Năm 2022, Việt Nam có 72,10 triệu người dùng Internet tương ứng với tỷ lệ thâm nhập là 73,2%, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho biết, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Hiện trạng
Thuật ngữ "kinh tế số” đã được đề cập từ khá lâu trước khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, chỉ khi cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện thì kinh tế số mới được nhắc đến nhiều hơn và trở thành xu thế phát triển đi cùng với các xu hướng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), chuỗi khối (blockchain) hay kết nối vạn vật (IoT).
Theo định nghĩa chung của nhóm cộng tác kinh tế số của Trường Đại học Oxford (Anh), kinh tế số là "một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet".
Tại Việt Nam, kinh tế số có thể được xem như toàn bộ mạng lưới hoạt động kinh tế, xã hội và sự vận động của các yếu tố con người diễn ra trong bối cảnh số, nền tảng số. Với góc nhìn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia thì kinh tế số được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và phát triển kinh tế số sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Trong đó, chuyển đổi số quốc gia bao gồm ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đã được thúc đẩy phát triển. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã thể hiện rõ quan điểm thúc đẩy phát triển các trụ cột, trong đó có kinh tế số đóng vai trò trọng tâm và thúc đẩy mạnh mẽ nhất.
Chúng ta có thể thấy rằng, các tín hiệu tích cực thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam, đó là:
Thứ nhất, Chính phủ số và căn cước công dân gắn chip. Công bằng mà nói, thực hiện triệt để căn cước công dân đi kèm theo dữ liệu dân cư quốc gia được xem là một thành công rất lớn của Việt Nam những năm gần đây trong xuyên suốt 25 năm triển khai Chính phủ điện tử (Chính phủ số là giai đoạn sau này).
Về giá trị, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử EGDI (E-Government Development Index) của Việt Nam năm 2022 đạt 0,6787 điểm, được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử có EGDI ở mức cao và cao hơn so với chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0,5988), của khu vực châu Á (0,6373), cũng như của khu vực Đông Nam Á (0,6321). Tin tưởng rằng với đà phát triển mạnh mẽ trong năm 2022 và 2023 thì bảng xếp hạng EGDI của Việt Nam sẽ thay đổi rất lớn trong các năm kế tiếp.
Thứ hai, sự sẵn sàng của hạ tầng số. Nếu nói Chính phủ số là đôi chân của kinh tế số thì hạ tầng số là "mạch máu" của nền kinh tế số. Với vai trò "mạch máu" của kinh tế số, xã hội số, thì hạ tầng số được xem là nền tảng quyết định chính đến kết quả của sự chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số. Việc các cấu phần như hạ tầng dữ liệu tiến tới dữ liệu lớn, hạ tầng trí tuệ nhân tạo, hạ tầng kết nối và hạ tầng định danh số... phát triển hiện đại, đồng bộ, liên thông và an toàn là điều kiện tiên quyết để triển khai các công nghệ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Thứ ba, đó là con người. Một quốc gia muốn "thay đổi vận mệnh" cần có trí tuệ, trí tuệ ấy được đánh giá bằng cả hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia (National Innovation System - NIS). Trong báo cáo chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2022 (Global Innovation Index 2022 - GII) do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) thực hiện, Việt Nam chỉ đứng 48/142 quốc gia được khảo sát. Trước đó, Việt Nam xếp thứ 44 vào năm 2021 và thứ 42 vào năm 2020. Năm nay, ngôi đầu tiếp tục thuộc về Thụy Sĩ, tiếp theo là Mỹ ở vị trí thứ hai và Thụy Điển ở vị trí thứ ba. Kết quả đánh giá này được tổng hợp từ 84 chỉ tiêu trong các lĩnh vực: thể chế; nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu; kết cấu hạ tầng; sự tinh tế của thị trường và doanh nghiệp; sản phẩm tri thức và công nghệ; sản phẩm sáng tạo.
Dẫu thế, Việt Nam đã có bước nhảy vọt khá lớn nếu so sánh với 10 năm trước về chỉ số NIS (hạng 76 vào năm 2013) khi đẩy mạnh giáo dục, năng lực nghiên cứu khoa học và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhưng lại khá chậm và sụt giảm nếu so với năm 2021 và 2020, một phần có thể do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ thông qua các văn bản mới ban hành đầu năm 2023, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng nhân tố "con người" của Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể ở các năm kế tiếp.
Thứ tư, doanh nghiệp Việt Nam và sự chuẩn bị cho nền kinh tế số. Đây là một điểm sáng ở thị trường Việt Nam khi hầu hết doanh nghiệp đều hiểu rằng "chuyển đổi số hay là chết". Chúng ta dễ dàng thấy được rất nhiều workshop hội thảo tổ chức hằng tuần chia sẻ các vấn đề và giải pháp của nền kinh tế số hay chuyển đổi số doanh nghiệp.
Đóng góp của kinh tế số vào GDP năm 2022 là 14,26%, tăng 2,35% so với năm 2021, trong đó kinh tế số ICT đóng góp 50,644%; tiếp theo là kinh tế số ngành/lĩnh vực là 30,54% và kinh tế số nền tảng là 18,82%.
Tỷ lệ giá trị Việt Nam trên tổng doanh thu lĩnh vực ICT năm 2022 đạt 27% so với 17,5% năm 2018 và tăng lên 27% năm 2022.
Hạn chế và thách thức
Khách quan mà nhận định rằng, một số hạn chế chung của thế giới trong việc phát triển kinh tế số cũng sẽ diễn ra tại Việt Nam, đó là:
Thứ nhất: Mất việc làm. Càng phụ thuộc vào công nghệ, thì càng ít phụ thuộc vào sức người. Sự tiến bộ của nền kinh tế số có thể dẫn đến mất nhiều việc làm. Khi các quy trình được tự động hóa nhiều hơn, yêu cầu về nguồn nhân lực giảm xuống.
Thứ hai: Thiếu chuyên gia. Nền kinh tế số đòi hỏi những quy trình và công nghệ phức tạp. Để xây dựng các nền tảng, vận hành và bảo trì chúng đòi hỏi nhiều chuyên gia và nhân sự đã qua đào tạo và có những kinh nghiệm thực tiễn. Việt Nam đang thiếu hụt những điều này, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và bán nông thôn.
Thứ ba: Đầu tư cao. Kinh tế số yêu cầu phải có hạ tầng chắc, đường truyền Internet cao và mạng di động, viễn thông khỏe, hay doanh nghiệp phải đầu tư vào các ứng dụng tiên tiến với giá thành rất cao.
Kinh tế số Việt Nam đang trên đà bùng nổ và sẵn sàng trở thành thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia khác.
Tất cả yêu cầu này phải cần thời gian để xây dựng, lên kế hoạch và đầu tư. Tại Việt Nam, còn tồn tại một số vấn đề như hành lang pháp lý, bảo mật và quyền riêng tư. Ngoài ra, thể chế và chính sách vẫn còn chưa đồng bộ, chặt chẽ như quy định liên quan đến quản lý hoạt động thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số, logistics số, nhân sự số...
Theo một số chuyên gia, cùng với xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng viễn thông hiện đại, trở thành nền tảng của nền kinh tế số, cần chú trọng việc giám sát và phòng, chống các loại tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong cơ hội tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số.
(*) Giám đốc Chương trình Cao học IDT, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM; Giám đốc Chuyển đổi số Công Ty Business Software Solution