Quốc tế

Mỹ - Nhật sẽ từng bước tích hợp ngành công nghiệp quốc phòng

Văn Phúc 07/04/2024 13:01

Một nguồn tin chính phủ Mỹ vừa nói với Nikkei Asia rằng, Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida dự kiến sẽ đồng ý hợp tác chặt chẽ hơn trong ngành công nghiệp quốc phòng, tại hội nghị thượng đỉnh ngày 10/4. Hợp tác không chỉ giới hạn ở việc sửa chữa tàu hải quân Hoa Kỳ tại xưởng đóng tàu của Nhật Bản, mà còn sản xuất đạn dược, máy bay và tàu chiến.

Các nhà lãnh đạo chuẩn bị thành lập một nhóm làm việc song phương, để thảo luận về cách thực hiện tầm nhìn trên. Quan chức này cho biết, Mỹ nhìn thấy tiềm năng to lớn trong việc tích hợp Nhật Bản vào ngành công nghiệp quốc phòng.

cloudfront-us-east-1.images.arcpublishing.com-archetype-_gzm3ojckgbgdnlidqdjcsp27fq.jpg
Công nghệ đóng tàu chiến của Nhật được cho là đứng hàng đầu thế giới - Ảnh: Defence News

Tại một cuộc hội thảo do “Center for a New American Security” tổ chức hôm 3/4, Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell nói: “Một trong những điều các bạn sẽ thấy vào tuần tới, là các bước cho phép Hoa Kỳ - Nhật Bản hợp tác nhiều hơn trong phát triển chung, có khả năng cùng sản xuất thiết bị quân sự và quốc phòng quan trọng.”

Theo ông Campbell, một trong những bài học rút ra từ đại dịch COVID-19, là không ít chuỗi cung ứng của quân đội dễ bị tắc nghẽn, nên phải có nhiều năng lực hơn để hoạt động. Mặc dù sự hội nhập với Nhật sẽ mất thời gian, nhưng đó là quá trình mang tính quyết định.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Washington từ chối bình luận về phát biểu của ông Campbell.

Động thái chưa từng có nhằm kết nối năng lực công nghiệp quốc phòng của hai đồng minh diễn ra, khi Trung Quốc đang tăng cường sản xuất tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và máy bay, được hỗ trợ bởi một nền công nghiệp hùng mạnh.

Trung Quốc hiện là nước đóng tàu nhiều nhất thế giới và ngân sách quốc phòng tăng 7,2% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5%.

Ngược lại, cơ sở công nghiệp đóng tàu của Hoa Kỳ bị bỏ rơi khi chiến tranh lạnh kết thúc, và thiếu lao động.

Do suy giảm khả năng, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chỉ đặt mua 1 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia trong năm tài chính 2025. Như vậy, mục tiêu đóng 2 chiếc mỗi năm cũng thất bại.

Ý tưởng tích hợp, là khai thác năng lực sản xuất của đồng minh, bắt đầu từ Nhật Bản, nơi lực lượng Mỹ ở nước ngoài đông nhất.

Một quan chức Mỹ nói, Nhật Bản có ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh hàng đầu thế giới. Lợi thế về công nghệ cũng thuộc dạng số 1. Hợp tác sẽ mang lại sức mạnh tổng hợp cho cả 2.

Sử dụng căn cứ công nghiệp quốc phòng chung với Nhật Bản, sẽ bắt đầu bằng sửa chữa tàu.

Tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ văn bản hóa quy trình bảo trì, sửa chữa và đại tu tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ, tại các xưởng đóng tàu ở Nhật Bản.

Hải quân Hoa Kỳ đã thử nghiệm sửa chữa tàu tại nhà máy của Mitsubishi Heavy Industries ở Yokohama. Mọi thứ đều đáp ứng yêu cầu.

Giai đoạn tiếp theo, nhà máy đóng tàu khác của Nhật Bản như Mitsubishi Heavy Industries ở Nagasaki, hay Japan Marine United ở Kure có thể sẽ được chọn để Hoa Kỳ đưa tàu chiến tới tu bổ.

Các nhà phân tích cho rằng, trong một cuộc xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, điều quan trọng là Hải quân Mỹ có thể sửa chữa nhanh chóng tàu chiến ở Nhật Bản, để quay trở lại chiến đấu nhanh nhất, thay vì mất hàng tuần trở về Mỹ.

Trong khi đó, cùng sản xuất khí tài có thể sẽ bắt đầu với đạn dược.

Mỹ đang thiếu đạn dược trầm trọng, vì phải cung cấp cho cả Ukraine lẫn Israel.

Hợp tác sản xuất đạn dược với ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản, giúp bổ sung kho dự trữ cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nhà khoa học chính trị ở RAND Corp, ông Jeffrey Hornung cho biết, sản xuất đạn dược và lưu giữ chúng ở Nhật Bản là rất quan trọng. Nếu có kho dự trữ vật tư và linh kiện ở Nhật Bản, khi xung đột nổ ra, Hoa Kỳ dễ dàng lấy ra sử dụng, không phải mang từ lãnh thổ qua.

Theo ông Hornung, điều quan trọng là phải định hình sự hợp tác theo cách mà cả hai cùng có lợi. Đối với người dân Mỹ, cần giải thích rằng, đây không phải là mất việc làm, nó giúp giảm công tác hậu cần. Các đồng minh đang hỗ trợ vấn đề thiếu sót. Với Nhật Bản, điều này giúp tăng cường đầu tư vào công nghiệp quốc phòng, phát triển công nghệ và đóng góp cho phát triển kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ - Nhật sẽ từng bước tích hợp ngành công nghiệp quốc phòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO