Studio sản xuất phim hoạt hình Stop Motion (đất nặn) |
Sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới hàng đầu như Facebook, YouTube, TikTok với hàng tỷ người dùng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sáng tạo nội dung số Việt Nam kinh doanh, kiếm tiền online, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số với các dịch vụ quảng cáo số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, game online, sản xuất nội dung, âm nhạc, phim ảnh...
Sáng tạo nội dung số là một trong những cấu phần quan trọng của công nghệ số - một trong những ngành không thể thiếu trong phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (Information Communication Technology - ICT) tại Việt Nam. Tuy ngành sáng tạo nội dung số còn mới, nhưng Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp có vị thế trên thị trường quốc tế.
Tại Việt Nam, theo số liệu đến giữa năm 2022, có khoảng 20.000 nhà sáng tạo nội dung số đang kinh doanh, kiếm tiền trên các nền tảng miễn phí, hằng năm lực lượng lao động này mang về hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách thuế hiện nay chưa phù hợp với đặc thù của nền kinh tế nền tảng, dẫn đến nhiều vướng mắc.
Sáng tạo nội dung số là một ngành rất mới so với các ngành nghề truyền thống khác. Dù mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước, nhưng sáng tạo nội dung số lại bị xem như một loại hình kinh doanh thông thường nên cơ quan quản lý chưa có những quy định rõ ràng về thuế, thậm chí còn bị tình trạng thuế chồng thuế khi kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới.
Kinh doanh trên YouTube bị "thuế chồng thuế"
Theo quy định hiện hành, có ba loại thuế là giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân. Hãy cùng phân tích trường hợp cụ thể đối với các nhà sáng tạo nội dung số trên YouTube đang phải chịu thuế như thế nào.
Chính sách của YouTube quy định nhà sáng tạo nội dung số ở các quốc gia ngoài Mỹ đăng ký thuế với cơ quan thuế của Mỹ sẽ chịu khấu trừ 30% thuế thu nhập cho các lượt xem đến từ Mỹ; các lượt xem từ các quốc gia khác, YouTube không khấu trừ thuế.
Chính sách của YouTube cũng quy định, các nhà sáng tạo nội dung số từ các quốc gia ngoài Mỹ không đăng ký thuế tại Mỹ sẽ bị khấu trừ 24% thuế thu nhập cho tổng lượt xem toàn cầu. Chính sách này nhằm khuyến khích YouTuber đăng ký thuế tại Mỹ.
Khi dòng tiền về đến Việt Nam, nhà sáng tạo cá nhân phải nộp thêm 7%, bao gồm 5% VAT và 2% thuế thu nhập cá nhân. Còn tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trên YouTube phải đóng 30% thuế bao gồm 10% VAT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy, có thể thấy doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trên YouTube tại Việt Nam đang phải chịu hai lần thuế đối với khoản doanh thu từ lượt xem tại Mỹ do phía Mỹ đã thu thuế, bản chất là đang bị thuế chồng thuế.
Việc thu thuế VAT chưa phù hợp với nguyên tắc điểm đến khi xác định nghĩa vụ thuế. Theo nguyên tắc, thuế VAT "tiêu dùng ở đâu, chịu thuế ở đó”. Nội dung số thông thường được tiêu dùng toàn cầu nhưng có những nội dung số chỉ cung cấp cho thị trường nước ngoài, nên việc Việt Nam thu thuế VAT với các nội dung không phục vụ cho người xem trong nước là không phù hợp với nguyên tắc điểm đến. Người xem (người tiêu dùng sản phẩm) không trả tiền trực tiếp cho nhà sáng tạo nội dung số nên không thu được thuế VAT. Riêng trên YouTube, nhà quảng cáo khi chạy quảng cáo trên đã phải nộp 5% thuế VAT, khi YouTube trả tiền cho nhà sáng tạo lại bị khấu trừ tiếp 10% VAT là không phù hợp.
Việc doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trên YouTube tại Việt Nam đang phải chịu hai lần thuế đối với khoản doanh thu từ lượt xem tại Mỹ (do phía Mỹ đã thu thuế) đã tồn tại nhiều năm, gây ảnh hưởng trực tiếp tới cộng đồng doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đang phục vụ thị trường nước ngoài.
Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần với 72 quốc gia và vùng lãnh thổ (sau đây gọi tắt là hiệp định), trong đó 60 hiệp định đã có hiệu lực. Hiệp định giữa Việt Nam và Mỹ đã được hai nước ký kết vào ngày 7/7/2015. Ngày 24/2/2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 29/NQ-CP phê duyệt hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, do phía Mỹ chưa phê chuẩn nên hiệp định chưa có hiệu lực thi hành.
Hiệp định giữa Việt Nam và Mỹ quy định người Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam có thu nhập tại Mỹ khi đã đóng thuế cho Mỹ thì sẽ không phải đóng thuế cho Việt Nam. Đối với Mỹ, nhà đầu tư, quỹ đầu tư Mỹ đầu tư vào Việt Nam và có thu nhập, khi đã đóng thuế ở Việt Nam thì sẽ không đóng thuế cho nước Mỹ. Việc sớm thực thi hiệp định giữa Việt Nam và Mỹ là bước đi quan trọng trong việc giảm bớt gánh nặng về thuế lên vai những nhà sáng tạo nội dung số tại Việt Nam.
Cần sớm điều chỉnh chính sách thuế về dịch vụ nội dung số
Từ thực tế trên, Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA) mới đây đã đưa ra kiến nghị, Tổng cục Thuế xem xét áp dụng chính sách thuế đối với cá nhân, doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ nội dung số trên các nền tảng quốc tế như sau:
Thứ nhất, áp dụng nguyên tắc tránh đánh thuế hai chiều với các nguồn thu nhập từ các quốc gia đã ký kết Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh nội dung số trên các nền tảng toàn cầu. Kiến nghị Chính phủ thúc đẩy để hiệp định giữa Việt Nam và Mỹ sớm được thực thi.
Thứ hai, với nội dung số phục vụ cho thị trường nước ngoài, cho người xem nước ngoài áp dụng thuế suất VAT là 0% (VAT 0% với cả cá nhân và doanh nghiệp).
Dù mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước, nhưng sáng tạo nội dung số lại bị xem như một loại hình kinh doanh thông thường nên cơ quan quản lý chưa có những quy định rõ ràng về thuế, thậm chí còn bị tình trạng thuế chồng thuế khi kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới.
Thứ ba, với thu nhập từ lượt xem tại Việt Nam, cá nhân áp dụng VAT 2%, thuế thu nhập cá nhân 1%; với doanh nghiệp, VAT là 10%.
Bên cạnh đó, cần xem xét áp dụng các chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số tương tự như ưu đãi với lĩnh vực phần mềm và công nghệ cao (sản phẩm thuộc ngành phần mềm và công nghệ cao đang được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, giảm 50% trong 9 năm).
Để doanh nghiệp Việt Nam vươn ra nước ngoài thì cần tận dụng nền tảng số toàn cầu để tạo ra các giải pháp sản phẩm "make in Vietnam" và cung cấp cho khách hàng toàn cầu chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.
Một số doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh bình đẳng ở "sân chơi" toàn cầu, không có ưu tiên, ưu đãi riêng, tuy nhiên cần áp dụng các nguyên tắc về thuế và chính sách thuế một cách thống nhất để đảm bảo sự công bằng, hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số. Việt Nam phải tham gia vào các thỏa thuận khu vực hay toàn cầu để đảm bảo khuôn khổ pháp lý đối với nền kinh tế số là đồng bộ, tránh thực trạng mỗi nước hay mỗi khu vực dựng lên một khung pháp lý riêng.
(*) Phó chủ tịch, Tổng thư ký Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam