, Singapore và Hàn Quốc, mang lại cho Washington lợi thế quan trọng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Điều này giữ chân Hoa Kỳ hiện diện khắp khu vực, cho phép đàm phán với Trung Quốc ở 1 vị thế có sức mạnh.
Chính quyền Tổng thống Biden nhận ra tầm quan trọng của hợp tác với đồng minh, như đã thấy thông qua một loạt sáng kiến đã được triển khai. Ví dụ Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), Bộ tứ Kim Cương, Liên minh AUKUS, cũng như quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng (JETP) với Indonesia và Việt Nam.
Hoa Kỳ và Singapore vừa kỷ niệm 20 năm ký kết FTA, với nhiều thành tựu nổi bật.
Năm 2003, thương mại hai chiều Mỹ - Singapore đạt gần 40 tỷ USD. Hai thập kỷ sau, con số tăng gấp 3 lần, lên hơn 122 tỷ USD, trong đó Mỹ thặng dư thương mại với Singapore hơn 38 tỷ USD.
Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Singapore Gan Kim Yong lưu ý vào tháng 4/2024 rằng, hai bên đã mở rộng hợp tác sang lĩnh vực mới, như quan hệ đối tác về khí hậu, hay quan hệ đối tác vì tăng trưởng và đổi mới - một nền tảng thúc đẩy tăng trưởng toàn diện.
FTA Mỹ - Singapore cũng cho thấy tầm quan trọng địa chiến lược của các hiệp định thương mại, trong việc thúc đẩy lợi ích quốc gia. Cùng với FTA với Hàn Quốc và Úc, tất cả giúp Hoa Kỳ tăng cường quan hệ khắp Thái Bình Dương, hỗ trợ vị thế của Washington trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc đang thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng mình trong khu vực, thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia.
Phần lớn số người được hỏi trong cuộc khảo sát hàng năm gần đây, do Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore thực hiện cho thấy, giới thượng lưu nước này muốn liên kết với Trung Quốc hơn Hoa Kỳ, nếu buộc phải chọn phe.
Vì vậy, hội nhập của Mỹ vào khu vực là rất quan trọng. Trong cuộc khảo sát của ISEAS, nếu không phải lựa chọn, người Singapore thể hiện sự ưa thích đáng kể đối với Hoa Kỳ hơn là Trung Quốc. Hai thập kỷ tăng cường hợp tác kinh tế, cùng mối quan hệ quân sự và ngoại giao chặt chẽ, đã giúp 2 nước Hoa Kỳ và Singapore, cũng như Trung Quốc và Singapore trở nên giàu có hơn.
Hoa Kỳ đang đứng ở vị thế bất lợi trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, khi liên tục chứng kiến thâm hụt. Tuy nhiên, vẫn đề này không xuất hiện với các đối tác FTA như Úc, Hàn Quốc hay Singapore.
Nếu không có 3 FTA trên, Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, vị thế của Washington trong khu vực sẽ suy yếu.
Các nước trong khu vực, ngay cả đồng minh gần gũi nhất của Washington, đều cần giao thương với Trung Quốc. Nhưng họ cũng muốn giao thương với Mỹ, và tăng cường sự hiện diện của Washington vào khu vực.
Dưới thời tổng thống Biden và Donald Trump, chính trị nội bộ của Hoa Kỳ đã thúc đẩy chính sách đối ngoại ở mức độ linh động hơn, so với chuẩn mực thông thường.
Dưới thời chính quyền Trump, chính sách đối ngoại của Mỹ mang tính giao dịch buôn bán. Cách tiếp cận này đã giảm nhẹ dưới thời Tổng thống Biden. Hoa Kỳ đang thúc đẩy mạng lưới hợp tác để bảo vệ lợi ích quốc gia của chính mình.
Tạo ra mạng lưới địa chính trị mạnh mẽ, không chỉ đòi hỏi sự đan xen các mối quan hệ ngoại giao, quốc phòng và phát triển, mà còn cả quan hệ thương mại. Các FTA được thực hiện đúng cách, có thể tăng cường khía cạnh này.
Mỹ và Trung Quốc đang mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh kéo dài hàng thập kỷ. Trong khi Mỹ có nhiều lợi thế so với Trung Quốc nhờ quy mô, sự gần gũi và sức mạnh kinh tế, Bắc Kinh lại luôn có ảnh hưởng đáng kể ở châu Á nếu nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử - văn hóa, nhất là khía cạnh kinh tế.
Hoa Kỳ gặp khó trong việc duy trì vị thế là đối tác kinh tế song phương quan trọng bậc nhất, đối với hầu hết các nước Đông Nam Á. Điều này cũng đúng với hầu hết khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Khi nước Mỹ hướng tới nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Biden hoặc Donald Trump, tất cả cùng nhớ lại rằng, ông Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng đàm phán lại FTA với Hàn Quốc. Điều này minh họa cho cách tiếp cận song phương ưa thích của ông, về chính sách đối ngoại.
Trong khi Tổng thống Biden nhận ra lợi ích của việc tiếp cận đa phương, cách tiếp cận này vẫn chưa ảnh hưởng đến các FTA. Ngay cả với IPEF, sáng kiến kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đặc trưng của ông, Nhà Trắng đã rút khỏi một thỏa thuận về thương mại, do mâu thuẫn với một số FTA, ngay trước khi hội nghị APEC khai mạc vào tháng 11/2023.
Theo nhiều chuyên gia, bất chấp trở ngại chính trị trong nước và một số khó khăn kéo dài, những ai muốn thấy Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc ở vị thế mạnh, nên thúc đẩy chính quyền tiếp theo coi việc đàm phán FTA với đối tác và đồng minh trong khu vực là ưu tiên hàng đầu. Khi Mỹ vẫn gặp bất lợi về thương mại với Trung Quốc, thì cách tiếp cận liên kết với đồng minh thông qua FTA, đang mang tới hiệu quả cho cả 2.