Công chức làm những điều luật pháp cho phép, sẽ không đủ? (Bài 3)

Vân Ly| 28/06/2023 07:00

Trong bối cảnh còn tồn tại những văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, công chức  được làm những điều pháp luật cho phép là nguyên lý quan trọng nhưng đã đủ? Làm thế nào để công chức tự tin giải quyết nhanh chóng những thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân tại TP.HCM?

Bài 3: Tạo động lực đủ tốt, công chức sẽ cống hiến

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho rằng, thời gian qua TP.HCM đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích đội ngũ công chức dám nghĩ, dám làm, đã có tác động tích cực nhưng như vậy vẫn chưa đủ… 

-9801-1687957566.jpg
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI)

* Thưa ông, để tạo động lực cho công chức dám nghĩ, dám làm, việc tăng thêm thu nhập có đủ “ép phê”?

- Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đã có chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” như trả mức thu nhập cao, được cấp nhà. Nhưng đãi ngộ như vậy cũng chỉ là một trong nhiều nhân tố quan trọng, chứ không phải là tất cả đối với những người có khả năng đặc biệt. Quan trọng nhất là môi trường làm việc và môi trường thăng tiến. Do đó, có rất nhiều yếu tố khác chứ không chỉ là thu nhập và một số hỗ trợ vật chất. Cho nên, để giải quyết vấn đề để công chức làm việc thật sự hiệu quả sẽ còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Các tỉnh, thành, trong đó có TP.HCM cần phải đặt ra vấn đề là làm sao tạo được hệ thống động lực cho cán bộ, công chức làm việc hiệu quả. Khi hệ thống động lực đủ tốt, cán bộ, công chức sẽ cống hiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. 

* Có ý kiến cho rằng, công chức không cần sáng tạo, chỉ cần làm đúng chức trách được phân công là đã đủ tốt, ông nghĩ sao về ý kiến này? 

- Có khẩu hiệu được xem là nguyên lý, đó là doanh nghiệp làm bất kỳ việc gì mà pháp luật không cấm. Điều này thể hiện trong khung pháp lý, trong cách tiếp cận, tạo dựng môi trường cho doanh nghiệp. Còn công chức chỉ được làm những điều luật pháp cho phép. Như vậy, đòi hỏi về tính tuân thủ pháp luật với công chức vẫn rất quan trọng, nhưng rõ ràng nó chưa đủ và thậm chí trong một số trường hợp, nó có thể cản trở đối với việc thực thi công vụ của công chức theo nghĩa thúc đẩy sự phát triển. Vì sao như vậy? Có hai vấn đề. 

Thứ nhất, nếu chỉ nói về tính tuân thủ pháp luật có ý nghĩa quan trọng nhưng sẽ không đủ, thậm chí đôi khi nó còn chưa thúc đẩy sự phát triển. Việt Nam là nước có nền kinh tế đang phát triển, quá trình xây dựng thể chế đang diễn ra và hoàn thiện dần nền kinh tế thị trường. Việc xây dựng khung pháp lý là quá trình diễn tiến theo sự phát triển của kinh tế - xã hội. Khung pháp lý phải làm thế nào để hài hòa, đồng bộ, không mâu thuẫn, chồng chéo. Cho nên, nếu gọi là tuân thủ pháp luật mà hệ thống pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện thì rõ ràng sẽ rất khó biết thế nào để làm đúng hoàn toàn. Trên thực tế, điều này đã được đề cập nhiều. 

Thứ hai, thế giới dịch chuyển rất nhanh, có rất nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ, thậm chí là nhiều “cú sốc”, vì thế đòi hỏi sự sáng tạo và tốc độ xử lý công việc, xử lý tình huống nhanh. Trong khi đó, khung pháp lý chưa thể bắt kịp, nếu công chức chưa nắm bắt kịp những vấn đề mới thì việc khắc phục hậu quả cũng khó. Hơn nữa, để bắt kịp những cái mới, những tác động tích cực tới sự phát triển thì rõ ràng là của cả bộ máy hành chính, liên quan tới quyết định, ứng xử của công chức. 

Do đó, việc chỉ cho công chức làm những điều luật pháp cho phép có thể vẫn là nguyên lý quan trọng, nhưng nó không đủ. Chính vì vậy, bên cạnh việc đòi hỏi tuân thủ pháp luật cần tạo ra cơ chế để công chức thực sự dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo. Cũng có thể cơ chế này vừa phải có phần thưởng là “củ cà rốt”, nhưng cũng phải có “cây gậy” để quản lý, vừa phải biết chấp nhận rủi ro. Trong đó, việc chấp nhận rủi ro cần xác định thế nào là thành ý, thế nào là lạm dụng, cố tình lạm dụng. Với thế giới biến đổi không ngừng, bất định và nhiều cú sốc như hiện nay, thì chắc chắn sẽ có rủi ro. Chính vì thế, việc tạo dựng được một cơ chế mới là không dễ và càng cho thấy việc nâng cao thu nhập chỉ là một phần đối với công chức. 

-5217-1687852640.jpg

* Làm thế nào để công chức xóa bỏ tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, đùn đẩy công việc, thưa ông?

- Tôi không dám nói “xóa bỏ”, vì đây là chuyện lớn. Để công chức dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo, đầu tiên chắc chắn là động lực. Tạo phần thưởng không phải quá khó, dù nguồn lực còn hạn chế. Điều khó nhất chính là những thứ mới, chưa từng có tiền lệ thì phải chấp nhận rủi ro. Nếu quá sợ rủi ro thì lại quay lại cái cũ, chỉ được làm cái gì luật pháp cho phép. Nếu chấp nhận rủi ro thì người ta có thể lạm dụng vì lợi ích riêng. Đó cũng là cái khó. Bởi theo câu chữ và hành vi thì có thể thấy, nhưng nhìn theo trái tim và thiện ý thì không. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể làm và không làm được. 

Có thể thí điểm xóa bỏ tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, đùn đẩy công việc tương tự như với startup, hoặc là thí điểm có giới hạn không gian, vùng địa lý. Bên cạnh đó, khi khung pháp lý còn chưa hoàn thiện ở một lĩnh vực nào đó, công chức được quyền làm, miễn là đúng một trong các văn bản chứ không nhất thiết phải đúng hoàn toàn. Quan trọng là có dám cho phép điều đó diễn ra. Cũng có những việc cần quy trình dài hơn, nhưng có những việc cần quyết định nhanh thì tình huống nào, quy trình, cách xử lý có thể tạm gọi là “gọn ghẽ”.

Để xây dựng cơ chế thúc đẩy đội ngũ công chức dám nghĩ, dám làm mà lại đặt trong cái ô của khuôn khổ đang có thì sẽ không thể được. Để có giải pháp căn cơ, phải nghĩ đến việc điều hành, quản trị hiện nay khác với quản trị tuyến tính, theo thứ bậc, tốn kém thời gian. Quy trình tuyến tính đó cần thiết, nhưng cách quản trị, điều hành hiện nay đòi hỏi tốc độ - linh hoạt - các bên liên quan - thử nghiệm (có học hỏi và đào tạo). Với đòi hỏi của quản trị mới như vậy, phải hướng tới việc đừng đặt trong khuôn khổ pháp luật hiện hành mà phải nhìn từ quản trị mới để xây dựng thiết chế, “luật chơi” cho công chức làm việc. 

* Vậy trong bối cảnh hiện nay, để cổ vũ tinh thần cho công chức cống hiến, theo ông cần làm gì? 

- Theo tôi, để cổ vũ được tinh thần cống hiến của công chức, trước hết những người đứng đầu phải dám nghĩ, dám làm. Đồng thời thực thi ngay cái tạm gọi là “quy định” hay “luật chơi”, theo cách thí điểm. Và điều quan trọng nhất là có những kết quả thực tiễn để công chức nhìn vào và lấy đó làm điểm tựa để phát huy. Khi cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM được Quốc hội thông qua, thì việc hiện thực hóa sẽ là hình ảnh sống động và thực tiễn để đội ngũ công chức tin tưởng, tin cậy để cống hiến. 

* Cảm ơn ông! 

Đồng bộ điều kiện cần và đủ thì công chức làm việc tốt hơn
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) hy vọng, với nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, thành phố sẽ giải quyết nhanh các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp. Một khi pháp lý đã rõ ràng sẽ là điều kiện để tạo động lực làm việc của bộ máy công quyền. Đặc biệt, khi thu nhập của công chức, viên chức được nâng lên 1,8 lần, tức đồng bộ điều kiện cần và đủ thì công chức làm việc tốt hơn.

Tốc độ thay đổi của công chức hiện nay người dân còn không theo kịp
Bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất - Thương mại Mebipha cho biết: “Là người thường xuyên phải giải quyết các giấy tờ liên quan đến hành chính, tôi thấy công chức TP.HCM đã có sự thay đổi rõ rệt trong thời gian qua. Công chức vui vẻ với người dân hơn, hướng dẫn tận tình hơn. Đặc biệt, với những thắc mắc của người dân, công chức giải thích với thái độ nhanh chóng và cầu thị hơn trước rất nhiều, khác hẳn với trước đây. Điều này khiến tôi rất bất ngờ và hài lòng. Với tốc độ thay đổi thái độ phục vụ như hiện nay của công chức TP.HCM, người dân chúng tôi theo cũng chưa kịp. Vì thế, tôi thấy công chức thành phố không cần phải cải thiện gì, chỉ cần duy trì thái độ phục vụ người dân như hiện tại là đã rất tốt cho người dân khi có việc phải giải quyết các thủ tục hành chính.

Bài 1: “Nhọc nhằn” công chức thành phố

Bài 2: Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; chung tay vì sự nghiệp phát triển đất nước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công chức làm những điều luật pháp cho phép, sẽ không đủ? (Bài 3)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO