Bên hành lang Quốc hội, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã có buổi trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân về tính cần thiết của một nghị quyết mới dành cho sự phát triển của TP.HCM nhằm thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14, dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận trong tuần làm việc thứ ba kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
* Theo bà, việc Quốc hội xem xét để ban hành nghị quyết mới cho TP.HCM phát triển, điều này đã thể hiện cách tiếp cận, tư duy thế nào trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách?
- Theo tôi, việc Quốc hội xem xét để ban hành nghị quyết mới là kịp thời, đúng đắn, cần thiết trước đòi hỏi từ thực tiễn đối với phát triển của TP.HCM. Nội dung dự thảo nghị quyết mới đã đưa ra những cơ chế, chính sách đặc thù mới mang tính đột phá, vượt trội, sẽ giúp TP.HCM khơi thông các nguồn lực, khai thác và phát huy tối đa mọi tiềm năng để phát triển tương xứng với vai trò, vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của TP.HCM ở vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Cách tiếp cận, tư duy trong xây dựng thể chế, chính sách mang tính đặc thù cho TP.HCM phát triển tại dự thảo nghị quyết mới đã có nhiều đổi mới, thể hiện qua việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền TP.HCM tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn liên quan đến cơ chế tài chính, đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển đô thị công nghiệp, tuyển chọn và xây dựng nguồn nhân lực, phát triển năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững...
Các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội đề xuất cho TP.HCM phát triển tại dự thảo nghị quyết mới không chỉ đề xuất riêng cho TP.HCM, mà trong đó còn có cả những nội dung các vấn đề có tác động lan tỏa tới phát triển cho vùng Đông Nam bộ và xa hơn, chẳng hạn cơ chế, chính sách cho phép TP.HCM đầu tư các tuyến đường giáp ranh các tỉnh khác trong vùng phụ cận, hoặc tài trợ xây dựng các công trình, dự án thiết thực trong và ngoài nước...
* Bà nhìn nhận, đánh giá thế nào về mức độ phân cấp, phân quyền cho TP. HCM mà dự thảo nghị quyết mới đề xuất trình Quốc hội?
- Phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho TP.HCM tại dự thảo nghị quyết mới đã được đề xuất theo hướng mạnh mẽ hơn. Tôi cho rằng, TP.HCM cần phải được quyết định số lượng, chất lượng mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị phù hợp với quy mô dân số gần 10 triệu dân và tính đặc thù của một đô thị đặc biệt.
Đồng thời, trong thực tiễn thực thi chính sách, pháp luật sẽ vẫn có thể phát sinh những việc vượt ngoài thẩm quyền pháp luật chưa có quy định, hoặc đã có quy định của pháp luật rồi nhưng vẫn còn cản trở nguồn lực phát triển, thì cần trao cho TP.HCM thêm cơ chế đặc cách, đặc biệt là báo cáo Chính phủ và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết để tăng tính linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện, tránh tình trạng bị ách tắc do cơ chế, thể chế pháp luật xung đột, chưa rõ ràng, chưa đầy đủ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương |
* Nếu Quốc hội thông qua nghị quyết mới, bà nhận định thế nào tác động của các cơ chế, chính sách này đối với TP.HCM trong việc phát huy vai trò đầu tàu kinh tế ở vùng Đông Nam bộ và cả nước thời gian tới?
- Nghị quyết mới nếu được Quốc hội thông qua, sẽ có tác động tích cực lớn đến chính quyền và người dân TP.HCM nói riêng cũng như vùng Đông Nam bộ và cả nước nói chung, bởi khi trao cho TP.HCM các cơ chế đặc thù, đột phá, nhất là về xây dựng, đầu tư hạ tầng, giao thông, bộ máy tổ chức, thì đây không chỉ là cơ chế riêng để cho TP.HCM phát triển, mà qua đó còn có tác động tích cực thúc đẩy kết nối phát triển vùng và các địa phương lân cận.
Với vai trò đầu tàu kinh tế trong vùng Đông Nam bộ và cả nước, sự phát triển của TP.HCM là rất quan trọng, do vậy dự thảo nghị quyết mới phân quyền, phân cấp mạnh mẽ, tạo ra cơ chế thuận lợi cho TP.HCM có đủ điều kiện, có đủ động lực để trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính, giáo dục, văn hóa mang tầm khu vực và thế giới theo định hướng của Đảng là rất cần thiết.
Để nghị quyết mới sau khi Quốc hội thông qua kịp thời đi vào thực tiễn phát huy hiệu quả, tôi nghĩ khâu triển khai thực hiện là rất quan trọng, do vậy TP.HCM cần phải thực hiện tuyên truyền sâu rộng cho cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp thật sự thấu hiểu để tạo ra sự đồng thuận xã hội, cùng chung tay góp sức để thực hiện. Bộ máy của Đảng, chính quyền, đoàn thể, hệ thống chính trị tại TP.HCM cần được trao quyền một cách đồng bộ, đủ lực để thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ tại nghị quyết mới.
* Trước đây, sau Nghị quyết 54/2017/QH14 ra đời đối với TP.HCM, Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết đặc thù riêng cho một số tỉnh, đại diện cho cử tri một tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, bà có khuyến nghị gì?
- Sau nghị quyết mới tạo cơ chế riêng cho TP.HCM phát triển, tôi cho rằng cần phải sớm có nghị quyết tương tự cho cả vùng Đông Nam bộ. Có như vậy mới tạo ra được không gian phát triển mới, điều phối, liên kết chặt chẽ hơn trong phát triển vùng Đông Nam bộ từ hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục cho đến liên kết lao động, sản xuất, tài chính, thương mại, hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng, xuất khẩu cho cả nước, khu vực và quốc tế, đóng góp cho cả nước nhiều hơn nữa theo mục tiêu Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW để đảm bảo phát triển đồng đều, toàn diện trên tất cả các mặt, thật sự tạo bước đột phá cho sự phát triển cả vùng, cả nước.
* Xin cảm ơn bà!