Bài 2: Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; chung tay vì sự nghiệp phát triển đất nước
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ để đáp ứng tiến trình xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước, phục vụ lợi ích nhân dân. Nhưng thực tế, “Bên trong cán bộ sợ sai/ Bên ngoài dân chúng thở dài lo âu” vẫn đang diễn ra làm cho bộ máy công quyền rơi vào tình trạng trì trệ, công việc ách tắc, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý và xây dựng đất nước.
Đánh lên hồi chuông báo động về tình trạng “sợ trách nhiệm”, “đùn đẩy việc” trong đội ngũ cán bộ, công chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: “Ở một số bộ, cơ quan, địa phương một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền, có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương”.
Đứng trước thời cơ và thách thức do tình hình thế giới chuyển biến phức tạp, nằm ngoài dự báo, Đảng ta đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh cùng với sự kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm những cán bộ suy thoái, biến chất, lợi dụng chức quyền để tham nhũng thì việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung là vô cùng cần thiết. Điều đó đã được Bộ Chính trị cụ thể hóa bằng Kết luận số 14-KLTƯ ban hành vào ngày 22/9/2021. Đây được xem là dấu mốc quan trọng và cũng là cú huých đối với những cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn phát triển, trong mỗi giai đoạn phát triển thì sự biến đổi xã hội có sự khác nhau. Thực tiễn đã chứng mình, có những cơ chế, quyết sách ở thời điểm này là đúng nhưng ở thời điểm khác lại không phù hợp, trở thành lực cản đối với sự phát triển xã hội, có nơi vì chậm đổi mới, sửa đổi cơ chế, chính sách đã làm cho không ít cán bộ bị kỷ luật hoặc rơi vào vòng lao lý. Vì thế, một số cán bộ chọn làm việc theo cách “cầm chừng” vì sợ trách nhiệm, bởi đâu đó còn cho rằng “làm thì chắc chắn có sai, không làm thì không có sai”. Đây cũng là một dạng thụt lùi so với sự phát triển không ngừng của thời đại, nhất là thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với tốc độ vũ bão.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn phê phán: “Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị đình trệ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao”.
Muốn khắc phục tình trạng “sợ trách nhiệm”, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, thường xuyên tu dưỡng đạo đức, lòng tự trọng, sự chính trực trong công việc và cuộc sống, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng cá nhân đặt trên lợi ích chung. Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nếu cán bộ, đảng viên không có kiến thức, không có trình độ nhất định về văn hóa, khoa học - kỹ thuật, quản lý kinh tế, pháp luật thì không thể có đủ năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thậm chí còn phạm sai lầm không thể tha thứ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, nguồn gốc của bệnh sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân. Vì luôn toan tính cho cá nhân hay một nhóm, sợ thay đổi sẽ mất đi lợi ích riêng mà tự làm mất tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, danh dự của người đảng viên khi giải quyết các vụ việc. Vì vậy, để có được cán bộ dám nghĩ, dám làm thì cần phải tiếp tục đề cao giá trị đạo đức và danh dự, làm sao cho mỗi cán bộ ý thức được trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Để tiếp tục phát huy và nhân rộng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm thì không chỉ là kêu gọi, động viên hay vẽ lên gam màu hồng về đạo đức và danh dự. Bởi đơn giản, ngoài nhiệt huyết và trách nhiệm, còn là niềm tin. Khi có niềm tin thì ý tưởng chỉ vừa lóe, khát vọng chỉ vừa đủ cũng làm bùng cháy thành ngọn lửa nhiệt huyết. Cán bộ đứng trước cám dỗ về vật chất, khi đủ đầy niềm tin với Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh thì dám nghĩ, dám làm vì nước, vì dân. Bởi vậy, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước hiện nay là phải tập trung phát hiện, xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ “cả gan nói, cả gan nêu ra chính kiến”, “có gan phụ trách, làm những việc mà không ai dám nhận”. Nếu chấp nhận đổi mới để phát triển thì không cần những cán bộ “ngóng trông”, “cầm chừng”, không dám phụ trách vì sợ trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách, như thế là một việc thất bại cho Đảng”.
Vấn đề đặt ra là không phải đang thiếu cán bộ có tâm huyết, có kiến thức, dám nghĩ, dám làm và hoài bão cống hiến. Công tác cán bộ cần có sự thay đổi trong quy trình tuyển dụng và bổ nhiệm. Hiện có nhiều trí thức là du học sinh, là chuyên gia ở nước ngoài lựa chọn quay về đồng hành cùng đất nước. Họ là những người có tâm huyết, có khát vọng cống hiến, cùng với sự tự trọng và tinh thần chính trực của trí thức nên luôn sẵn sàng gánh vác trọng trách được giao, sẽ tự chịu trách nhiệm trước những đề xuất và thực thi công vụ. Nhưng chính sự nghi kỵ, lợi ích nhóm đã làm cho ngọn lửa nhiệt huyết của những trí thức đó dần nguội tắt. Điều đó là lãng phí chất xám cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Cho nên, khi đã tạo được niềm tin, hãy mạnh dạn trao cơ hội cho họ vào các vị trí chủ chốt trong bộ máy công quyền thay vì mất quá nhiều thời gian cho quy trình bổ nhiệm như hiện nay. Đừng quá hoài nghi, xét nét về khả năng của họ khi giao việc vì với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội, rất dễ dàng trong việc kiểm tra, giám sát từ dư luận, đó cũng chính là “tai mắt của nhân dân”.
Một yếu tố quan trọng khác để cán bộ dám đổi mới, sáng tạo là phải khẩn trương xây dựng hành lang pháp ý an toàn để bảo vệ họ. Chủ trương, đường lối đã có nhưng việc thể chế hóa thành luật vẫn còn chậm. Tuy nhiên, cần phải ghi nhận khi Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo lần thứ ba nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và đưa ra 8 trường hợp miễn xử lý trách nhiệm hình sự, xử lý kỷ luật và trách nhiệm hoàn trả ngân sách nhà nước. Nếu dự thảo nghị định được thông qua sẽ là hành lang pháp lý để bảo vệ cán bộ và cũng là một bước để cụ thể hóa Kết luận số 14-KLTƯ của Bộ Chính trị và các nghị quyết của Đảng, song song với việc triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng, phát triển gắn với bảo vệ đất nước, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế.
Mỗi cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung hợp lại trong một tập thể thống nhất chắc chắn sẽ biến thách thức thành cơ hội để đạt tới những mục tiêu tốt đẹp.
(*) Cựu du học sinh Hoa Kỳ, hiện công tác tại một cơ quan nhà nước