Bảo vệ bản quyền trong ngành kinh tế sáng tạo

Quyên Phạm (*)| 11/05/2023 07:00

Bản quyền và sở hữu trí tuệ là vấn đề mà tất cả đơn vị, cá nhân tham gia sáng tạo nội dung trên môi trường số phải xem xét một cách cẩn thận và kỹ càng. Sự bùng nổ của ngành kinh tế sáng tạo đã và đang kéo theo hàng loạt câu chuyện liên quan đến bản quyền sở hữu trí tuệ.

Cơ hội

Sự phát triển của hàng loạt nền tảng xuyên biên giới đã mở ra một thế giới phẳng, cho phép các nhà sáng tạo nội dung số tiếp cận dễ dàng hơn với công chúng, từ đó mở ra những ngành nghề mới thu hút một lực lượng lao động trẻ. Ngành sáng tạo nội dung số đang đứng trước cơ hội phát triển bùng nổ.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 66,2 triệu người dùng Facebook; 63 triệu người dùng YouTube; 10,3 triệu người dùng Instagram; 49,86 triệu người dùng TikTok, cùng với đó là khoảng 2 triệu thuê bao Netflix. Ngoài ra, các nền tảng giải trí trực tuyến xuyên biên giới như Spotify, Apple Music, Amazon Music... cũng đang có số lượng đáng kể người dùng đến từ Việt Nam.

Hành vi tiêu dùng số của người Việt cũng có sự dịch chuyển mạnh mẽ, trong đó có 4 xu hướng tiêu dùng số tác động mạnh trong năm 2023, đó là mua sắm trên mạng xã hội; trải nghiệm VR/AR (75% người dùng cho biết VR/AR làm gia tăng trải nghiệm trực tuyến; social video (90% người dùng tương tác với video sau khi xem); trí tuệ nhân tạo (hơn 100 triệu người sử dụng ChatGPT sau 2 tháng).

Trên phạm vi toàn cầu, ngành công nghiệp nội dung số cũng đã có bước phát triển rất nhanh trong nhiều lĩnh vực như truyền thông, công nghệ, thiết kế, nghệ thuật, giải trí và nhiều lĩnh vực khác. Trong đó, các quốc gia có sự thành công đáng kể như Trung Quốc (doanh thu 104,2 tỷ USD năm 2022); Mỹ (doanh thu 65,8 tỷ USD năm 2022); Nhật Bản (doanh thu 42,8 tỷ USD năm 2020); Hàn Quốc (gần 1 tỷ USD năm 2022).

Đặc biệt, thị trường phim hoạt hình trên toàn cầu cũng tăng trưởng ngoạn mục, ước đạt 391,19 tỷ USD năm 2022 và dự kiến lên tới 587,1 tỷ USD vào năm 2030, với tỷ lệ tăng trưởng hằng năm 5,2%. Riêng lĩnh vực hoạt hình 3D đang tăng tốc phát triển rất nhanh, doanh thu hoạt hình 3D dự kiến tăng lên mức 47,021 triệu USD vào năm 2030 với tăng trưởng bình quân mỗi năm (CAGR) là 12,5% trong giai đoạn 2022-2030.

Trước thực tế đó, lực lượng lao động trẻ Việt Nam đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng của công nghệ mới và số lượng lao động tham gia kinh doanh kiếm tiền từ nghề sáng tạo nội dung ngày càng gia tăng. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thuế năm 2022, chỉ tính riêng trên YouTube, số người Việt Nam kiếm tiền từ nền tảng mạng xã hội này lên tới 20.000 người và mang về một khoản doanh thu ngoại tệ tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng. Việt Nam hiện có gần 500 kênh YouTube đạt nút vàng (hơn 1 triệu người đăng ký và 8 kênh đạt nút kim cương (trên 10 triệu lượt đăng ký).

-4230-1683692592.jpg

Hiện nay, có 4 ngành nghề kinh doanh nội dung số, kiếm tiền nhanh trên các nền tảng xuyên biên giới mà các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam tham gia với số lượng nhân lực đông đảo:

1. Sản xuất nội dung và kiếm tiền trên các nền tảng miễn phí YouTube, Facebook, TikTok và nhiều nền tảng xuyên biên giới khác.

2. Kinh doanh trên các nền tảng âm nhạc trực tuyến Spotify, Apple Music, Amazon Music và khoảng 52 nền tảng nhạc số khác.

3. Bán hình ảnh, tranh, bản vẽ thiết kế, hình ảnh - video 2D - 3D, giáo dục trực tuyến... trên các nền tảng trực tuyến toàn cầu.

4. Game online phát hành trên Apple App Store và Google Play Store cũng như các nền tảng số của các quốc gia khác...

Thúc đẩy "make in Vietnam" và hỗ trợ bảo vệ bản quyền

Trước đây, trong lĩnh vực truyền hình truyền thống, chúng ta có thể phát sóng một số chương trình nhưng chưa chắc đã rõ ràng hoàn toàn về mặt bản quyền. Các chương trình truyền hình khi phát sóng xong thì cũng không tồn tại một cơ chế nào hay là một công cụ nào có thể kiểm soát được bản quyền. Thậm chí, trường hợp được xác định là vi phạm thì cũng rất lúng túng trong xử lý. 

Nhưng ở thời điểm hiện tại, bản quyền nội dung trên môi trường số lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Trên các nền tảng xuyên biên giới, mỗi nhà cung cấp nội dung nếu không thật sự xem trọng bản quyền, xem trọng sở hữu trí tuệ thì đến một thời điểm sẽ phải gánh những hậu quả rất đáng tiếc. Ví dụ, công cụ kiểm soát bản quyền trên YouTube ngày càng chặt chẽ và các nền tảng khác cũng thế, kể cả nền tảng trong nước. Do đó, việc tôn trọng bản quyền thực sự là một thách thức lớn với các nhà sáng tạo nội dung.

Link bài viết

Tuy nhiên, câu chuyện cũng không thực sự "đao to búa lớn", mà điều đầu tiên chúng ta phải nghĩ tới đó là trong tư duy luôn phải xác định rõ bản quyền là tài sản đáng trân trọng hàng đầu và chúng ta luôn luôn tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ. 

Ngành công nghiệp công nghệ thông tin khác với các ngành công nghiệp khác. Khi các ngành sản xuất chủ yếu dựa trên máy móc, thì công nghiệp công nghệ thông tin chủ yếu dựa trên con người. Khi các ngành công nghiệp sản xuất dựa trên vật liệu, thì ngành công nghệ thông tin dựa trên dữ liệu. Do đó, để thúc đẩy công nghệ thông tin chúng ta cần có chính sách đặc thù, chẳng hạn như thay vì miễn thuế nhập khẩu linh kiện hay giảm thuế doanh nghiệp, thì chúng ta phải miễn thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các chủ thể tham gia sản xuất nội dung số.

Để thúc đẩy sự sáng tạo thì thuế thu nhập cá nhân giải quyết rất nhiều vấn đề, giảm thuế giúp người sáng tạo có thể làm việc ở nhiều công ty khác nhau, có thu nhập cao trong khi họ vẫn được hưởng "phần lớn" thu nhập cá nhân đó. 

Một góc nhìn khác mà chúng ta cũng cần khách quan xem xét, đó là ngành công nghệ thông tin cần thúc đẩy "make in Vietnam". Điều đó có nghĩa là đối với nội dung số, chúng ta có xuất khẩu nội dung trên toàn thế giới thì nội dung đó phải được sản xuất ở Việt Nam, bởi con người Việt Nam. Một điểm quan trọng cần lưu ý là chỉ khi chúng ta cung cấp nội dung cho phân khúc B2B đó mới khẳng định chúng ta bắt đầu sản xuất nội dung chuyên nghiệp. B2B đòi hỏi yêu cầu rất cao nên đây là phân khúc phân biệt ngành công nghiệp nội dung với các bạn làm nội dung freelancer, livestreamer.

Về kinh nghiệm hỗ trợ vi phạm bản quyền, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc - một quốc gia đi đầu trong ngành công nghiệp nội dung số. Hàn Quốc đã xây dựng một hệ thống đánh mã sản phẩm nội dung số tự động. Khi tác giả upload (tải lên) sản phẩm số có thể là game, có thể là video thì hệ thống sẽ phân tích nội dung và cấp một mã, mã này là để đánh dấu chính sản phẩm số đó.

Tại Đức cũng có một cách làm hay, đó là đã liên kết hệ thống đánh mã sản phẩm với 4 hệ thống mã sản phẩm lớn nhất trên thế giới. Nếu một sản phẩm số đã được cấp mã thì khi được phân phối đi bất cứ đâu cũng có thể được bảo vệ bản quyền. 

Đối với công nghệ số nền tảng như YouTube, TikTok hay Facebook đang xử lý vi phạm bản quyền nhanh hơn dựa trên công nghệ. Đây chính là một cơ hội cho chúng ta, thứ nhất là nếu lỡ như chúng ta có vi phạm thì sẽ phát hiện ngay và suy nghĩ ngay cách giải quyết; hoặc nếu như chúng ta có những clip bị vi phạm thì cũng sẽ xử lý nhanh hơn. 

Trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin có một mô hình là khu công nghệ thông tin tập trung. Khu công nghệ thông tin tập trung được xem là một nơi cung cấp mặt bằng làm việc cho các doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin, trong đó có nội dung số. Tuy nhiên, về mặt lâu dài thì khu công nghệ thông tin tập trung sẽ là một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của ngành công nghệ thông tin. Và trong hệ sinh thái đó có bộ phận pháp lý chuyên trách để giải quyết các vấn đề pháp lý nói chung, trong đó có vấn đề làm sao để các doanh nghiệp số không vướng vào vi phạm bản quyền và xử lý vi phạm.

(*) Phó chủ tịch - Tổng thư ký Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảo vệ bản quyền trong ngành kinh tế sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO